Xung quanh chuyện doanh nghiệp kinh doanh địa ốc kẹt vốn làm dự án, phải vận động khách hàng góp tiền thêm, hiện có hai luồng ý kiến khác nhau: một bên thì ủng hộ "cùng vượt khó” nhưng không ít người cho rằng doanh nghiệp ép khách hàng.
Các giải pháp gỡ khó xem ra cũng khó triển khai vì chủ đầu tư và khách hàng đều có những tính toán hơn thiệt khác nhau. Đặc biệt là giữa các khách hàng cũng có "người muốn, kẻ không". Người muốn là những người có nhu cầu thật về nhà ở, còn kẻ không là những người mua để kinh doanh.
Xem mặt ứng tiền
Tổng giám đốc một công ty kinh doanh địa ốc cho biết thời điểm thị trường địa ốc "sốt", khá nhiều dự án huy động vốn của khách hàng khi dự án chưa giải phóng mặt bằng xong. Một phần vốn này được dùng để đền bù, giải phóng mặt bằng thay vì xây nhà.
Cũng có trường hợp chủ đầu tư triển khai cùng lúc nhiều dự án nên lấy vốn từ dự án này để đắp cho dự án khác, kéo các dự án cùng chậm trễ, không đảm bảo tiến độ cam kết với khách hàng. Nay ngân hàng ngưng tài trợ vốn, giá vật liệu tăng khiến các chủ đầu tư chới với, lâm vào cảnh khó khăn. Chủ đầu tư nào yếu vốn, không cầm cự được đã bộc lộ rõ nhược điểm của mình nay sẽ khó khi đề nghị khách hàng ứng thêm tiền.
Theo chuyên gia về đầu tư tài chính Đinh Thế Hiển, hiện không riêng chủ đầu tư mà cả khách hàng cũng đang khó khăn về vốn do chủ trương hạn chế cho vay mua nhà đất của các ngân hàng. Việc kêu gọi ứng vốn trước sẽ gây thêm khó khăn cho khách hàng. Do vậy, theo chuyên gia này, sẽ rất ít khách hàng chịu chi thêm.
"Giải pháp tốt nhất là các doanh nghiệp nên liên kết lại để làm dự án, đầu tư theo từng giai đoạn" - ông Hiển đề xuất. Tuy nhiên ông cũng băn khoăn là các doanh nghiệp trong nước chưa quen với mô hình này, chưa kể mỗi doanh nghiệp có "tự ái" riêng thì khó có doanh nghiệp nào chấp nhận.
Cần có tổ chức nào đó đứng ra làm cầu nối như Hiệp hội Bất động sản TP.HCM chẳng hạn. Một giải pháp khác là tìm nguồn vốn từ các quĩ đầu tư nước ngoài và chấp nhận giảm lợi nhuận để "cứu" dự án. Bởi theo ông, hiện nay các dự án thiếu vốn khi triển khai giữa chừng không hiếm. Ngưng triển khai dự án càng khó khăn hơn cho cả hai phía chủ đầu tư và khách hàng. Còn nếu chỉ trông chờ vào nguồn vốn của khách hàng thì dự án cũng cầm cự được một thời gian ngắn rồi tiếp tục ách tắc sau đó.
Muốn ứng tiền phải công khai
Ông Lăng Xuân Bình - tổng giám đốc Công ty cổ phần địa ốc Phúc Yên (chủ đầu tư dự án chung cư cao cấp Phúc Yên, đường Phan Huy Ích, P.15, Q.Tân Bình, TP.HCM) - cho rằng hiện nay các ngân hàng đã quay lưng trong khi công ty không thể lường trước giá vật liệu tăng như hiện nay. Do vậy chỉ còn cách kêu gọi sự hỗ trợ của khách hàng mới mong tiếp tục duy trì dự án. Cũng theo ông Bình, trong thời điểm hiện nay việc kêu gọi sự hỗ trợ và hợp tác của khách hàng là rất nhạy cảm nhưng ông tiên liệu thời gian tới sẽ rất khó khăn. Nếu không có sự chuẩn bị kịp thời, tiến độ công trình sẽ bị ảnh hưởng.
Theo ông Bình, đến nay các hợp đồng mua căn hộ tại dự án chung cư cao cấp Phúc Yên đã được ký kết gần hết. Nếu có sự hợp tác, hỗ trợ của khách hàng, công ty mới có nguồn vốn để đối phó với việc tăng giá của vật liệu xây dựng, và đến tháng 7-2009 sẽ có căn hộ hoàn thiện giao cho khách hàng.
Về việc để khách hàng giám sát nguồn vốn của công ty sử dụng ra sao, ông Bình cho rằng làm như vậy rất khó vì tiền sau khi huy động sẽ được gửi vào ngân hàng, sử dụng cho việc mua vật liệu. Riêng phụ lục huy động vốn công ty cam kết không tăng giá căn hộ và đảm bảo chất lượng, công trình đúng tiến độ.
Tuy nhiên, một chủ đầu tư dự án chung cư cao cấp tại quận 7 nói rằng để thuyết phục các khách hàng đồng ý ứng vốn thì chủ đầu tư phải công khai cho khách hàng biết nguồn tiền huy động được sử dụng ra sao để khách hàng tin tưởng. Ông đề xuất: để kiểm soát đồng vốn sử dụng đúng mục đích, doanh nghiệp buộc phải công khai từng hạng mục, nhu cầu về vốn. Nếu cần, hai bên có thể ghi rõ vốn huy động thực hiện cho từng hạng mục cụ thể, khi nào hoàn tất các hạng mục theo cam kết mới đóng tiền cho đợt tiếp theo.
"Ngồi lại" có điều kiện
Trong khi đó giám đốc một công ty kinh doanh địa ốc nói rằng trong hợp đồng thông thường hai bên có thêm điều khoản là trường hợp phát sinh ngoài ý muốn thì hai bên có thể ngồi lại bàn bạc, thỏa thuận. Việc ngân hàng siết chặt tín dụng, giá vật liệu tăng quá cao... là ngoài mong muốn của chủ đầu tư, có thể xem là yếu tố phát sinh. Việc chủ đầu tư ứng tiền trước và trả lãi cho khách hàng là cách làm hợp tình hợp lý.
Tuy nhiên ông cũng lưu ý chỉ nên ứng trước vốn đối với các dự án đã triển khai, còn dự án đã đóng tiền mà vẫn chưa thấy động tĩnh gì thì nên cân nhắc, tránh thiệt thòi sau này. Cũng theo ông, việc ứng tiền nên chia nhỏ ra làm nhiều đợt, không nên đưa cùng lúc một "cục" tiền. Khi đó sẽ khó giám sát chủ đầu tư sử dụng đồng vốn mà rủi ro cũng cao hơn.
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: