Top

Tìm quyết sách mới về nông thôn, nông dân, nông nghiệp

Cập nhật 09/05/2008 11:00

Phần 1: Đất nông nghiệp bị thu hồi vô tội vạ

Đất lúa bị thu hồi làm KCN nhưng nhiều KCN lại để trống.

Cơn sốt gạo khiến nhiều người dân Việt Nam vô cùng hoảng hốt đã trôi qua nhưng những vấn đề đặt ra sau đó lại nóng hơn bao giờ hết. Đó là vấn đề bảo đảm an ninh lương thực cũng như cuộc sống cho hơn 70% dân số nông nghiệp trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa ngày càng cao. Những đổi thay trong đời sống người nông dân mất đất, định hướng phát triển nền nông nghiệp trong tương lai, bộ mặt mới của nông thôn Việt Nam trong thời kỳ hội nhập sẽ được xem xét cụ thể tại Hội nghị Trung ương 7 sắp tới.

Cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao và ổn định trong nhiều năm qua, diện tích đất nông nghiệp của nước ta từ Nam chí Bắc đang dần bị thu hẹp lại. Phải khẳng định chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hóa, đô thị hóa, rút bớt khoảng cách giữa nông thôn và thành thị là đúng đắn nhưng khi thực hiện đã nảy sinh những bất cập. Trong khi nhiều nông dân không còn đất để sản xuất thì nhiều KCN lại để trống, gây nên sự lãng phí lớn.

Đua nhau lập khu công nghiệp

Trong những năm gần đây, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đua nhau xây KCN. Tỉnh nào cũng có ít nhất một KCN, trong đó nhiều nhất là Long An với 16 KCN chiếm hơn 10 ngàn ha.

TP Cần Thơ cũng không thua kém với năm KCN chiếm 924 ha. Tất cả các khu này đều nằm dọc triền sông Hậu. “Đấy là vùng đất rất nhiều phù sa, thuận lợi cho trồng trọt”, ông Nguyễn Văn Ngay - một “lão nông tri điền” ở quận Bình Thủy cho biết. Mới đây, Cần Thơ đang triển khai mở rộng và xây mới bốn KCN, cũng chạy dọc bờ sông Hậu và rộng hơn một ngàn ha.

Bến Tre có hai KCN (Giao Long, An Hiệp) với tổng diện tích hơn 220 ha, thế nhưng cũng chỉ lèo tèo vài nhà đầu tư. Còn Đồng Tháp, ngoài ba KCN hiện có chưa lấp đầy nhà đầu tư (còn 71% diện tích trống), tỉnh đã vội quy hoạch thêm hai KCN mới với diện tích lên đến 2.200 ha.

Tại một số tỉnh phía bắc, tình trạng lấy đất nông nghiệp cũng đang tiếp tục diễn ra trên quy mô rộng. Chỉ riêng tỉnh Vĩnh Phúc trong 10 năm đã thu hồi hơn 4.000 ha đất nông nghiệp để làm KCN, đô thị và hạ tầng. Từ năm 2000-2008, Bắc Ninh đã thu hồi tới 7.000 ha đất trồng trọt cho các mục đích sử dụng phi nông nghiệp. Tại tỉnh Hưng Yên, chỉ trong năm 2007, các huyện Phù Cừ, Tiên Lễ, Kim Động và thị xã Hưng Yên đã lấy 500 ha đất lúa để xây dựng bốn KCN...

Theo Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, hiện nay Việt Nam là nước có diện tích đất canh tác bình quân đầu người thấp nhất thế giới, chỉ khoảng 0,12 ha/người. Diện tích đất canh tác của một nông dân Thái Lan cao hơn gấp 2,5 lần nông dân Việt Nam.

... Rồi để trống

Tại Long An, các KCN cũ nhà đầu tư chưa lấp đầy thì các KCN mới đã mọc lên. Báo cáo tại kỳ họp HĐND Long An mới đây cho thấy 16 KCN hiện có của tỉnh này chỉ mới lấp được gần 13% diện tích. Một đại biểu HĐND tỉnh (đề nghị giấu tên) bức xúc: “Không hiểu sao tại kỳ họp này UBND tỉnh còn đề nghị dành gần 4.000 ha cho công nghiệp, đồng thời trình Chính phủ xin thêm 15 ngàn ha nữa phục vụ cho công nghiệp”.

Riêng huyện Bến Lức đã có hai dự án (DA) KCN chiếm hơn 160 ha đất nhưng hiện bỏ trống vì nhiều lý do. Tại huyện Đức Hòa, nhiều DA với tổng diện tích 1.600 ha được giao trong nhiều năm nhưng chỉ mới triển khai một vài hạng mục nhỏ. Trước thực trạng đó, người dân trong vùng đã đề nghị tỉnh xem xét, thu hồi DA hoặc xóa quy hoạch, trả lại đất cho họ sản xuất. Trong những năm gần đây, UBND tỉnh Long An cũng đã thu hồi tới trên 11.600 ha ở các DA mà chủ đầu tư không có năng lực tài chính.

Tỉnh Trà Vinh hiện có KCN Long Đức rộng 100 ha, hiện nay các nhà đầu tư chỉ thuê hơn 20 ha mặc dù giá thuê đất tại đây thuộc loại thấp nhất so với cả nước (1.000-2.000 đồng/m2/năm). Thế nhưng tỉnh này lại đang kêu gọi xây dựng thêm Cụm công nghiệp Cầu Quan với diện tích lên đến 120 ha.

Cả bốn tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc cũng đều có tình trạng những cánh đồng bỏ hoang hóa không được đầu tư. Lý do thì nhiều nhưng không loại trừ việc chủ đầu tư chỉ chạy để được “cộp dấu” quy hoạch xí phần đất rồi “treo”, không triển khai hoặc triển khai rất chậm.

“Lạm phát” dự án vô bổ

Đất nông nghiệp không chỉ bị lấy làm KCN mà còn được đầu tư xây dựng khu đô thị sinh thái, sân golf. Tuy nhiên, do không được kiểm soát nên dẫn đến việc “lạm phát” những DA vô bổ. Điển hình nhất cũng lại là ở Long An, một tỉnh đồng bằng sông Cửu Long với những thửa ruộng ở Đồng Tháp Mười thẳng cánh cò bay. 13 DA sân golf và 12 DA khu đô thị sinh thái của tỉnh đã ngốn hết của nông dân trên 13.000 ha đất trồng lúa.

Ông Ngô Hải Phong - nguyên Phó Chủ tịch UBND và HĐND tỉnh cho rằng Long An đang lâm vào cảnh “lạm phát” những DA vô bổ. Theo ông Phong, tỉnh nên mạnh tay xóa bỏ ít nhất là 2/3 DA sân golf, khu đô thị sinh thái, trả lại đất cho nông dân sản xuất để khỏi mất công sức tái thiết sự ổn định vốn có ở nông thôn. “Philippines đang lâm vào cảnh thiếu lương thực trầm trọng cũng chính vì lấy quá nhiều đất nông nghiệp làm sân golf, làm khu đô thị sinh thái. Đó là bài học đối với Long An trong thời điểm hiện tại” - ông Phong nói.

Tuy nhiên, đề xuất trả lại đất cho nông dân canh tác rất khó thực hiện. Việc dẹp “loạn sân golf” ở Long An chỉ mới dừng lại ở chỗ đơn giản con số từ 13 DA xuống còn ba DA. Đối với 10 DA còn lại, UBND tỉnh cũng không thể xóa bỏ để giao trả lại đất cho nông dân, vì làm như vậy sẽ bị các nhà đầu tư kiện “sặc gạch”.

Long An cũng đang bội thực DA khu đô thị sinh thái. Ông Phong bức xúc: Khu đô thị sinh thái có phải là những khu biệt nhà vườn cao cấp hay không? Nó có lợi ích như thế nào đối với nông dân trong vùng? Khi phê duyệt những DA này, UBND tỉnh có nhận ra những hệ lụy của việc lấy quá nhiều đất nông nghiệp để làm những việc mà người nông dân không hề hưởng lợi do việc thu hút đầu tư mang lại?

TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường:

Lấy đất nông nghiệp tràn lan sẽ đói

Nếu cứ cấp đất nông nghiệp tràn lan, chúng ta sẽ đứng trước nguy cơ thiếu đói. An ninh lương thực luôn là vấn đề được đặt lên hàng đầu ở mỗi quốc gia. Công nghiệp có thể mang lại lợi nhuận rất nhiều, công nghệ có thể rất cao, đô thị có thể rất hiện đại nhưng con người bị đói thì tất cả những thứ đó đều không để làm gì. Nhiều lúa gạo, lương thực thì vấn đề phát triển bền vững sẽ được bảo đảm.

PGS - TS Nguyễn Hồng Thục, Chủ tịch Hội đồng Viện Nghiên cứu định cư:

Quản lý đất trồng lúa quá lỏng lẻo

Các chuyên gia, nhà khoa học đã cảnh báo từ lâu về tình trạng phá đất trồng lúa để làm KCN, khu đô thị, nhà máy... Quản lý nhà nước về đất trồng lúa giờ hết sức lỏng lẻo, nhiều cán bộ nhà nước có quyền lợi trong việc chuyển đất lúa thành các dự án.

Đất ruộng mà sử dụng vào mục đích khác thì dẫu có cải tạo lại cũng không thể trồng lúa được. Đất đai màu mỡ mà người ta nỡ đổ đá, sỏi, cát vào, rất xót xa. Nhiều nước khi xây dựng đô thị, người ta hớt hết đất màu giữ lại rồi mới xây dựng chứ đâu như mình.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội Các ngành sinh học Việt Nam:

Không thể phục hồi đất lúa đã bị phá

Đất nông nghiệp của chúng ta là loại đất quý, phải hàng ngàn năm mới tích tụ được loại đất có cấu tượng như thế, không thể hủy hoại nó, không thể vùi lấp nó dưới các KCN được. Nếu đất nông nghiệp tiếp tục bị lấy để xây dựng KCN, khu đô thị thì mười lăm năm tới chúng ta sẽ chết đói! Dù có tính toán, báo cáo thế nào thì đây cũng là loại đất mà nếu mất đi thì không bao giờ có thể phục hồi được.


Theo Pháp Luật TP.HCM