Top

Địa ốc về gần giá gốc sau nhiều đợt sụt giảm

Cập nhật 09/05/2008 10:00

Một số nền dự án Him Lam ở quận 8, TP HCM tuần đầu tháng 5 đã trở về giá ban đầu 14 triệu đồng mỗi m2, giảm 50% so với thời kỳ sốt. Theo các chuyên gia, cuối năm thị trường sẽ ổn định dần vì cung và cầu sắp gặp nhau.

Khảo sát của VnExpress ngày 8/5, nhiều dự án đang đi theo quỹ đạo tự điều chỉnh mặt bằng giá chung, giảm trung bình 30-50% so với đầu năm nay.

Cụ thể, dự án Thái Sơn 1, đã có sổ đỏ, thời điểm trước Tết có giá 25-28 triệu đồng mỗi m2 nhưng nay đã có vài vị trí chỉ còn 12-13 triệu đồng. Ngay khu Thạnh Mỹ Lợi, nhiều nền đất trước Tết kêu giá 5 tỷ đồng giờ hạ xuống còn 3,2 tỷ. Thậm chí, có nhà đầu tư đã rao bán căn hộ Phú Mỹ Hưng với giá 12 tỷ đồng, giảm 8 tỷ đồng so với tháng 11/2007.

Khu dân cư An Phú, An Khánh, Thái Thịnh, Phước Long B, Bình Trưng Đông cũng bị rớt giá thấp nhất 30% so với đầu năm.

Nhà đất tụt dốc, quyền mua căn hộ cũng mất giá thê thảm. Đơn cử quyền mua căn hộ Topaz trong dự án Saigon Pearl, thời hoàng kim của thị trường địa ốc lên đến 70.000 USD (chưa tính đến giá trị nhà đất), nay chỉ còn 3.000-4.000 USD. Quyền căn hộ dự án Saigon River View bây giờ ở mức 2.000-3.000 USD, trước đây có thời kỳ lên đến hàng chục nghìn USD. Không ít nhà đầu tư vì muốn buông bớt bất động sản đang nắm giữ để giải ngân, đã mạnh tay giảm quyền mua căn hộ từ 50 đến 70% so với trước đây.

Tụt giá nhưng giao dịch nhà đất không nhiều. Thống kê của sàn địa ốc ACBR chi nhánh Nguyễn Đình Chiểu, trong tháng 4, tổng số giao dịch thành công qua sàn là 30, song nhà dự án chỉ chiếm 20%. Những ngày đầu tháng 5, sản phẩm dự án có giao dịch không đáng kể.

Hầu hết những cuộc mua bán thành công đều là nhà riêng lẻ, hồ sơ pháp lý đầy đủ, giá dưới 2,5 tỷ đồng, người mua có nhu cầu để ở là chính. Nhà đầu tư chưa mạnh tay đối với dòng sản phẩm dự án, còn tâm lý chờ đợi một đợt điều chỉnh giá mới.

Giám đốc một doanh nghiệp địa ốc chia sẻ: "Thời kỳ bất động sản sốt, mỗi ngày chúng tôi tiếp nhận cả trăm khách hàng, tiền không đếm xuể. Còn nay, tìm khách cực khó, ai cũng dè dặt, chờ hạ giá mới tính".



Một dự án đang hoàn thành phần thân tại khu Nam TP HCM.


Trao đổi với VnExpress, Tổng giám đốc Công ty cổ phần địa ốc ACB chi nhánh Nguyễn Đình Chiểu, TP HCM, ông Phạm Văn Hải nhận định: "Tuy các dự án đang tụt dốc mạnh, nhưng nhiều khả năng cuối năm nay thị trường bắt đầu bình thường, ít biến động hơn. Giá nhà đất đang hạ đến mức tạo điều kiện cho cung và cầu gặp nhau".

Theo ông Hải, địa ốc chỉ giảm giá đến một ngưỡng nhất định, không loại trừ khả năng trở về mức ban đầu, nhưng chạm đến giá gốc là ngưỡng cuối cùng. Lúc đó, những khoản chênh lệch qua trung gian bị kích lên cao sẽ bị phá vỡ, còn giá trị thực sự của nhà và đất không hề lung lay.

Chính vì thế, chuyên gia này tin rằng, thị trường địa ốc đến cuối năm 2008 sẽ có những chuyển biến tích cực, cung và cầu sẽ tiệm cận nhau vì khung giá đã được điều chỉnh hợp lý hơn.

Chủ tịch HĐQT Công ty địa ốc Phúc Đức, ông Lâm Văn Chúc dự báo rằng, nhà đất nhiều nơi đang hạ nhiệt đến 50% có thể là ngưỡng cuối cùng. Quan điểm của ông Chúc, địa ốc tiếp tục mất giá, nhà đầu tư và doanh nghiệp sẽ phá sản. Theo đó, nhiều hệ thống ngân hàng cũng bị lung lay, do đã nắm trong tay trung bình 60-80% bất động sản toàn xã hội.

Nguyên nhân của những đợt thoái trào trên thị trường nhà đất TP HCM, theo ông Chúc, bắt nguồn từ chính sách siết tín dụng bất động sản đột ngột, lãi suất leo thang, vật liệu xây dựng tăng giá liên tục và nền kinh tế có dấu hiệu bất ổn.

Các yếu tố này tác động đến mạch máu tài chính toàn xã hội, kéo theo tâm lý hoang mang, thiếu niềm tin vào thị trường. Ông cũng khẳng định thêm, với đà này, nếu Chính phủ không điều chỉnh các luật để tháo gỡ vướng mắc, 3 năm nữa thị trường nhà đất cũng chưa hồi phục nổi.

Chuyên gia này ví von rằng, doanh nghiệp địa ốc đang ra biển lớn nhưng đột ngột hết nhiên liệu, không thể quay vào bờ, chỉ còn mong ngọn gió là chính sách cứu sống. "Doanh nghiệp địa ốc chết thì thị trường này cũng xẹp, không có nguồn cung trong khi nhu cầu vẫn tăng liên tục, người dân càng bị thiệt thòi", ông nói.

Trong buổi lấy ý kiến doanh nghiệp, các sở ngành về 15 kiến nghị của Hiệp hội Bất động sản trình UBND TP HCM mới đây, Chủ tịch hiệp hội bất động sản thành phố, ông Lê Hoàng Châu cũng dự báo, thị trường nhà đất sẽ còn trồi sụt nhiều đợt trong năm 2008-2009 để hình thành những mặt bằng giá mới phù hợp hơn.

Tuy nhiên, theo nhận định của ông Châu, năm 2010 địa ốc Sài Gòn sẽ ổn định, vì thời điểm đó, nhiều chính sách được luật hóa, trở thành công cụ quản lý tốt, sát sườn, sẽ kích thị trường phát triển ổn định.

Theo VnExpress