Báo giới đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đăng Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển Hạ tầng
* Ông đánh giá như thế nào về khả năng mua nhà của người lao động có thu nhập thấp và thu nhập trung bình hiện nay?
Ông Nguyễn Đăng Sơn: Mặc dù chưa trở thành một làn sóng nhưng hiện cũng đã có một số doanh nghiệp (DN) bắt đầu có ý định sẽ đầu tư phân khúc thị trường này. Mới đây, một DN Hàn Quốc đã đề nghị hợp tác với Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn để xây dựng 20.000 căn hộ tại các chung cư cao tầng có giá khoảng 15.000 USD/căn. Tại Thái Lan, những căn hộ có giá tương tự như vậy rất nhiều.
Một số công ty địa ốc trong nước đã đề nghị với Bộ Xây dựng được đầu tư vào nhà cho người thu nhập thấp với diện tích xây dựng mỗi căn khoảng từ 30 - 35 m2, với số lượng lên tới hàng ngàn căn hộ. Mặc dù chưa được chấp thuận nhưng nó cũng cho thấy các DN đã bắt đầu chú ý đến thị trường này.
* Nhưng hiện nay đối tượng được tham gia nhà ở xã hội chỉ giới hạn trong một bộ phận rất nhỏ?
Tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến này. Hiện khái niệm này còn chưa rõ ràng nhưng đối tượng được tham gia chương trình nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở và Nghị định 90 đang quá hạn hẹp. Theo đó, chỉ những cán bộ, công nhân viên chức, quân nhân chuyên nghiệp mới là những người được tham gia. Nhưng trên thực tế, không phải cán bộ, công nhân viên chức nào cũng có thu nhập thấp, nhiều người đang có thu nhập rất cao. Trong khi đó, nhu cầu mua nhà của những người thu nhập thấp thuộc mọi thành phần kinh tế đang rất lớn. Vì vậy, tôi cho rằng Chính phủ nên xem xét lại vấn đề này, điều chỉnh Luật Nhà ở, mở rộng đối tượng được tham gia chương trình trên, có những hướng dẫn riêng cho người có thu nhập thấp không phải là công nhân viên chức. Có như vậy mới giải quyết được phần nào nhu cầu của đông đảo người lao động hiện nay. Tôi đã từng đi rất nhiều nước tại châu Á và tất cả các nước đó họ đều làm như vậy.
* Một số DN muốn xây dựng căn hộ có diện tích từ 30 - 35 m2 nhưng lại đang vướng quy định của Luật Nhà ở. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Tôi cho rằng chúng ta cần có cái nhìn thoáng hơn về quy định của pháp luật để tạo điều kiện cho DN thực hiện các dự án nêu trên. Vấn đề bây giờ không phải là có nên hay không mà đã đến lúc Chính phủ cần “cởi trói” cho DN trong các quy định cứng nhắc nêu trên. Nếu để cho DN được phép xây dựng các căn hộ với diện tích nêu trên, chắc chắn sẽ tạo được một sự đột phá trong vấn đề này. Giá cả sẽ vừa túi tiền của nhiều người. Khi DN bán được nhiều, rủi ro ít thì chẳng có lý gì họ lại thờ ơ với những dự án như vậy.
* Theo ông, Chính phủ nên làm gì để việc mua nhà của người thu nhập thấp dễ dàng hơn?
Việc mà Chính phủ cần làm ngay lúc này là làm sao để khuyến khích các DN tham gia bằng các chương trình ưu đãi cụ thể. Nếu ưu đãi nhiều, không chỉ DN trong nước mà nhiều DN nước ngoài cũng sẽ tham gia chương trình này. Ngoài ra, Nhà nước cần có chính sách cho vay mua nhà đối với nhóm đối tượng có thu nhập thấp nhưng có khả năng chi trả. Các ngân hàng cũng không nên đóng cửa hoàn toàn với các dự án có tính khả thi và ít rủi ro. Mặt khác, nên có chính sách cho thuê mua, tức là người thuê lâu dài và đến một lúc nào đó căn nhà đó sẽ trở thành của họ.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM:
Nên để cho địa phương tự quyết
Theo tôi, nhu cầu mua nhà của những người thu nhập thấp đang rất lớn, nhất là tại các TP lớn như: TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng... Vì vậy, Chính phủ nên cho phép thành lập Tổng cục Phát triển nhà ở để điều hành trên phạm vi cả nước thay bằng việc cho thành lập Tổng Công ty Phát triển nhà ở theo đề xuất của Bộ Xây dựng. Mặt khác, để tăng cường hơn nữa khả năng mua nhà của những người có thu nhập thấp, thời gian tới, Chính phủ nên xem xét thay đổi một số quy định khá cứng nhắc hiện nay, đặc biệt là các quy định về chiều cao xây dựng, diện tích sàn nhà. Các địa phương là những nơi nắm bắt nhu cầu của địa phương mình rõ nhất. Vì vậy, Chính phủ nên để cho họ tự quyết trong những vấn đề trên.
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: