Top

Hải Phòng: Nhà thầu “bỏ của” vì trượt giá

Cập nhật 14/09/2008 10:00

Từ cuối năm 2007 đến nay, gần như tất cả các công trình trọng điểm ở Hải Phòng bị chậm tiến độ còn do lạm phát, giá cả và lãi suất ngân hàng tăng đột biến. Không ít nhà thầu đã phải bỏ dở công trình. Họ thà mất 5 hoặc 10% vốn đầu tư ban đầu, còn hơn là gánh chịu thiệt hại do trượt giá vật liệu gấp nhiều lần như thế.

"Rùa" trong giải phóng mặt bằng

Từ nhiều năm nay, khâu giải phóng mặt bằng (GPMB) chậm trễ đã trở thành căn bệnh kinh niên là nỗi khiếp hãi đối không ít các chủ dự án ở Hải Phòng: GPMB thực hiện không tốt đã thực sự kìm hãm khiến tiến độ công trình chạy không kịp thở so với sự tăng trượt chóng mặt của giá cả vật liệu, xăng dầu.

Đặc biệt là các công trình trọng điểm, đầu tư càng lớn, tổn thất càng nặng nề. Không ít nhà thầu đã phải bỏ dở công trình. Họ thà mất 5 hoặc 10% vốn đầu tư ban đầu, còn hơn là gánh chịu thiệt hại do trượt giá vật liệu gấp nhiều lần như thế. Đáng ngại hơn nữa, GPMB ở các dự án đều chậm so với kế hoạch từ 6 - 12 tháng.

Có thể nói, tất tật từ chính sách đền bù, xây dựng khu tái định cư, chi phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư, hay đến sự chây ỳ không chịu bàn giao mặt bằng… hoàn toàn xuất phát từ chủ quan con người.

Lao đao trước lạm phát và giá cả tăng vọt


Một yếu tố khác, suốt từ cuối năm 2007 đến nay, gần như tất cả các công trình trọng điểm ở Hải Phòng bị chậm tiến độ còn do lạm phát, giá cả và lãi suất ngân hàng tăng đột biến.

Đối với nhà thầu, yếu tố cơ bản để hoạt động là vấn đề vốn thi công. Nhà thầu chủ yếu dựa vào vốn vay và nguồn tạm ứng từ các dự án.

Chính vì vậy, họ luôn là những con nợ lớn của các ngân hàng... Theo tính toán, hiện tỷ trọng vật liệu xây dựng trong các công trình thường chiếm khoảng 40% đến 50% tổng giá trị công trình.

Trong khi đó, giá thép tăng ít nhất 50% ở năm 2007; đến tháng 8/2008, ở mức gần 20.000đ/kg (tăng gấp 2 lần). Các vật liệu khác cũng đều tăng từ 70% - 100%.

Mặt khác, giá nhân công và xăng dầu tăng đã dẫn đến mức lương và chi phí máy thi công cũng tăng.

Trước tình trạng giá cả biến động chóng mặt, doanh nghiệp không dám vay vốn ngân hàng vì lãi suất tăng đột biến từ 9,8%/năm lên 21%/năm. Đương đầu với nợ đọng tích lũy từ nhiều năm trước, thua lỗ, cộng với khoản nợ tiền mua vật tư, nhiên liệu triển khai thi công và tiền lương phải trả cho công nhân hàng tháng, nhiều nhà thầu đã mất cân đối về tài chính.

Họ đang lúng túng trong việc đề xuất điều chỉnh hợp đồng do trượt giá. Hải Phòng có hàng chục dự án trọng điểm vấp phải khó khăn như trên, dẫn tới nguy cơ kéo chậm tiến độ.

Theo tính toán của các nhà chuyên môn, cầu Khuể phải sử dụng tới 5.000 tấn thép, 9.000 tấn xi măng, 9.000m3 cát và 15.000m3 đá. Tại thời điểm đấu thầu (9/2007), giá thép là 9.000đ/kg, nhưng từ đầu năm 2008 đến nay giá đã tăng lên 20.000đ/kg.

Chưa tính xi măng tăng 1,5 lần, cát đá tăng 2,7 lần, riêng thép đã đội kinh phí trội lên 50.000.000.000đ. Đây là yếu tố cơ bản khiến các nhà thầu hết sức lo lắng, thi công cầm chừng.

Cơ chế chính sách còn bất cập

Theo thống kê chưa đầy đủ, từ 9/2006 đến cuối 10/2007, đã có thêm ít nhất 26 văn bản qui phạm pháp luật cấp Nghị định và Thông tư liên quan nội dung quản lý đầu tư xây dựng cơ bản được ban hành. Thế nhưng, suốt 3 năm, (từ 11/2003 - 9/2006), chỉ có 2 nghị định và 10 thông tư.

Trước "cơn lũ" văn bản đó với những thay đổi về trình tự thủ tục chuẩn bị và thực hiện dự án đầu tư, cũng như hình thức tổ chức quản lý, chuyển đổi mô hình quản lý xây dựng, buộc các chủ đầu tư, cơ quan quản lý dự án phải mất một thời gian tiến hành tổ chức lại bộ máy, phân công lại nhiệm vụ.

Điều khó khăn hơn, như Chính phủ đã đánh giá là "Qui định pháp luật về đầu tư xây dựng chưa thông thoáng, còn chồng chéo, chưa phù hợp với thực tiễn". Chính vì vậy quá trình thực hiện trong đầu tư xây dựng gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới tiến độ.

Mặc dù vừa qua đã có một số văn bản hướng dẫn nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành xây dựng, nhưng chưa đủ và việc triển khai chưa kịp thời.

Một vài kiến nghị


Trong công tác bồi thường GPMB, nếu cán bộ cấp cơ sở nêu cao tinh thần trách nhiệm, chính quyền địa phương có sự kiểm tra, quản lý chặt chẽ cùng với sự đồng bộ tích cực của các ngành chức năng, sẽ giúp cho nhà thầu và cơ quan chủ quản đảm bảo được tiến độ thi công, bớt được nhiều rủi ro của "cơn lốc" trượt giá.

Ngày 22/7, Bộ Xây dựng đã có Quyết định số 926/QĐ-BXD về việc thành lập Tổ thường trực theo dõi, kiểm tra, đề xuất giải pháp xử lý những vướng mắc do biến động giá nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu xây dựng.

Tiếp đó, là Văn bản số1511/BXD-KTXD ngày 1/8/2008 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thêm một số nội dung của Thông tư 9/2008/TT-BXD về điều chỉnh giá.

Ngày 8/8/2008, Bộ Xây dựng lại có Quyết định số 977/QĐ-BXD về việc thành lập Đoàn công tác liên bộ để kiểm tra tình hình giải ngân các dự án xây dựng công trình giao thông, phát hiện khó khăn vướng mắc, tổng hợp đề xuất báo cáo Chính phủ. Đó là những quyết định bám sát tình hình, đồng thời là giải pháp tích cực.

Tuy nhiên, cần có sự quan tâm của các chủ đầu tư và các ngành chức năng trong việc trong việc kịp thời hỗ trợ vốn và triển khai kịp thời chính sách bù giá, sẽ tháo gỡ được khó khăn trong việc đảm bảo tiến độ các công trình xây dựng, mà Hải Phòng là một trong những trọng điểm.

Theo Công An Nhân Dân