Lẽ ra trong năm 2008 TP.HCM đã đưa vào hoạt động hai tuyến metro Tham Lương - chợ Bến Thành và chợ Bến Thành - bến xe miền Tây. Thế nhưng kế hoạch trên bị đổ vỡ.
"Xây dựng hệ thống xe điện ngầm là giải pháp cần thiết để giải quyết cơ bản vấn đề giao thông công cộng..." - năm 2001 Thủ tướng đã chỉ đạo TP.HCM như vậy. Hai năm sau đó, chủ tịch UBND TP ký kết bản ghi nhớ thỏa thuận với chủ tịch Tập đoàn Siemens AG (Đức) về nghiên cứu khả thi xây dựng hai tuyến metro ưu tiên tại TP.HCM. Đến đầu tháng 11-2003, Công ty tư vấn TEWET-Berlin (Đức) và Trung tâm Nghiên cứu phát triển giao thông vận tải phía Nam - Bộ Giao thông - vận tải đã hoàn tất nghiên cứu khả thi.
Theo UBND TP, việc đầu tư hai tuyến metro trên sẽ góp phần quan trọng việc đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân TP. Ban đầu mỗi chuyến chuyên chở được 73,7 triệu lượt người/năm, sau đó tăng dần lên đến 203,6 triệu lượt người/năm và còn có thể cao hơn khi có cơ chế phù hợp để khuyến khích, thu hút người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Dự án đem lại hiệu quả thiết thực, giảm bớt chi phí đi lại hằng ngày của người dân so với sử dụng phương tiện cá nhân như xe máy, ôtô con...
Bàn tới, bàn lui
Sau đó khi báo cáo cấp thẩm quyền, lãnh đạo UBND TP khẳng định hai dự án metro trên sẽ được khởi công trong năm 2004 và hoàn thành trong năm 2008. Tuy nhiên, vào những năm đầu của thế kỷ mới, dù TP đang có những bước phát triển kinh tế - xã hội đáng khích lệ, nhưng hệ thống giao thông vận tải công cộng chưa phát triển. Tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm và tai nạn giao thông còn nhiều, gây trở ngại việc đi lại hằng ngày của người dân... phần nào đã cản trở các cơ hội thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài, hạn chế tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của TP.
Để đẩy nhanh dự án metro, trong năm 2003-2004 các cơ quan TP tổ chức nhiều cuộc hội thảo với nhiều nhà khoa học phản biện cho hai dự án metro trên. Đến tháng 7-2004, UBND TP có tờ trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng hai tuyến metro ưu tiên của TP có tổng mức đầu tư 795 triệu USD (vào thời điểm đó tương đương hơn 12.000 tỉ đồng). Thế nhưng, trong văn bản trả lời UBND TP, cấp thẩm quyền yêu cầu tính toán lại tổng mức đầu tư "trên cơ sở chuẩn xác các giải pháp kỹ thuật, phương án nguồn vốn và cơ chế tài chính", và "nếu tổng mức đầu tư vượt quá 10.000 tỉ đồng cần trình Quốc hội xem xét".
Tuy nhiên, trong những kỳ họp Quốc hội sau đó, việc đầu tư xây dựng tuyến metro đã không có trong chương trình nghị sự!?
Ai đầu tư?
Mãi đến tháng 3-2008, hiệp định vay vốn Đức cho dự án metro mới được các cơ quan thẩm quyền ký kết. Mới đây, trong văn bản gửi Bộ Kế hoạch - đầu tư, UBND TP.HCM cho biết phía Đức cung cấp 85 triệu euro không hoàn lại, Ngân hàng Tái thiết Đức-KFW cung cấp 150 triệu euro (lãi suất euribor + 0,453% với thời hạn 15 năm và năm năm ân hạn) và tổ hợp các ngân hàng Áo, EIB, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) góp phần còn lại trong tổng số 1,25 tỉ UDS (lãi suất 5%/năm). Tính trung bình lãi suất nhà tài trợ cho vay là 3,35%/năm, thời hạn trả nợ trong 25 năm, bao gồm 10 năm ân hạn.
Theo UBND TP, điều kiện tài chính trên không kinh tế vì thời hạn vay vốn quá ngắn, lãi suất cao. Trong khi đó, phần vốn vay ưu đãi chỉ đủ cho 30% dự án. Điều kiện ưu đãi cả gói kém so với điều kiện ưu đãi đặc biệt dành cho đối tác kinh tế (STEP) của Nhật Bản bao gồm lãi suất 0,75%, thời hạn 40 năm, trong đó có 10 năm ân hạn. Với cân nhắc này, UBND TP đã kiến nghị Thủ tướng cho phép sử dụng vốn vay ODA Nhật cho hai tuyến metro nêu trên.
Thống nhất với UBND TPHCM, trong văn bản ngày 8-6-2008 Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Võ Hồng Phúc kiến nghị cấp thẩm quyền cho phép TP sử dụng nguồn vốn ODA Nhật cho đầu tư xây dựng hai tuyến đường sắt đô thị TP. Đồng thời TP cũng đề xuất phía Đức sử dụng tài trợ đầu tư tuyến số 6 có quy mô nhỏ hơn (dài khoảng 6km, tổng vốn khoảng 550 triệu USD). Trường hợp phía Đức, các ngân hàng châu Âu quan tâm đến các tuyến khác (mỗi tuyến khoảng 1 tỉ USD) thì TP yêu cầu thu xếp đủ vốn với điều kiện tài chính ưu đãi như lãi suất dưới 1%, thời hạn 40 năm.
Thế nhưng, nguồn tin mới đây cho biết cấp thẩm quyền đã yêu cầu UBND TP.HCM thực hiện nghiêm túc hợp tác với Đức xây dựng tuyến tàu điện ngầm Tham Lương - Bến Thành trong dự án đường sắt đô thị TP.HCM. Có thể nói việc đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đô thị ở TP không dễ vì vốn đầu tư lớn. Thế nhưng, một chuyên gia cho rằng nếu ngay từ đầu TP đưa ra điều kiện về tỉ lệ góp vốn đầu tư, lãi suất vay... thì dự án không bị vướng nhiều năm.
Theo Địa Ốc TTO
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: