Top

Nghịch lý chuyện kiềm chế giá thép

Cập nhật 31/07/2008 09:00

Cơn “sốt cục bộ” xi măng xảy ra cách nay 2 tháng chưa kịp nguôi ngoai, những ngày qua, người dân TPHCM lại xây xẩm vì giá thép xây dựng liên tục nhảy múa, thiết lập mức giá kỷ lục, vượt trên 22 triệu đồng/tấn.

Để hãm giá thép “trượt không phanh”, các nhà chức trách đã “lục lọi” tất cả biện pháp hành chính để khống chế nhưng xem ra bất lực, trong khi đó các nhà sản xuất kinh doanh thép than phiền đang trong tình trạng… thoi thóp.

Hiện tại, nếu đem giá thép xuất xưởng của nhà máy so với cùng thời điểm năm 2006, mức tăng đã gấp 3 lần, năm 2007 là 1,5 lần. Chỉ tính riêng trong tháng 7-2008, các doanh nghiệp sản xuất thép khu vực phía Nam thông báo tăng giá ít nhất 3 đợt với mức tăng bình quân trên dưới 2 triệu đồng/tấn, tùy thương hiệu.

Không chỉ giá tăng, một số thương hiệu như Thép Miền Nam, Pomina, Vina Kyoei… luôn trong tình trạng bán hàng kiểu phân theo “hạn ngạch” cho khách hàng.

Tuy nhiên, có một nghịch lý là mới cách nay hơn 1 tháng, hầu hết đơn vị thép đồng loạt giảm giá bán, số khác tái xuất hàng trăm ngàn tấn phôi thép sang Thái Lan, Malaysia và Philippines vì… ế!

Trước diễn biến “bất thường” của thị trường thép, các bộ ngành đã tăng cường một số biện pháp như tăng thuế suất thuế xuất khẩu phôi thép từ 2% lên 10% (áp dụng cho các tờ khai hải quan hàng hóa xuất khẩu từ ngày 28-6); tạm thời áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu tự động đối với mặt hàng sắt, thép thực hiện thông qua hình thức xác nhận vào đơn đăng ký xuất khẩu sắt, thép của thương nhân… Song, gần như các giải pháp này chẳng hề “ép phê”, do đó trong tháng 6, doanh nghiệp tiếp tục xuất khẩu thêm khoảng 100.000 tấn phôi thép.

Theo một lãnh đạo doanh nghiệp sản xuất thép khu vực TPHCM, ngành thép thường xuyên cần một lượng vốn rất lớn cho việc duy trì sản xuất. Do vậy, khi các doanh nghiệp gặp khó khăn do các ngân hàng siết chặt hạn mức cho vay thì việc xuất khẩu ngược vốn dĩ chỉ để cân đối khó khăn về tài chính chứ hoàn toàn không phải vấn đề lợi nhuận.

Theo ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép (VSA), sở dĩ có hiện tượng xuất khẩu ngược phôi như thời gian qua là do Chính phủ không kịp thời cho tăng giá thép trong nước. Suy cho cùng, doanh nghiệp nhập khẩu thép phải xuất ngược, sau đó thép trong nước thiếu, giá bị đẩy lên chót vót khiến người tiêu dùng bị thiệt hại có phần trách nhiệm của bộ máy điều hành.

Cách đây không lâu, trong cuộc họp giữa các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu thép với Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng về việc hàng hóa tồn đọng tại cảng, các doanh nghiệp ca thán nguyên nhân là do thiếu vốn, hàng nhập về bán ra thị trường trong nước không đối tác nào có tiền để mua, do đó không thông quan được, buộc phải tái xuất.

Lúc ấy, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Hồng đã kiến nghị với ngành chức năng là nhanh chóng có biệp pháp hỗ trợ, trong đó đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp vốn để “cứu” doanh nghiệp nhằm ngăn chặn việc xuất ngược thép vì sẽ khiến tình hình sản xuất trong nước bị thiếu nguyên liệu trong thời gian tới.

Thế nhưng, đề xuất đó không được thực hiện khiến doanh nghiệp lại phải tự cứu mình bằng cách tiếp tục xuất ngược thép. Mới đây, sau khi thép nhập về ào ạt sau đó “xuất ngoại”, thông tin từ Hiệp hội Thép mới “tiết lộ”, trong thời gian qua, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất thép không dám nhập phôi với giá quá cao mà đang sản xuất cầm chừng bằng lượng phôi dự trữ (rất ít).

Vấn đề sống còn của doanh nghiệp thép và quyền lợi của người tiêu dùng hiện nay phụ thuộc vào sự điều hành kịp thời, “có tầm nhìn” của các bộ-ngành hữu quan.

Theo Sài Gòn Giải Phóng