Diễn biến phức tạp của thị trường thép xây dựng hiện nay khiến các doanh nghiệp ngành thép ngại công bố lợi nhuận. Nhưng cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp thép vẫn nằm trong “tầm ngắm” của nhà đầu tư.
Sản xuất phôi trong nước đang lợi thế
Theo ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, giá thành phôi sản xuất trong nước hiện thấp hơn nhập khẩu tới cả trăm USD một tấn. Rõ ràng, các doanh nghiệp sản xuất phôi trong nước sẽ tiếp tục được hưởng lợi do sản xuất phôi trong nước với giá thành thấp nhưng bán theo giá bán phôi đang tăng cao theo mặt bằng giá thế giới.
Nếu như vào cuối tháng 12/2007, giá phôi thép nhập khẩu là 695 USD/tấn thì hiện nay doanh nghiệp phải ký hợp đồng mua phôi giá từ 1.200 - 1.300 USD/tấn. Mặc dù giá tăng cao, nhưng nguồn cung rất khan hiếm.
Trung Quốc - thị trường cung cấp tới 70% phôi nhập khẩu cho các doanh nghiệp sản xuất thép Việt Nam đã tăng thuế xuất khẩu phôi và giảm sản lượng sản xuất phôi thép để giảm ô nhiễm môi trường. Các doanh nghiệp trong nước chỉ còn nhập được từ 30%-40% nhu cầu phôi từ thị trường này, và theo dự báo thì tỷ lệ này sẽ còn tiếp tục giảm nữa.
Gần đây, các doanh nghiệp đã phải quay sang tìm nguồn phôi từ các nước thuộc khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Thái Lan... và các nước khác như Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi, Nga, Ucraina, thậm chí cả Braxin. Nguồn phôi tại Đông Nam Á và Thổ Nhĩ Kỳ không nhiều, còn Nam Phi hay Braxin thì xa, dẫn tới giá tăng do chi phí vận chuyển cao, nhất là trong bối cảnh giá dầu thế giới ngày càng leo thang. Đến nay nguồn nhập chính là thị trường Nga và Ucraina. Giá phôi tại đây cũng cao và phải vận chuyển đường dài nên về đến Việt Nam giá thành cũng rất cao.
Trong khi nguồn phôi nhập khẩu khó khăn thì sản xuất phôi trong nước lại chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Năm 2007, lượng phôi thép trong nước sản xuất chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu. Dự tính năm 2008, phôi sản xuất trong nước cũng chỉ đáp ứng được 50%, cỡ trên 2 triệu tấn, như vậy còn hơn 2 triệu tấn phôi phải nhập khẩu.
Giá đầu ra tăng nhanh, giá đầu vào tăng chậm
Sản xuất phôi thép được các công ty chứng khoán xếp vào nhóm những ngành hàng có tốc độ tăng giá đầu ra cao hơn tốc độ tăng giá đầu vào.
Để ước tính mức độ chênh lệch giữa tăng giá đầu ra và đầu vào của ngành này, thử phân tích tăng trưởng doanh thu và sản lượng của Công ty cổ phần Thép Đình Vũ - công ty hiện có cổ phiếu giao dịch trên thị trường OTC.
Trong 5 tháng đầu năm, Thép Đình Vũ đạt sản lượng sản xuất phôi thép là 69.519 tấn, bằng khoảng một nửa sản lượng của cả năm 2007 là 131.475 tấn. Nhưng doanh thu trong 5 tháng đầu năm đã đạt 1.124 tỷ đồng, bằng doanh thu của cả năm 2007 là 1.245 tỷ đồng (trong đó chỉ có khoảng 50 tỷ đồng là doanh thu từ các nguồn thu ngoài phôi thép). Theo kế hoạch, năm nay Thép Đình Vũ sẽ sản xuất khoảng 165.000 tấn phôi thép.
Như vậy, ước tính sản lượng phôi thép mỗi tháng chỉ tăng khoảng 30% nhưng doanh thu đã tăng trưởng 100%. Giả sử giá các nguyên liệu đầu vào cơ bản của công ty này như thép phế liệu và gang, điện, chi phí vốn đều tăng 50% so với năm ngoái thì vẫn thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng doanh thu. Năm 2007, Thép Đình Vũ đạt lợi nhuận 80 tỷ đồng. Một vài con số trên giúp nhà đầu tư ước tính được tỷ lể tăng trưởng lợi nhuận của Thép Đình Vũ hiện nay khá khả quan.
Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán HPG), vốn điều lệ 1.320 tỷ đồng, đang niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán TPHCM cũng đã công bố một mức lợi nhuận sau thuế là 723 tỷ đồng trong 5 tháng đầu năm. Theo phân tích của Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI), lợi nhuận từ thép xây dựng chiếm khoảng 40% lợi nhuận của HPG. Nhà máy phôi công suất 180.000 tấn/năm của HPG đáp ứng được 60% nhu cầu phôi cho nhà máy cán thép của Tập đoàn.
Nhưng đáng lưu ý là chỉ các doanh nghiệp sản xuất được phôi thép mới có tỷ lệ lãi cao. Còn các doanh nghiệp cán thép phụ thuộc vào phôi nhập khẩu đang gặp nhiều khó khăn do phải nhập khẩu phôi giá cao nhưng không thể tăng giá bán thép trong nước do bị chi phối bởi chủ trương kiềm chế tăng giá hòng chống lạm phát của Chính phủ.
Nhưng sản xuất được phôi vẫn rủi ro
Hiện nay các doanh nghiệp ngành thép gặp khá nhiều rủi ro do không chủ động được nguồn phôi cho sản xuất thép. Trong tương lai gần, ngay cả đối với các doanh nghiệp có nhà máy sản xuất phôi, cũng phải đối mặt với rủi ro lớn nếu chỉ dừng lại sản xuất phôi từ thép phế liệu thu mua trong nước và nhập khẩu. Việc nhập khẩu thép phế liệu hiện đang gặp khó khăn do các tiêu chuẩn về môi trường. Đã có đôi lần, tàu chở thép phế do doanh nghiệp sản xuất phôi trong nước nhập về đã phải tái xuất vì không qua được khâu kiểm duyệt của cơ quan quản lý về môi trường.
Để bớt lệ thuộc vào nguồn thép phế liệu cho sản xuất phôi, Tập đoàn Hòa Phát, Thép Đình Vũ, Thép Vạn Lợi, Công ty cổ phần Hoa Sen và một số doanh nghiệp ngành thép khác (chưa niêm yết) đã triển khai các dự án luyện gang - thép, để đồng bộ từ khâu khai thác quặng, luyện gang, sản xuất phôi, cán thép. Cả Hòa Phát và Thép Đình Vũ đều có các dự án khai thác quặng sắt trong nước và tại Lào để chủ động nguyên liệu đầu vào cho sản xuất phôi. So với năm 2007, giá quặng sắt hiện tại đã tăng vài chục phần trăm. Tuy nhiên, đầu tư dự án loại này lại đòi hỏi vốn lớn và quản lý sản xuất tốt.
Trên sàn giao dịch cổ phiếu chưa niêm yết (sanotc.com.vn), rất nhiều cổ phiếu của doanh nghiệp thép được rao bán và chào mua như Thép Việt, Thép Biên Hòa, Thép Đình Vũ, Thép Nhà Bè, gang thép Cao Bằng… Nếu doanh nghiệp nào có chiến lược và đủ năng lực đầu tư đồng bộ theo mô hình nói trên thì cổ phiếu của doanh nghiệp đó rất đáng để nhà đầu tư nắm giữ lâu dài.
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: