Ảnh minh họa. (Nugồn: Internet). |
Sau một thời gian dài kìm hãm, tín dụng bất động sản bắt đầu được cởi trói với việc các ngân hàng dần mở hầu bao rót vốn cho lĩnh vực này.
Thông tin Ngân hàng Nhà nước cho phép loại trừ 50% đối tượng thuộc lĩnh vực bất động sản được loại ra khỏi danh mục "không khuyến khích" đã nhen hy vọng giới đầu tư kinh doanh bất động sản.
Nhà băng "mở van"
Ngay sau khi có tín hiệu từ Ngân hàng Trung ương, các ngân hàng thương mại cũng ồ ạt tung ra các gói lãi suất ưu đãi dành cho tiêu dùng.
Từ ngày 16/4, HDBank triển khai chương trình “Ưu đãi lãi suất cho vay” đối với các khách hàng cá nhân có nhu cầu vay vốn để sản xuất kinh doanh hoặc tiêu dùng cá nhân. Mức giảm lãi suất lên đến 2%/năm so với lãi suất cho vay thông thường.
Theo đó, khách hàng có nhu cầu vay vốn để bổ sung vốn lưu động, kinh doanh trung dài hạn, sản xuất kinh doanh trả góp, mua nhà ở, xây sửa nhà, mua xe ô tô hoặc vay tiêu dùng có tài sản bảo đảm… sẽ được HDBank cung cấp nguồn vốn với lãi suất ưu đãi nhất. Thời hạn vay tối đa lên đến 60 tháng, với số tiền vay tối đa là 5 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hữu Đặng – Tổng Giám đốc HDBank cho biết: “HDBank triển khai chương trình nhằm mang lại cho khách hàng cá nhân điều kiện tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi, giúp khách hàng phát triển công việc kinh doanh và nâng cao đời sống theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.”
Lãnh đạo một số ngân hàng thương mại cũng cho rằng, trong thời gian vừa qua, tín dụng bị siết chặt nên có nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản không tiếp cận được vốn dẫn đến các dự án bị đình trệ, kéo theo một loạt các lĩnh vực khác như xi măng, sắt thép cũng bị tồn đọng, không tiêu thụ được.
Chính vì vậy, BIDV cũng đã quyết định giảm lãi suất cho vay đối với lĩnh vực bất động sản chỉ xuống chỉ còn bằng cho vay thông thường, tức là khoảng 16%.
Theo ông Phạm Quang Tùng – Phó Tổng giám đốc BIDV, hỗ trợ lĩnh vực kinh doanh bất động sản lúc này là hợp lý vì vốn của doanh nghiệp bất động sản chủ yếu là vốn đi vay từ ngân hàng, dòng vốn này bị "tắc" đã khiến đa số các doanh nghiệp ở lĩnh vực này rơi vào cảnh "chết dần chết mòn". Thậm chí, có nhiều doanh nghiệp đã phải chấp nhận chuyển nhượng dự án với giá rẻ cho đối tác có tiềm lực tài chính để duy trì kinh doanh chờ thời cơ.
"Dư nợ cho vay không khuyến khích trong toàn hệ thống ngân hàng khoảng trên 11%, còn tỷ lệ này ở BIDV là 8% và trong đó cho vay bất động sản là 5,6% - đây là mức thấp hơn so với các ngân hàng khác. Vì thế, thời gian tới, BIDV cũng sẽ tăng tỷ trọng vốn vay và cơ chế lãi suất cho vay bất động sản cũng sẽ ngang bằng với cho vay thông thường" – ông Tùng nói.
Đây cũng được xem là mức lãi suất cạnh tranh dành cho khách hàng cá nhân có nhu cầu nhà ở hiện nay.
Là một trong những ngân hàng luôn đi đầu trong việc ưu đãi lãi suất cho doanh nghiệp, ACB cũng đã thực hiện giảm lãi suất cho vay trung bình đến 2%/năm so với lãi suất đang áp dụng từ đầu năm 2012 và dành hạn mức tín dụng lên đến 7.000 tỷ đồng để phục vụ nhu cầu vốn của khách hàng cá nhân và hộ gia đình.
Ngoài ra, ACB còn có nhiều chương trình hỗ trợ khách hàng vay vốn, như “Tích lũy từ lương, dựng xây tổ ấm” dành riêng cho khách hàng cá nhân, hộ gia đình vay mua, xây dựng, sửa chữa nhà với mức giảm lãi suất vay đến 1%/năm.
Thị trường đang chờ thời cơ
Theo ông Tùng, chủ trương của BIDV là hỗ trợ cho các khách hàng của mình trong lĩnh vực bất động sản để chung tay giải quyết những khó khăn.
Đối với các doanh nghiệp bất động sản đang "gặp cạn", BIDV sẽ cơ cấu lại các kỳ hạn trả nợ, thời gian trả nợ cho phù hợp với dòng tiền của doanh nghiệp. Mặt khác, với những dự án đang làm dở dang, có tính khoản đầu ra tốt, có tiềm năng phát triển BIDV sẽ vẫn tiếp tục hỗ trợ vốn để cho dự án hoàn thành có thể đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ tạo ra dòng tiền.
Cũng theo ông Tùng, bất động sản là kết quả của một chuỗi các lĩnh vực sản xuất khác nhau như ngành thép, xi măng cũng đang rất khó khăn và chiếm lượng nhân công khá lớn. Thực chất hỗ trợ lĩnh vực bất động sản chính là hỗ trợ nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau.
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng thì thời điểm này đầu tư vào bất động sản là kênh tốt.
Hiện tại, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã rất đuối vốn, thậm chí là cạn vốn, họ phải bán tháo nhiều dự án với mức giảm từ 30 – 40% tùy theo phân khúc, thời điểm và dự án. So với mức giá cách đây 2 năm, thì quả là nhiều người nằm mơ cũng không có.
Một lãnh đạo của Tập đoàn Đất Xanh cho rằng, việc dỡ bỏ cho vay đối với bất động sản ra khỏi đối tượng không khuyến khích là một tín hiệu tốt từ chính sách. Điều này sẽ giúp cho công ty có khả năng vay được vốn một cách dễ dàng để hoàn thiện các dự án đang thi công dở dang.
Tuy nhiên, vị giám đốc này vẫn băn khoăn về độ trễ của chính sách và ông hy vọng chính sách này sẽ "không quá trễ" để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn.
Theo một số ngân hàng, hiện ở Hà Nội có nhiều dự án chung cư xây dựng dở dang và phải dừng thi công vì thiếu vốn. Chủ đầu tư của những dự án này đang lên kế hoạch tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng để triển khai tiếp, cán bộ ngân hàng cũng đang thẩm định dự án để có quyết định cho vay hay không. Còn với khách hàng cá nhân, cũng có người đến tìm hiểu về lãi suất và cách thế chấp nhưng chưa nhiều.
Anh Trần Văn Quynh, nhân viên môi giới của Sàn giao dịch bất động sản Bưu Điện cho biết, thời gian vừa qua, doanh nghiệp đã quá điêu đứng, vì vậy họ cũng sẽ thận trọng hơn trong các quyết định đầu tư của mình. Ngay cả nhiều dự án đã sắp hoàn thành, chủ đầu tư cũng không dám vay vốn làm tiếp, mà chờ các động thái mới từ thị trường.
Một số chuyên gia cho rằng, các chính sách bao giờ cũng có độ trễ nhất định, có giao dịch trở lại hay không thì cũng phải một thời gian nữa mới biết chính xác được.
Thế nhưng, cũng có ý kiến cho rằng giới kinh doanh địa ốc một số khu vực đã bắt đầu nhanh nhạy đón lõng bằng cách "nhích giá", đặc biệt là khu vực bất động sản phía Đông Hà Nội.
Hiện giá đất tại khu vực Gia Lâm và Long Biên gần đây đã tăng khá mạnh, từ 5 – 10 triệu đồng/m2 tùy theo vị trí, diện tích của từng lô. Giá đất tại khu thị trấn Trâu Quỳ dao động từ 20 – 27 triệu đồng/m2, tăng 3 – 5 triệu đồng/m2 so với cùng kỳ năm ngoái.
Bà Nguyễn Thị Mai ở khu K10 - Bồ Đề - Long Biên vừa bán 70m2 đất trị giá 6 tỷ đồng với 2 mặt tiền trong ngõ ôtô vào được tận cửa. Bà Mai cho biết, thời điểm sốt giá đã có người trả bà 110 triệu đồng/m2 nhưng bà không bán. Tuy nhiên, cách đây nửa tháng nhiều người chỉ trả có 80 triệu và giờ đã bán được 85 triệu đồng/m2...
Nhu cầu về nhà ở còn rất lớn và mặt bằng giá nhà đất hiện cho là đã đến mức hợp lý để người dân có thể tiếp cận. Do đó, việc mở van tín dụng bất động sản sẽ giúp giải phóng hàng tồn kho, tạo ra chu chuyển vốn cho nền kinh tế.
DiaOcOnline.vn - Theo TTXVN/Vietnam+
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: