Starbucks hiện là công ty cà phê lớn nhất thế giới với giá trị trên thị trường chứng khoán là 51,6 tỷ USD, bỏ xa đối thủ của nó là Costa Coffee.
Theo thống kê gần nhất thì Starbucks có 151.000 nhân viên chính thức làm việc tại 20.519 cửa hàng ở 65 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong số đó có hơn 13.000 cửa hàng ở Mỹ, hơn 1.900 cửa hàng ở Trung Quốc và khoảng 900 cửa hàng ở Nhật Bản. Thực tế, có một số tính toán chỉ ra rằng, trung bình một ngày Starbucks mở hai cửa hàng mới.
Tuy nhiên có những sự thật về hãng cà phê khổng lồ này mà ngay cả các nhân viên và những khách hàng trung thành không hề biết. Hãy cùng khám phá 10 thông tin thú vị về Starbucks để có thêm những câu chuyện mới mẻ chia sẻ với bạn bè khi thưởng thức tách cà phê này.
1. Starbucks ủng hộ việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính
Vào đầu năm 2012, Starbucks là một trong những công ty nổi tiếng tại Washington ủng hộ việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính.
Starbucks là công ty đi đầu ở Washington ủng hộ cho hôn nhân đồng tính. Ảnh: Colombian.
|
Cụ thể hơn, ông lớn cà phê đã tuyên bố: "Starbucks tự hào là một những công ty dẫn đầu ở vùng Tây Bắc Washington ủng hộ luật bình đẳng hôn nhân cho các cặp vợ chồng đồng tính. Starbucks sẽ cố gắng xây dựng văn hóa công ty đặt các đối tác lên hàng đầu và chúng tôi luôn ủng hộ những chính sách khuyến khích sự bình đẳng và hòa nhập".
Đáp trả sự ủng hộ của Starbucks với hôn nhân đồng tính, hơn 22.000 chữ ký tẩy chay công ty này đã được gửi đến tổ chức Hôn nhân Quốc gia của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, cộng đồng người đồng tính lại rất ủng hộ cho Starbucks với 640.000 chữ ký, giúp củng cố vị trí của công ty này.
2. Starbucks được sáng lập bởi hai giáo viên và một nhà văn
Vào năm 1971, ba sinh viên Jerry Baldwin, Zev Siegl và Gordon Bowker quen nhau ở đại học San Francisco. Baldwin và Siegl sau đó trở thành giáo viên còn Bowker là một nhà văn.
Hai giáo viên và một nhà văn đã sáng lập ra Starbucks. Ảnh: Seattlepi.
|
Mọi việc thay đổi khi Alfred Peet, chủ sở hữu của Peet's Coffee and Tea đã dạy cả ba về cách rang hạt cà phê. Điều này đã khuyến khích Baldwin, Siegl và Bowker kinh doanh cà phê. Thời gian đầu họ mua hạt cà phê từ cửa hàng của Peet, nhưng đến năm 1984, họ đã mua lại cả Peet's Coffee and Tea.
Tuy nhiên, hiện nay cả ba không còn làm việc ở Starbucks, họ đã bán cổ phần của mình ở nhiều thời điểm khác nhau.
3. Starbucks từng suýt được đặt tên là "Cargo House" hoặc "Pequod"
Theo như người đồng sáng lập Starbucks - Gordon Bowker, thì lúc đầu ông và bạn bè gần như tuyệt vọng khi định đặt tên cho thương hiệu của mình là "Cargo House". Cho đến khi một trong những đối tác của Bowker - Terry Heckler làm việc ở công ty quảng cáo gợi ý cho họ, rằng những từ bắt đầu bằng "St" sẽ có ấn tượng mạnh hơn.
Bowker đã đưa ra một danh sách các từ bắt đầu bằng "St" và đã phát hiện ra một thị trấn mỏ cũ có tên Starbo trên bản đồ. Nó làm ông nhớ tới Pequod, tên một con tàu xấu số trong tiểu thuyết Moby-Dick của Herman Melville. Nhưng Hecker đã phản đối, ông nói: "Chẳng ai muốn uống một cốc cà phê có cái tên của một con tàu xấu số".
Sau đó những người sáng lập đã họp bàn lại với nhau và quyết định lấy tên thương hiệu là Starbucks - tên một nhân vật trong tiểu thuyết.
4. Logo ban đầu của Starbucks là hình mỹ nhân ngư với bộ ngực trần và có hai đuôi
Logo của Starbucks có lẽ là một trong những logo dễ nhận ra nhất trên thế giới, nhưng người phụ nữ trong logo là ai? Mặc dù logo hiện tại của Starbucks đã tiết giảm đi nhiều so với bản gốc nhưng sự thật người phụ nữ trong logo là một biểu tượng mỹ nhân ngư khắc gỗ thời trung cổ với hai đuôi.
Logo ban đầu của Starbucks có màu nâu với hình ảnh mỹ nhân ngư để ngực trần có hai đuôi. Ảnh: Fanpop.
|
Và như là cách để kết nối cà phê với mỹ nhân ngư nên công ty cũng được đặt theo tên một nhân vật trong cuốn tiểu thuyết kể về hành trình săn cá voi (Moby-Dick). Starbucks cũng hy vọng có thể kết hợp sức hút của cà phê và vẻ đẹp quyến rũ của mỹ nhân ngư.
Tuy nhiên, cuối cùng công ty đã quyết định che đi bộ ngực trần và hai chiếc đuôi của biểu tượng mỹ nhân ngư. Hình ảnh đầy đủ của biểu tượng này có thể được tìm thấy trong những phiên bản logo đầu tiên màu nâu của Starbucks.
5. Cửa hàng đầu tiên của Starbucks không bán cà phê pha sẵn
Cửa hàng đầu tiên của Starbucks ở số 2000 Western Avenue, Seattle, Washington được mở cửa vào ngày 30/3/1971. Điều đáng ngạc nhiên là cửa hàng không bán cà phê pha sẵn, theo dự định ban đầu của những người sáng lập, họ chỉ bán hạt cà phê rang và những thiết bị pha chế nó. Trên thực tế, những mẫu cà phê pha sẵn trong cửa hàng chỉ là mẫu miễn phí tặng kèm để khuyến khích khách hàng mua hạt cà phê và các thiết bị pha.
Khi Howard Schultz được thuê làm Giám đốc điều hành thị trường bán lẻ của Starbucks, sau 10 năm làm việc, ông đã kết luận rằng, Starbucks hoàn toàn có thể bán cà phê pha sẵn. Tuy nhiên các chủ sở hữu đồng thời cũng là các nhà sáng lập đã không đồng ý. Vì vậy Schultz đã tự kinh doanh chuỗi cửa hàng cà phê của riêng mình, và đến năm 1986 ông đã mua lại được Starbucks, hợp nhất chuỗi cửa hàng riêng của mình với Starbucks và bắt đầu mở rộng công ty.
6. Số tiền Starbucks dành cho bảo hiểm của nhân viên còn nhiều hơn cho những hạt cà phê của mình
Vào năm 2008, khi Howard Schultz trở lại vị trí giám đốc điều hành, sau khi nghiên cứu kĩ các chi phí của công ty, Starbucks đã quyết định cắt giảm 600 triệu USD. Thay vào đó chi phí dành cho bảo hiểm y tế của nhân viên được tăng thêm với con số vô cùng kinh ngạc 300 triệu USD, hơn cả những chi phí mà Starbucks dành cho những hạt cà phê của mình.
Mặc những ý kiến phản đối, Howard Schultz quyết không làm giảm lợi ích của người lao động. Đổi lại, ông chọn việc đóng cửa hơn 600 cửa hàng, 80% trong số đó được mở trong chưa đầy 2 năm.
7. Một cốc Starbucks Trenta chứa lượng chất lỏng nhiều hơn lượng trung bình mà dạ dày con người có thể chứa
Trước đây, Starbucks bán các loại đồ uống theo các kích cỡ sau: Short (8 ounces), Tall (12 ounces), Grande (16 ounces) và Venti (20 ounces) ( 1 ounce ~ 30ml). Hiện tại, nhiều khách hàng đã cảm thấy một cốc Venti là quá nhiều và khó có thể uống hết, thì năm 2011 Starbucks lại cho ra loại kích cỡ còn lớn hơn Venti là Trenta (Trenta theo tiếng Ý có nghĩa là 30), đây là một phiên bản khổng lồ cho kích cỡ các loại đồ uống. Một cốc Trenta tương ứng với 30,9 ounces.
Kích cỡ từ nhỏ đến lớn của những cốc cà phê Starbucks. Ảnh: Shewastheyoungamerican.
|
Theo khoa học thì chẳng ai có thể uống hết một cốc Trenta vì sức chứa trung bình của dạ dày con người chỉ là 30,4 ounces. Tuy nhiên, nhiều khách hàng của Starbucks thường ngồi nhâm nhi ly cà phê cho đến khi cửa hàng đóng cửa, nên họ hoàn toàn có thể uống hết một ly Starbucks Trenta khổng lồ (tất nhiên là trong khoảng thời gian đó cần đi vệ sinh!).
8. Starbucks đang thử nghiệm cà phê hương bia
Starbucks đã giới thiệu tất cả các loại hương vị để giữ cho thực đơn của mình luôn tươi mới và thú vị. Trong mùa Halloween trước, hãng này đã cho ra mắt cà phê hương bí ngô và khá thành công. Nhưng liệu cà phê hương bia sẽ thế nào?
Starbucks muốn thử nghiệm cà phê hương bia. Ảnh: Thrillist.
|
"Dark Barrel Latte", tên một loại cà phê hương mạch nha đang được Starbucks thử nghiệm ở Ohio và Florida, Mỹ. Mặc dù vậy, những người ưa thích rượu bia đừng vội mừng vì loại đồ uống này chỉ là sự pha trộn giữa cà phê, caramel và nước sốt bia đen có hương vị chocolate cùng sữa tươi hấp. Tuy nhiên, họ cũng có thể mong đợi, vì Starbucks đã thông báo họ sẽ bắt đầu bán rượu bia ở một địa điểm có chuỗi cửa hàng của hãng.
9. Một ly Venti Starbucks chứa lượng caffeine gấp hơn 5 lần so với một lon Red Bull
Theo các nghiên cứu, liều lượng caffeine trung bình cho một người lớn mỗi ngày là 400 mg. Nhưng một ly Venti Starbucks (20 ounces) đã chứa 415 mg caffeine vượt mức cho phép. Nó gấp hơn 5 lần lượng caffeine có trong 1 lon nước tăng lực Red Bull.
Câu hỏi quan trọng hơn là liệu caffeine có tốt cho sức khỏe? Điều này phụ thuộc vào người được hỏi. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, quá nhiều caffeine góp phần gây ra bệnh tim, cao huyết áp và ung thư tuyến tụy, nhưng nhiều nghiên cứu khác cho rằng caffeine thực sự có nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Tuy nhiên, khuyến cáo rằng, dùng 10.000 mg caffeine một lúc sẽ gây chết người. Nó tương đương với lượng caffeine có trong 25 ly Venti Starbucks.
10. Tỷ suất lợi nhuận của Starbucks ở Trung Quốc cao hơn các nước khác
Vâng, đó là sự thật: mỗi cốc Starbucks ở 1.909 chi nhánh ở Trung Quốc kiếm tiền nhiều hơn mỗi cốc so với bất cứ nơi nào trên thế giới.
Cụ thể hơn, một tách cà phê Starbucks ở Luân Đôn có giá 3,81 USD, trong khi ở Bắc Kinh là 4,81 USD, chênh lệch khoảng 26%. Báo cáo tài chính của Starbucks đã xác nhận sự khác biệt này.
Trong quý II/2013, tỷ suất lợi nhuận của hãng ở châu Mỹ là 21,1% và 1,9% ở châu Phi cũng như Trung Đông. Tuy nhiên, ở Trung Quốc và khu vực châu Á-Thái Bình Dương, con số này vào khoảng 32%.
Trong khi Starbucks giải thích sự chênh lệch giá này là do chi phí hoạt động ở Trung Quốc khác với các vùng khác, thì các nhà phân tích lại chỉ ra rằng, chi phí nguyên liệu khác biệt rất ít giữa các vùng.
Hơn nữa, chi phí hoạt động hàng ngày của Starbucks là ở Trung Quốc rõ ràng là thấp hơn so với ở Mỹ. Về điểm này, Wang Zhendong, Giám đốc Hiệp hội Cà phê Thượng Hải nhận xét: "Starbucks có thể được hưởng giá cao ở Trung Quốc, chủ yếu là do niềm tin mù quáng của người tiêu dùng địa phương dành cho Starbucks và các thương hiệu phương Tây khác".
DiaOcOnline.vn - Theo BizLive
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: