Được thành lập bởi một cựu sỹ quan quân đội Trung Quốc với số vốn ban đầu là 21.000 Nhân dân tệ, sau chưa đầy 30 năm, Huawei đã đặt mục tiêu sánh vai với các "đại gia" công nghệ hàng đầu thế giới như Samsung và Apple. Tuy vậy, một trong những thách thức đối với Huawei vẫn là làm thế nào để mở ra cánh cửa của thị trường Mỹ.
Trong khi các hãng công nghệ khác đều đi theo hướng trở thành công ty đại chúng, Huawei chưa hề có ý định sẽ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng.
"Đại bản doanh" của Huawei tại đặc khu kinh tế Thâm Quyến thuộc tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc nằm trên diện tích gần 2 km2, được chia thành nhiều khu nhà chức năng, đồng thời dành một diện tích không nhỏ cho cây xanh và hồ nước.
"Công việc của chúng tôi vốn dĩ đã căng thẳng nên công ty muốn tạo cho nhân viên một không gian làm việc dễ chịu", Liu Chen-Yu, một nhân viên thuộc thế hệ 9x của Huawei nói.
Điều thú vị là, trụ sở của tập đoàn này có những tiện ích dành cho nhân viên rất giống với những tập đoàn công nghệ ở thung lũng Silicon của Mỹ như Google hay Facebook. Ngay trong khu trụ sở có nhiều nhà hàng và căng-tin phục vụ món ăn của nhiều quốc gia, sân tennis, sân bóng rổ, bể bơi và cả khách sạn 3 sao...
Một "ca lạ"
Tuy vậy, trong làng công nghệ, Huawei vẫn được xem là một "ca lạ". Sự khác lạ của Huawei so với các công ty công nghệ lớn khác của thế giới đến từ ba yếu tố chính, trước hết nằm ở nhà sáng lập tập đoàn này.
Hầu hết các công ty công nghệ hàng đầu hiện nay như Google, Facebook, Microsoft, Apple, hay Alibaba đều được thành lập khi người sáng lập ở độ tuổi còn rất trẻ. Mark Zuckerberg thành lập Facebook khi mới gia nhập Đại học Harvard, Apple ra đời khi Steve Jobs mới 22 tuổi, Bill Gates "khai sinh" Microsoft lúc 20 tuổi, Jack Ma thành lập Alibaba năm 34 tuổi...
Đây đều là những độ tuổi nhạy cảm với những cái mới, đặc biệt là công nghệ - một lĩnh vực đòi hỏi sự nhanh nhạy và sáng tạo.
Trong khi đó, Nhiệm Chính Phi thành lập Huawei khi đã bước sang tuổi 44, một lứa tuổi bị xem là đã "già" trong lĩnh vực công nghệ.
Sinh ra trong một gia đình có cha mẹ là giáo viên tại một khu vực xa xôi của tỉnh Quý Châu, Nhiệm Chính Phi từng theo học tại Học viện Xây dựng và Kiến trúc Trùng Khánh trước khi trở thành sỹ quan phục vụ trong quân đội Trung Quốc. Ra khỏi quân đội, với số vốn 21.000 Nhân dân tệ, tương đương khoảng 3.500 USD ở tỷ giá hiện nay, ông mở Huawei tại Thâm Quyến vào năm 1987.
Dù đã trở thành người đứng đầu của một tập đoàn có doanh thu hàng chục tỷ USD mỗi năm, Nhiệm Chính Phi không mấy khi xuất hiện trên báo chí. Sự "ẩn mình" này của ông không giống như các nhà lãnh đạo doanh nghiệp công nghệ lớn khác.
Chẳng hạn, nhà sáng lập Alibaba Jack Ma thường xuyên là nhân vật trong các bài viết đăng tải trên các tờ báo và hãng tin lớn nước ngoài. Gần đây, Nhiệm Chính Phi đã "chịu khó" xuất hiện trước báo giới hơn, nhưng tần suất vẫn còn thưa thớt.
Vẫn nói không với IPO
Một điểm khác biệt của Huawei là, trong khi các hãng công nghệ khác đều đi theo hướng trở thành công ty đại chúng, thì hãng này chưa hề có ý định sẽ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng.
Joe Kelly, một người Ireland giữ chức Phó chủ tịch phụ trách quan hệ với báo giới toàn cầu của Huawei, cho biết: "Huawei không có kế hoạch IPO trong 10 năm tới. Mục đích của IPO là huy động vốn, nhưng Huawei không thiếu vốn để đầu tư bởi chúng tôi có dòng tiền mạnh".
Theo số liệu của Huawei, dòng tiền từ hoạt động (operating cash flow) của tập đoàn này đạt mức 4 tỷ trong năm 2013 và 3,7 tỷ USD trong năm 2014.
Hiện nay, cổ phần của Huawei nằm trong tay chính nhân viên tập đoàn này. Nhà sáng lập Nhiệm Chính Phi chỉ nắm gần 1,4% cổ phần của Huawei, số còn lại nằm trong tay khoảng 84.000 trong tổng số hơn 150.000 nhân viên.
Để tránh không cho cổ phần lọt ra ngoài, Huawei quy định, nhân viên không làm việc cho tập đoàn nữa phải bán lại cổ phần cho công đoàn công ty. Với chính sách này, không ít nhân viên Huawei đã trở thành triệu phú USD khi không còn làm việc cho tập đoàn này nữa, nhưng tuyệt nhiên cổ phần Huawei không bao giờ được bán ra ngoài.
Năm 2013, mức cổ tức mà Huawei chia cho nhân viên có trị giá hơn 1 tỷ USD, nhưng số cổ tức này không được chia dưới dạng tiền mặt mà chi dưới dạng cổ phiếu.
Trả lời về việc liệu chính sách không IPO của Huawei có cản trở việc xây dựng niềm tin và minh bạch hóa, ông Kelly cho biết, dù không phải là công ty đại chúng nhưng Huawei vẫn đang áp dụng chính sách công bố thông tin như một công ty đại chúng. "Hiện nay, chúng tôi công bố báo cáo tài chính mỗi năm hai lần. Các báo cáo này đều được kiểm toán độc lập bởi các công ty kiểm toán như KPMG".
Và điểm khác biệt thứ ba của Huawei so với các công ty lớn khác trên thế giới nói chung và trong lĩnh vực công nghệ nói riêng nằm ở mô hình giám đốc điều hành (CEO) luân phiên, được áp dụng từ năm 2011.
Nếu như hầu hết các công ty khác trên thế giới chỉ có một CEO giữ vai trò trong một nhiệm kỳ nhất định trước khi chuyển lại vị trí cho người khác thì Huawei có tới 3 người đảm nhận vị trí CEO, mỗi người giữ vai trò này trong 6 tháng rồi sau đó chuyển giao cho người kế tiếp.
Nhiệm Chính Phi đề ra chính sách này với mục tiêu "giữ tất cả những con hổ trong một khu rừng" - không để mất người tài, đồng thời cũng để thế hệ lãnh đạo kế cận có cơ hội thử thách, rèn luyện và có thể sửa sai cho nhau.
"Cơ chế CEO luân phiên là một dạng sáng tạo của Huawei", bà Chen Lifang, Phó chủ tịch cấp cao của Huawei nói với báo giới quốc tế vào năm 2013.
Mục tiêu "trăm tỷ"
Doanh thu của Huawei đạt 39,5 tỷ USD trong năm 2013 và 21,9 tỷ USD trong nửa đầu năm 2014. Tập đoàn này đặt mục tiêu cán mốc doanh thu 100 tỷ USD vào năm 2022.
Mảng thiết bị viễn thông hiện vẫn là mảng đóng góp chính cho doanh thu của Huawei, với tỷ lệ 69%, mảng thiết bị đầu cuối với các sản phẩm điện thoại thông minh (smartphone) đóng góp 25%, và mảng giải pháp cho khách hàng doanh nghiệp đóng góp 6%.
Thị trường smartphone toàn cầu đang phát triển bùng nổ được Huawei coi là mảnh đất màu mỡ để tăng trưởng trong bối cảnh thị trường thiết bị viễn thông đã dần bão hòa.
Năm 2013, Huawei xếp thứ ba thế giới về doanh số smartphone, sau Samsung và Apple. Theo số liệu của hãng nghiên cứu IDC, Huawei tiêu thụ được 52 triệu smartphone trong năm 2013, tăng trưởng 62%/năm, chiếm thị phần 4,9% trên toàn cầu, so với thị phần 31,3% của Samsung và 15,3% của Apple. Huawei dự báo, năm 2014, tập đoàn này sẽ đạt doanh số smartphone 80 triệu chiếc.
Ông Jerry Huang, Giám đốc marketing Nhóm sản phẩm tiêu dùng của Huawei cho biết, mục tiêu trong tương lai của Huawei là tiếp tục giữ vững vị trí số 3 như hiện nay, nhưng sẽ rút ngắn khoảng cách thị phần với Samsung và Apple, song song với bứt phá hẳn khỏi nhóm có cùng ngưỡng thị phần hiện nay như HTC, Nokia, LG, Lenovo, BlackBerry...
Chưa đặt mục tiêu vượt Samsung và Apple, Huawei xem đây là hai đối thủ chính của mình, thay vì những đối thủ đồng hương như Xiaomi hay Oppo. Để đạt mục tiêu đề ra, Huawei hiện nay chi hơn 10% doanh thu hàng năm cho nghiên cứu và phát triển (R&D), một tỷ lệ ngang tầm với các "đại gia" công nghệ Mỹ.
Đi theo mô hình kiểu Apple, Huawei không trực tiếp sản xuất smartphone mà thực hiện thuê ngoài và sử dụng linh kiện của các nhà cung cấp. Các sản phẩm smartphone của Huawei sử dụng con chip của Huawei (và một số nhà cung cấp chipset khác như Qualcomm, MediaTek), nhưng dùng màn hình của Samsung, cảm biến (sensor) máy ảnh của Sony... và được Foxconn lắp ráp.
Cửa Mỹ chưa mở
Huawei cho biết, tập đoàn này hiện là nhà cung cấp thiết bị cho 45 trong số 50 nhà mạng viễn thông lớn nhất thế giới. Tuy vậy, đối với thị trường Mỹ, dường như Huawei vẫn chưa có được "câu thần chú" để mở ra cánh cửa. Do những cáo buộc của Chính phủ Mỹ đối với Huawei trong vấn đề an ninh mạng, sự hiện diện của Huawei trên thị trường thiết bị viễn thông nước này gần như vẫn là một con số 0.
Theo Phó chủ tịch phụ trách quan hệ báo chí toàn cầu của Huawei, ông Kelly, tập đoàn này đạt doanh thu 1 tỷ USD tại Mỹ trong năm 2013, chủ yếu ở mảng thiết bị đầu cuối. Đến nay, Huawei đã chi 87 tỷ USD để mua các trang thiết bị từ Mỹ và có một trung tâm R&D được đầu tư 380 triệu USD ở thung lũng Silicon.
Chưa qua được những rào cản ở Washington, Huawei tuyên bố "không quá chú trọng vào thị trường Mỹ". "Trước mắt, chúng tôi muốn duy trì kết quả đã đạt được ở Mỹ một cách tốt nhất có thể. Chúng tôi muốn tập trung đạt tăng trưởng ở các thị trường khác. Nếu Chính phủ Mỹ thay đổi lập trường, chúng tôi sẽ chú trọng thị trường Mỹ hơn", ông Kelly nói.
Cuối năm 2013, nhiều tờ báo lớn đồng loạt đăng tin Huawei đã quyết định từ bỏ thị trường Mỹ. Tờ Financial Times dẫn lời một Phó chủ tịch cấp cao của Huawei khi đó nói rằng: "Chúng tôi không còn quan tâm đến thị trường Mỹ nữa".
Tuy vậy, với những gì mà Phó chủ tịch phụ trách quan hệ báo chí toàn cầu của Huawei nói, có thể thấy Huawei vẫn "lưu luyến", và không hề muốn bỏ qua thị trường viễn thông hấp dẫn hàng đầu thế giới này.
DiaOcOnline.vn - Theo Vneconomy
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: