Top

Những scandal nổi tiếng nhất của Coca-Cola

Cập nhật 02/10/2014 16:46

Thương hiệu nước ngọt Coca Cola từng vướng phải không ít bê bối trong vấn đề đạo đức kinh doanh, trốn thuế, lạm dụng chiêu trò quảng cáo PR,...bên cạnh các vụ tai tiếng liên quan đến chất lượng nhiều sản phẩm đồ uống của hãng.

Từ lâu, Coca Cola đã được mệnh danh là thương hiệu nước ngọt nổi tiếng nhất, đắt giá nhất và phổ biến nhất hành tinh. Một thống kế trên tờ Business Insider cho thấy 94% dân số thế giới có thể nhận biết được logo đỏ trắng của Coca Cola và thương hiệu này từng được định giá lên tới 74 tỷ USD.

Tuy nhiên, chính Coca Cola cũng là một trong những thương hiệu có nhiều scandal và bị tuyên bố tẩy chay nhất, không chỉ ở Mỹ mà còn ở khắp nơi trên thế giới. Bên cạnh những scandal ầm ĩ liên quan đến chất lượng nước ngọt Coca Cola và nhiều dòng sản phẩm khác của hãng, thương hiệu đồ uống số 1 này còn không ít lần bị lên án vì các vụ bê bối trong vấn đề đạo đức kinh doanh, trốn thuế, lạm dụng chiêu trò quảng cáo PR,...

Nghi án Coca Cola trốn thuế và làn sóng giận dữ của người tiêu dùng Việt

Coca Cola liên tiếp báo lỗ dù nắm giữ thị phần nước uống lớn nhất tại Việt Nam. Ảnh minh họa

Trong gần 20 năm đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, Coca Cola liên tục báo lỗ. Điều này đã giúp Coca Cola tránh được việc đóng thuế cho nhà nước. Chỉ riêng năm 2010, hãng này đã báo cáo lỗ 188 tỷ đồng ở thị trường Việt Nam. Lũy kế, con số thua lỗ mà Coca Cola Việt Nam báo cáo lên tới 180 triệu đô trong thập kỷ vừa qua.

Cho dù liên tục kêu lỗ song, trong kế hoạch 3 năm tiếp theo của công ty này, Coca Cola vẫn dự kiến đầu tư thêm 300 triệu USD để mở rộng kinh doanh tại Việt Nam. Điều này khiến Coca Cola không tránh khỏi nghi án chuyển giá.

Người ta ước tính rằng tổng thuế trốn của Coca Cola trong 10 năm qua có thể đạt hàng nghìn tỷ đồng, bởi vì Coca Cola đang giữ thị phần nước uống lớn nhất tại Việt Nam với khối lượng rất lớn các sản phẩm tiêu thụ mỗi năm. Được biết, hãng nước ngọt Coca Cola từng bị nhiều quốc gia lên án vì hành vi chuyển giá, trốn thuế như Mexico, Tây Ban Nha,...

Những thông tin này ngay lập tức đã tạo nên một làn sóng phẫn nộ với người tiêu dùng Việt. Trên các trang mạng xã hội, có thể dễ dàng bắt gặp hàng loạt ảnh chế về vụ việc này và vô số lời bình luận của người dùng. Tiêu biểu như một bác sĩ từng viết trên Facebook, "Tôi đã quyết định không uống Coca Cola nữa. Tôi cảm thấy tôi cần phải làm như vậy. Chúng ta không nên chấp nhận một nhà đầu tư làm giàu ở Việt Nam, nhưng không trả tiền thuế cho Việt Nam".

Ảnh chế của cư dân mạng về nghi án hãng nước ngọt Coca Cola trốn thuế. Ảnh minh họa

Những chiêu trò quảng cáo ầm ĩ của hãng nước ngọt Coca Cola

Hãng nước ngọt Coca Cola từng bị lên án nhiều lần vì những chiến dịch quảng bá thương hiệu của mình, từ việc phải thu hồi hàng triệu tờ rơi và hàng nghìn áp phích vì có chứa hình ảnh khiêu dâm tại Úc, cách phiên âm tên thương hiệu khiếm nhã khi chuyển sang tiếng Trung Quốc, cho đến cuộc chiến dai dẳng giữa Coca-Cola và Pepsi tại quê nhà, "trò lố" về "công thức tuyệt mật và bảo tàng lưu giữ công thức tuyệt mật" cho đến Chiến dịch "H2NO" bị người Mỹ chỉ trích nặng nề.

Năm 2000, Coca-Cola đã định thực hiện chiến dịch quảng bá mang tên "H2NO", kêu gọi người Mỹ từ bỏ uống nước lọc tại nhà để sử dụng các loại nước đóng chai của Coca-Cola. Chiến dịch sau đó bị giới khoa học và truyền thông phanh phui là phản khoa học, phi môi trường và thiếu đạo đức kinh doanh, phải nhận về những chỉ trích nặng nề từ người dùng.

In tên lên lon Coca Cola là một trong nhiều chiến dịch quảng cáo gây tranh cãi của hãng. Ảnh minh họa

Đến năm 2014, hãng đồ uống này lại gây sốt với người tiêu dùng nhờ chiến dịch in tên lên lon Coca Cola. Theo tờ The Guardian, "Lượng tiêu thụ của tầng lớp thanh niên đã tăng lên đáng kể, cụ thể 7-8%. Chiến dịch cũng thu được tổng cộng 18.300.000 cộng với nhiều ấn phẩm truyền thông, và lượng truy cập trên trang web Coke Facebook tăng 870%, với lượng Like tăng 39%."

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia coi chiến dịch quảng cáo rầm rộ này của Coca Cola là một ví dụ điển hình cho những chiêu trò quảng cáo mới của các công ty trong ngành thực phẩm, đang lợi dụng sự cảm tính của người tiêu dùng để tăng doanh thu nhưng lại gây ra mối nguy hại đến sức khoẻ của thế hệ trẻ.

Coca Cola dính hàng loạt bê bối về vấn đề đạo đức kinh doanh

Về góc độ đạo đức kinh doanh, bên cạnh nghi án trốn thuế, chuyển giá, Coca Cola từng phải đối mặt với nhiều chỉ trích nặng nề ngay tại quê hương của mình (Mỹ) vì bị tố bóc lột sức lao động của công nhân, kỳ thị người Do Thái, từng có hành vi phân biệt chủng tộc như xây nhà máy cho người da đen và da trắng khác nhau...

Martin Luther King, một lãnh đạo Mỹ đã từng lên tiếng kêu gọi tẩy chay Coca Cola. Ảnh minh họa

Scandal phân biệt chủng tộc của Coca Cola lớn đến nỗi, ngày 3/4/1968, ông Martin Luther King, một trong những nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng nhất nước Mỹ, người đã được trao tặng giải thường Noel Hòa Bình, từng viết trong bài phát biểu được gửi đi vào 1 ngày trước khi ông qua đời rằng: "Và như vậy, tôi muốn nói rằng, hãy ra khỏi nhà ngay trong tối nay và nói với hàng xóm của mình đừng bao giờ mua CocaCola nữa".

Năm 2000, CocaCola đã phải bồi thường cho những công nhân bị coi là nạn nhân của hành vi trên với tổng số tiền lên tới 192,5 triệu USD.

Gần đây, thương hiệu nước ngọt Coca Cola còn vướng phải nghi án ăn gian trọng lượng nước giải khát, phân phối nhiều thùng và lốc Coca bị xì hơi, nổ lốp bốp,... dù vẫn còn nguyên hạn sử dụng, chưa hề được mở ra, còn nguyên vẹn căng cứng, chưa có dấu hiệu bị xì hơi.

Coca Cola vẫn giữ vững ngôi vua trên thị trường đồ uống bất chấp lịch sử đầy tai tiếng. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, bất chấp những cáo buộc về chất lượng, đạo đức kinh doanh và bất chấp cả những chiến dịch tẩy chay ở khắp nơi, ngay cả trên đất Mỹ, trung bình mỗi ngày vẫn có 1,7 tỷ sản phẩm của Coca Cola được tiêu thụ trên toàn cầu.

Theo thống kê của Business Insider, người khổng lồ Coca Cola hiện vẫn chiếm 3,1% thị phần đồ uống của cả nhân loại, thu về 8,6 tỷ USD lãi ròng trong năm 2013 và có doanh thu tương đương với nền kinh tế lớn thứ 87 trên thế giới.


DiaOcOnline.vn - Theo Marketing Chiến lược