Top

Dấu hiệu suy tàn của Microsoft

Cập nhật 03/10/2014 16:15

Có rất nhiều bằng chứng cho thấy Microsoft đang nhanh chóng đánh mất sự ăn khớp với thị trường. Sự sụp đổ của một doanh nghiệp thường không diễn ra đột ngột và chóng vánh.

Phần lớn các doanh nghiệp sẽ chấp chới trong vài năm mà chẳng có giá trị gì đối với khách hàng, nhà cung cấp hay nhà đầu tư. Khi đó, các công ty này vẫn tồn tại nhưng lại không còn phù hợp nữa.


Khi một doanh nghiệp đang theo đúng nhịp, người tiêu dùng sẽ mong ngóng sản phẩm mới và hào hứng nói chuyện với những người bán hàng. Giới truyền thông săn đón tin tức về công ty, sản phẩm và các lãnh đạo. Nhà đầu tư thì muốn biết kế hoạch tăng doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp trong tương lai.

Nhưng khi doanh nghiệp không còn phù hợp với thị trường nữa, tất cả sẽ biến mất. Người tiêu dùng chẳng thèm để ý đến sản phẩm mới. Doanh nghiệp tha thiết đề nghị các tạp chí viết bài, nhưng chẳng hãng truyền thông nào quan tâm vì số lượng người đọc sẽ không nhiều. Các nhà đầu tư thì mất hy vọng thu lãi lớn, và bắt đầu tìm cách bán cổ phiếu hoặc nợ trước khi tổn thất nặng.

Nói tóm lại, một công ty sẽ trượt dốc và đi đến thất bại khi không ăn khớp với thị trường. Có thể công ty đó chống chọi được một khoảng thời gian dài, nhưng việc không còn phù hợp khiến họ chẳng có chút hy vọng nào về khả năng tăng doanh thu, lợi nhuận, tạo ra nhiều công việc mới hay trở thành lựa chọn hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Đánh mất sự phù hợp đồng nghĩa với việc công ty đang tiến tới nguy cơ phá sản, tất cả chỉ còn là vấn đề thời gian mà thôi. Hãy xem xét trường hợp của các công ty như Sony, Pierre Cardin, Palm, Howard Johnson's, ToysRUs, Sears, Radio Shack,v.v..., bạn sẽ hiểu.

Thỏa thuận với NFL về việc sử dụng máy tính bảng Surface là dấu hiệu cho thấy Microsoft đang dần trở nên lỗi nhịp.

Theo đó, Microsoft thỏa thuận độc quyền với Liên đoàn Bóng bầu dục quốc gia (NFL) để cung cấp máy tính bảng Surface cho cầu thủ và huấn luyện viên sử dụng trong các trận đấu, thay thế cho ảnh, giấy và bản ghi khi xem lại diễn biến trên sân và cải tiến lối chơi.

Mục tiêu của Microsoft là tạo danh tiếng và nâng cao tính hấp dẫn cho Surface, đồng thời ngầm khuyến khích những chuyên gia phát triển viết các ứng dụng cho sản phẩm này, giúp Surface được nhiều doanh nghiệp mua hơn.

Tuy nhiên, mọi việc lại không diễn ra theo ý muốn. Vì hết lần này tới lần khác, người đưa tin nhầm lẫn máy tính bảng Surface với iPad. Họ nhìn kiểu dáng chiếc máy tính bảng và cho rằng chúng là iPad của Apple. Hay tệ hơn, họ còn chẳng biết đến bất cứ loại máy tính bảng nào khác ngoài iPad.

Khi ngày càng có nhiều người mắc sai lầm ngớ ngẩn này, người ta có thể thấy rõ rằng Apple không chỉ tạo nên thị trường máy tính bảng hiện đại mà thương hiệu của hãng còn hoàn toàn thống trị tâm trí người dùng và những khách hàng tiềm năng. Hầu hết mọi người đều đánh đồng máy tính bảng với iPad.

Đây là minh chứng mạnh mẽ cho việc Microsoft đang không bắt nhịp được với thị trường công nghệ dành cho cá nhân. Con người ngày càng giảm mua máy tính cá nhân và phụ thuộc nhiều hơn vào các thiết bị di động. Từ đó dễ dàng suy ra, không mấy ai còn quan tâm đến phiên bản mới của Windows hay Office nữa.

Thực tế cũng cho thấy, theo Chỉ số hài lòng khách hàng của Mỹ (ACSI), Apple hiện nay được coi là hãng sản xuất máy tính cá nhân tốt nhất (máy tính Macintosh). HP thì nằm gần cuối danh sách. Dell, Acer và Toshiba cũng chẳng khá hơn là bao.

Apple thống trị các trang báo, doanh số tăng, chỗ đứng của hãng được xác lập

Trong lĩnh vực thiết bị di động, rõ ràng Apple là ông hoàng. Ngay tuần đầu tiên hãng này đã bán được 10 triệu chiếc iPhone 6 và 6 Plus, bỏ xa tất cả các phiên bản iPhone ra mắt trước đó, chưa kể đến doanh số tại Trung Quốc và một số thị trường khác.

Chiếc iPhone 4 đã được coi là một thành công vang dội, nhưng số lượng 1,7 triệu chiếc chỉ bằng 17% iPhone 6. Còn iPhone 5, tính cả thị trường Trung Quốc và phiên bản giá rẻ 5C, cũng mới chỉ bán được 9 triệu.

Thực tế số lượng iPhone 6 bán ra còn có thể nhiều hơn nếu Apple không hết hàng và người tiêu dùng buộc phải đợi. Chắc chắn mọi người vẫn tiếp tục trông chờ những thiết bị di động của Apple vì mỗi phiên bản ra sau lại đem về doanh thu và lượng tiêu thụ lớn hơn.

Nhiều người không thể tưởng tượng được một thế giới mà không có Microsoft. Hầu hết sẽ cho rằng dự đoán sự sụp đổ của Microsoft hiện còn quá sớm, vì hãng này vốn là một "gã khổng lồ". Tuy nhiên, danh hiệu "gã khổng lồ" chỉ là thứ Microsoft đã từng làm được, chứ không phải những gì họ có thể làm được trong tương lại.

Blackberry – minh chứng điển hình về tác động của việc không còn phù hợp với thị trường

Sự lỗi nhịp ảnh hướng đến một doanh nghiệp nhanh như thế nào? Chẳng cần lấy đâu xa, hãy nhìn vào Blackberry. Blackberry từng là ông trùm về doanh số bán smartphone. Nhưng quý thứ hai năm ngoái, trong khi Apple bán được tổng cộng 32,5 triệu điện thoại thì Blackberry chỉ bán được 1,5 triệu - vẫn còn nhiều hơn Microsoft.

Blackberry hoàn toàn không còn ăn khớp với thị trường. Điều này được thể hiện rõ nhất vào tuần trước, khi hãng cho ra mắt chiếc điện thoại Passport mới xấp xỉ thời gian với iPhone6. Dễ thấy là các trang báo tràn ngập những tiêu đề về iPhone, nhưng còn Passport thì sao? Bạn có biết tí gì về nỗ lực mới nhất của Blackberry không? Bạn có thấy chúng xuất hiện trên báo hay đọc qua bất cứ bài đánh giá sản phầm nào về chúng chưa?

Trong khi Apple vẫn đang lập nên những kỷ lục mới, các nhà phân tích của Blackberry băn khoăn liệu Passport có thể tìm thấy chiếc cọc mang tên "khách hàng hoài cổ" để bám trụ và bán được một ít điện thoại đủ cho việc duy trì mảng phần cứng của mình hay không.

Các nhà phê bình giờ đây đem những chiếc Passport so sánh với tiêu chuẩn thị trường – iPhone – và phàn nàn rằng cách dùng các ứng dụng của chúng quá rắc rối. Trong thế giới mà hầu như ai cũng sở hữu một chiếc smartphone riêng, lý do duy nhất đa số mọi người nghĩ ra cho việc tậu một chiếc Passport là sếp của họ bắt phải làm vậy.

Tuần đầu tiên Blackberry bán được 200.000 chiếc Passport, chỉ bằng 2% so với iPhone 6 của Apple. Giống như Radio Shack, phần lớn mọi người phải cần ai đó nhắc nhở thì mới nhớ đến sự tồn tại của Blackberry. Chỉ vài năm sau khi trở nên lỗi nhịp, Blackberry đã phải gánh chịu hậu quả nặng nề.

Microsoft hiện nay rất giống Blackberry 5 năm trước

Có một điều khá rõ ràng là Microsoft đang nhanh chóng đánh mất sự ăn khớp với thị trường. Windows 8 ra mắt một cách mờ nhạt và chẳng thay đổi được xu hướng sử dụng thiết bị di động. Microsoft đã bỏ lỡ thị trường di động, các sản phẩm di động của hãng chẳng gây được sự chú ý nào.

Tại những nơi mà hãng độc quyền, ví dụ như ứng dụng dành cho NFL nêu trên, mọi người đều không nhận ra sản phẩm của Microsoft và nhầm lẫn với Apple – kẻ thống lĩnh thị trường. Về mặt lịch sử, chúng ta rồi sẽ nhìn lại thời điểm này và coi đây là một cột mốc của Microsoft.

Microsoft thực sự không còn phù hợp với thị trường công nghệ cho cá nhân từng là điểm mạnh của hãng – và điều này sẽ khiến các nhân viên cũng như nhà đầu tư e ngại. Khi người tiêu dùng không quan tâm đến sản phẩm của bạn, doanh số có thể giảm mạnh hơn nhiều so với dự đoán, nhất là khi những sản phẩm cạnh tranh mới xuất hiện và biến sản phẩm của bạn thành thứ "đồ cổ".


DiaOcOnline.vn - Theo Infonet / Forbes