Hàng chục ngàn căn nhà xây dựng không phép, sai phép (gọi chung là xây dựng trái phép-XDTP) sau ngày 1-7-2004 tại TPHCM hiện chưa có hướng xử lý.
Mặc dù UBNDTP đã kiến nghị hướng giải quyết để đảm bảo quyền lợi cho người dân nhưng vẫn chưa nhận được sự phúc đáp của cơ quan cấp trung ương. Vì thế, quyền lợi người dân tiếp tục bị “treo”.
Quyền lợi “treo” theo quy hoạch “treo”
Tại khu vực phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức) - một trong những “điểm nóng” XDTP, hầu hết người dân thuộc dự án quy hoạch khu đầu mối giao thông và khu dân cư Bình Triệu đều rất bức xúc vì quy hoạch “treo”.
Bà N.T.Hòa- một hộ có nhà XDTP trong khu vực này cho biết, bà chuyển nhượng một miếng đất nông nghiệp năm 2005, sau đó xin chính quyền xây dựng nhưng không được vì đất đã bị quy hoạch.
“Đợi mãi không được nên tôi xây đại cái nhà trệt cấp 4 ở tạm. Nhưng 3 năm nay mẹ con tôi cứ phập phồng lo vì nghe sẽ bị tháo dỡ. Thiệt, ba mẹ con tôi không biết sẽ trú mưa trú nắng ở đâu nếu căn nhà này bị tháo dỡ” - bà Hòa lo lắng.
Trường hợp ông L.H.Thi cũng sống tại khu vực này có khá hơn đôi chút. Dù XDTP nhưng ông được chính quyền địa phương xác nhận phù hợp với quy hoạch.
Tuy nhiên, đơn xin cấp giấy hồng của ông vẫn chưa được xét. “Cứ bảo là quy hoạch nhưng 5-6 năm nay rồi mà có thấy làm gì đâu. Không lẽ quyền lợi của chúng tôi bị “treo” lơ lửng theo cái quy hoạch “treo” không khả thi mãi sao?”.
Không chỉ tại khu vực quy hoạch khu đầu mối giao thông Bình Triệu, ở phường Hiệp Bình Chánh còn nhiều dự án “treo” khác nằm rải rác tại 7/9 khu phố của phường.
Theo UBND phường Hiệp Bình Chánh, trong hai năm 2005-2006, trên địa bàn phường có trên 1.000 căn nhà XDTP, trong đó gần 700 căn xây trên đất nông nghiệp.
Trong khoảng 1.000 căn nhà XDTP, có đến một nửa được xây dựng trong khu vực quy hoạch, còn lại là XDTP trong các khu dân cư phát triển mới, khu dân cư hiện hữu và phù hợp quy hoạch. Từ năm 1997 đến nay, trên địa bàn phường có 16 dự án khu quy hoạch “treo” với tổng diện tích 48ha.
Có diện tích đất nông nghiệp lớn nên huyện Bình Chánh cũng là điểm nóng XDTP, nhiều nhất là tại các xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B...
Một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng XDTP phổ biến ở đây là vì trên địa bàn quận có quá nhiều dự án “treo” kéo dài từ 5-10 năm như: Hồ sinh thái Vĩnh Lộc, Khu Tiểu thủ công nghiệp An Hạ, Tái định cư Bến xe miền Tây…
“Chính việc quy hoạch treo và phê duyệt quy hoạch chậm trễ tại nhiều khu vực ngoại thành đã khiến cho tình trạng XDTP trở thành phổ biến”- một lãnh đạo Sở Xây dựng nhận định.
Vị lãnh đạo này cho rằng, nếu giải được bài toán quy hoạch “treo” thì sẽ hạn chế rất nhiều tình hình XDTP ở ngoại thành.
Liệu có linh động xử lý?
Theo Nghị định 180/CP của Chính phủ, nhà xây dựng sau ngày 1-7-2004 đến ngày 4-1-2008 nếu không phù hợp quy hoạch thì buộc tháo dỡ, nhưng các trường hợp phù hợp quy hoạch hiện vẫn chưa được giải quyết vì chưa có các quy định cụ thể.
Chưa thống kê đầy đủ nhưng hiện nay, số nhà XDTP sau ngày 1-7-2004 trên địa bàn TP ước khoảng 11.000 căn.
Theo UBND huyện Bình Chánh, gần 1.000 trường hợp nhà XDTP trước ngày 4-1-2008 đang trong giai đoạn ban hành quyết định cưỡng chế, buộc tháo dỡ công trình nhưng đến nay cũng phải ngưng, chưa xử lý vì Sở Xây dựng TP hướng dẫn thực hiện NĐ 180/CP yêu cầu các trường hợp nhà XDTP trước ngày 4-1-2008 phải chờ chỉ đạo của UBNDTP.
Để giải quyết vướng mắc trên, Sở Xây dựng TP đã dự thảo và trình UBNDTP xử lý các trường hợp này.
Cụ thể, Sở Xây dựng kiến nghị TP xem xét cho những căn nhà XDTP sau ngày 1-7-2004 được phép tồn tại nếu phù hợp quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt, được xây dựng trên đất đã có giấy đỏ, được xây dựng hoặc cải tạo lại trên nền nhà cũ, được xây dựng trên đất ở có đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận và đảm bảo về cơ sở hạ tầng.
Ngoài ra, những trường hợp XDTP phù hợp quy hoạch nhưng chưa hoàn chỉnh hạ tầng thì buộc chủ đầu tư phải xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng mới xem xét cho tồn tại và cấp giấy hồng…
Mới đây, tại buổi góp ý về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng, đại diện Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng đã linh động giải quyết các trường hợp XDTP sau ngày 1-7-2004 đến ngày 4-1-2008 theo hướng các trường hợp xây dựng phù hợp với quy hoạch sẽ xem xét để cấp giấy hồng.
Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Phạm Gia Yên cho rằng, các tỉnh, TP cũng nên linh hoạt như thế. “Tôi cho rằng, cách xử lý nhà XDTP của TP Đà Nẵng là cách làm thông minh, nhằm xử lý nhanh các trường hợp vi phạm để không treo quyền lợi của người dân”- ông nói.
Khi trả lời câu hỏi vì sao UBND TPHCM đã trình Bộ Xây dựng để xin ý kiến xử lý các trường hợp trên rất lâu nhưng vẫn chưa được phúc đáp, ông Yên cho rằng, đa số các địa phương ngán ngại việc xử lý vì sợ trách nhiệm nên cái gì cũng xin ý kiến.
“Thế nhưng quản lý không chặt để xảy ra tình trạng XDTP tràn lan, lý ra chính quyền địa phương đã phải chịu trách nhiệm rồi chứ không phải đến khi xử lý hậu quả đó mới chịu trách nhiệm”- ông Yên nói.
Mặc dù các kiến nghị của Sở Xây dựng đã được UBNDTP căn bản đồng ý nhưng TP vẫn đang đợi phúc đáp của Bộ Xây dựng mới dám xử lý. Xem ra, cho đến khi Bộ Xây dựng có ý kiến thì hàng chục ngàn căn nhà XDTP sau ngày 1-7-2004 vẫn tiếp tục chờ!
Các thời điểm giải quyết nhà XDTP: Nhà XDTP trước ngày 1-7-2004 sẽ được xem xét cho tồn tại và cấp giấy chứng nhận; nhà XDTP sau ngày 1-7-2004 đến ngày 4-1-2008: nếu không phù hợp quy hoạch phải tháo dỡ, nếu phù hợp quy hoạch thì hiện nay chưa có quy định xử lý; nhà XDTP sau ngày 4-1-2008 buộc phải tháo dỡ phần xây dựng không phép và sai phép.
Trường hợp công trình xây dựng không phép nhưng đủ điều kiện cấp phép, chủ đầu tư phải làm thủ tục xin cấp phép xây dựng theo quy định.
Theo Sài Gòn Giải Phóng
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: