Top

Xây nhà sai phép: Do dân sợ thủ tục, cán bộ không rành luật

Cập nhật 19/01/2009 08:15

Vi phạm trong xây dựng rất phổ biến bởi việc xin phép cũng như điều chỉnh giấy phép xây dựng rất khó khăn.

Như đã thông tin, vấn đề nhà xây sai phép hiện rất phổ biến tại TP.HCM. Người dân cứ vi phạm, chính quyền cứ lập biên bản xử lý. Cái vướng nhất là nhà nước phải cân nhắc, đắn đo trước việc buộc người dân phải tháo dỡ tất cả những phần vi phạm, làm thủ tục xin chỉnh sửa giấy phép xây dựng rồi mới xây lại cho đúng luật hay là “tha”. Nếu buộc tháo dỡ những phần vi phạm thì phí tiền của của dân, mà “tha” thì luật không được nghiêm, dễ tạo tâm lý vi phạm xong bị xử nhẹ hều khiến nhiều người khác lại tiếp tục vi phạm.

Vấn đề đặt ra tại sao người dân lựa chọn cách thức xây sai phép nếu thủ tục xin chỉnh sửa giấy phép xây dựng đã đơn giản, thuận tiện cho dân? Hay thủ tục xin chỉnh sửa giấy phép xây dựng vẫn còn quá nhiêu khê khiến người dân dễ nản lòng đành xây sai phép? Pháp Luật TP.HCM tiếp tục ghi nhận ý kiến của các chuyên gia về việc này.

KTS Lê Quang Ngọc, Giám đốc Công ty cổ phần Kiến trúc xây dựng số 1 (Hà Nội):


Dân sợ thủ tục xin phép xây dựng

Về nguyên tắc thì việc cấp phép xây dựng rất đơn giản. Tuy nhiên, nếu người dân chưa quen với việc này mà khi vào đó sẽ phát hoảng vì phải thực hiện rất nhiều thủ tục, giấy tờ. Quy định về cấp phép xây dựng càng chi tiết bao nhiêu càng làm khó cho người dân bấy nhiêu. Nhiều khi chỉ sai một dấu phẩy thôi người dân cũng phải mất nhiều thời gian đi lại chỉnh sửa. Vì vậy, nhiều người dân rất sợ làm thủ tục xin phép xây dựng và sẵn sàng chọn cách xây dựng không phép, sai phép.

Việc quản lý xây dựng hiện nay ít có hiệu quả mà thiên về việc muốn chứng tỏ quyền lực trong quản lý nhà nước. Không ít cán bộ làm thủ tục cấp phép xây dựng gây khó dễ cho người dân để tiêu cực, nhũng nhiễu, kiếm chác, buộc người dân phải đi “cửa sau” cho được việc.

Khi xin giấy phép xây dựng, người dân có thể bị “mắc” ở nhiều khâu, trong đó bản vẽ thiết kế nhà thường bị làm khó dễ nhiều nhất vì người dân đâu có rành về điều này. Tốt nhất người dân nên gặp những kiến trúc sư có kinh nghiệm, làm nghề vẽ thiết kế nhà nhiều năm. Những người này biết được những “cửa ải” trong xin phép xây dựng để tránh. Không ít trường hợp khi người dân không xin được phép xây dựng thì người ta đành chấp nhận là một công dân vi phạm pháp luật. Những người này lúc nào cũng nơm nớp lo đối phó với chính quyền.

Ở các nước phương Tây, nhà nước giao cho kiến trúc sư phụ trách những tuyến phố, ô phố. Kiến trúc sư phụ trách ở đó sẽ thuộc lòng địa bàn và biết mỗi nhà dân phải làm thế nào cho hợp lý. Kiến trúc sư đó phải chịu trách nhiệm về kiến trúc, xây dựng ở địa bàn đó suốt đời chứ không phải như cán bộ hết nhiệm kỳ là về nghỉ như ở nước ta. Với cơ chế của ta hiện nay, khó mà xử lý được cán bộ khi vi phạm xây dựng xảy ra.

PGS-KTS Trần Hùng, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc, Hội Kiến trúc sư Việt Nam:

Quản lý đô thị quá yếu!

Ở nước ta, việc vi phạm trong xây dựng rất phổ biến và là chuyện thường ngày bởi việc xin phép cũng như điều chỉnh giấy phép xây dựng rất khó khăn. Người dân rất sợ đi vào mớ bòng bong các thủ tục cấp phép nên nhiều người đối phó bằng cách xin một nhưng lại làm tới hai.

Ví dụ: Xin làm nhà ba tầng thì làm tới bốn, năm tầng vì nếu xin làm cả bốn, năm tầng một lúc thì rất khó. Họ chọn cách làm nửa đúng, nửa sai rồi hợp lý hóa dần. Trong quá trình xây nhà, nếu có thay đổi so với thiết kế ban đầu, người dân lại phải trải qua tất cả “cửa ải” giống như xin cấp phép xây dựng lần đầu. Vì vậy, nếu có phát sinh thay đổi so với thiết kế, người dân rất sợ phải xin phép xây dựng thêm lần nữa nên mới lựa chọn cách xây dựng sai phép.

Quản lý đô thị ở các nước phương Tây rất khoa học, hệ thống ngầm ra sao, không gian trên đó như thế nào, người ta nắm rõ đến từng chi tiết. Thế nên khi người dân xin phép làm gì là chính quyền có thể quyết ngay. Cái khó ở nước ta là bộ máy quản lý đô thị quá yếu: Trên trời có cái gì, dưới đất có cái gì, bố trí ra sao thì ở các cấp chính quyền đều mù tịt.

Phần lớn cán bộ phụ trách công tác cấp phép xây dựng ở ta chưa qua đào tạo, nghiệp vụ còn yếu. Vậy thì làm sao có thể trả lời ngay được cho người dân là họ được phép xây như thế nào. Điều đó làm cho quản lý đô thị không thể tốt được. Quản lý đô thị ở ta nhiều khi mang dáng dấp quản lý làng xã. Trong gia đình muốn quản lý được thì phải biết nhà mình có gì, cái gì dùng trước, cái gì dùng sau, quản lý đô thị cũng vậy.

Ở nước ta, nhiều vấn đề liên quan trực tiếp đến người dân, thành phố giao xuống quận, quận lại giao xuống phường, cứ chạy lòng vòng như vậy thì làm sao mà trả lời cho người dân nhanh được. Điều quan trọng nhất là phải phân định rõ cấp nào thì được làm đến đâu, người dân được làm đến đâu.

Ông Nguyễn Cảnh Chất, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn xây dựng Việt Nam:

Nhiều cán bộ xây dựng không rành luật!

Nếu muốn gây phiền hà cho người dân, cán bộ làm thủ tục cấp phép xây dựng không thiếu cách. Trường hợp người dân đã nộp đơn xin cấp phép xây dựng, hôm nay cán bộ yêu cầu bổ sung cái này, ngày mai lại yêu cầu bổ sung cái khác... Một nguyên nhân khác khiến người dân bị cán bộ hành là nhiều cán bộ làm thủ tục cấp phép xây dựng lại không hiểu luật.

Người thực thi pháp luật nhưng lại không rành luật thì làm sao thực hiện cho đúng, rồi sinh ra bắt bẻ người dân rất vô lý. Theo tôi, cán bộ làm thủ tục cấp phép xây dựng trước tiên phải hiểu luật, phải được đào tạo và kiểm tra trình độ về pháp luật xây dựng. Họ phải hướng dẫn cho người dân làm thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi để người dân được cấp phép một cách nhanh nhất, không được gây phiền hà cho người dân. Muốn vậy đòi hỏi người cán bộ phải có cái tâm.

Người dân Việt Nam chưa quen với việc kiện tụng, nhất là đối với trường hợp cán bộ làm sai thủ tục, cần khuyến khích người dân khiếu kiện cán bộ làm sai. Nhiều người dân chịu lùi, chấp nhận đưa tiền cho cán bộ để được việc thì sẽ làm cho cán bộ quen với điều này và làm hư cán bộ.

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP