Top

Gần 15% công trình xây dựng không phép

Cập nhật 18/01/2009 09:10

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, năm 2008, số lượng chủ đầu tư xin giấy phép xây dựng đã tăng lên song tỷ lệ xây dựng không phép vẫn còn cao, chiếm gần 15%. Không những vậy, đây cũng là năm để xảy ra nhiều sự cố công trình nghiêm trọng.

Quản lý chất lượng công trình là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành xây dựng. Báo cáo tổng kết của Bộ Xây dựng cho thấy, trong năm qua, số lượng công trình được Thủ tướng Chính phủ giao cho Hội đồng nghiệm thu nhà nước đã tổ chức kiểm tra và nghiệm thu là 62 công trình, trong đó nghiệm thu 12 công trình, kiểm tra 50 công trình.

Trong đó, những công trình đã nghiệm thu đáng chú ý là đường Hồ Chí Minh và Tổ máy số 1 Nhà máy Thuỷ điện Tuyên Quang; tổ chức các đợt kiểm tra theo kế hoạch các công trình: Hồ chứa nước Cửa Đạt, Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất, Thuỷ điện Sơn La, Điện Cà Mau, Thuỷ điện Buôn Kuôp…

Theo báo cáo của các địa phương, chất lượng các công trình xây dựng trên địa bàn có chuyển biến tốt với trên 80% công trình đạt chất lượng khá khi nghiệm thu.

Mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên, năm 2008 cũng là năm để xảy ra nhiều sự cố nghiêm trọng. Một số công trình trong danh mục các công trình do hội đồng nghiệm thu nhà nước tổ chức kiểm tra, nghiệm thu đã phát hiện ra sự cố về chất lượng cần phải xử lý (điển hình là sự cố ở hầm Thủ Thiêm). Bên cạnh đó, chất lượng nhà ở tư nhân chưa kiểm soát được.

Các Sở Xây dựng cũng đã tiến hành 1.200 cuộc thanh tra hoạt động xây dựng, thu hồi số tiền trên 6 tỷ đồng, tiến hành xử phạt hành chính xử lý trên 12 nghìn vụ việc với số tiền xử phạt trên 5 tỷ đồng.

Qua các đợt kiểm tra cho thấy, số công trình xây dựng không phép trong năm 2008 vẫn ở mức cao (chiếm gần 15%). Công tác triển khai cấp phép xây dựng tạm và nhà ở nông thôn thì chưa được đẩy mạnh. Số giấy phép nhà ở nông thôn đã có nhưng tăng rất chậm, từ 3% năm 2007 lên 4% năm 2008.

Bộ Xây dựng cũng thừa nhận, một trong những vấn đề làm ảnh hưởng tới tiến độ các dự án đó là nhận thức và năng lực của bộ phận cán bộ ở quản lý dự án, tư vấn, nhà thầu và ở các cơ quan quản lý đầu tư xây dựng tại các bộ, ngành, địa phương còn hạn chế và tinh thần trách nhiệm chưa cao.

Từ đó, việc triển khai thực hiện các dự án bị chậm và lúng túng, nhất là trong tình hình biến động giá có nhiều phức tạp, phần nào ảnh hưởng đến việc đẩy nhanh tiến độ việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình. Hơn nữa, việc công bố chỉ số giá xây dựng, công bố giá của các địa phương còn chưa phủ kín, kịp thời, việc cấp chứng chỉ kỹ sư định giá ở một số địa phương triển khai thực hiện lại chậm…

DiaOcOnline.vn - Theo Dân Trí