Top

Chất lượng nhà chung cư quá kém

Cập nhật 23/11/2007 09:00

Rất nhiều khu đô thị mới (KĐT) ở HN thiếu cơ sở y tế, nơi sinh hoạt cộng đồng, khu hành chính cấp xã, phường... Một số nơi có xây trường học, nhưng do mức thu phí quá cao nên người dân phải mang con đi gửi nơi khác. Nhiều KĐT thiếu bãi đỗ xe tĩnh, việc đấu nối với hệ thống giao thông chính của TP chưa đồng bộ...

Đó chính là vài nét phác thảo về các KĐT mới, khu tái định cư trên địa bàn HN qua đợt giám sát mới đây của HĐND TP về việc xây dựng cơ sở hạ tầng và quản lý sau đầu tư.

Nhiều nghịch lý!

Là thành viên tham gia các đợt khảo sát tại các KĐT Việt Hưng, Trung Hoà - Nhân Chính, Mỹ Đình I, Bắc Linh Đàm và khu tái định cư Nam Trung Yên, ông Vũ Mạnh Hải tỏ ra thông cảm với những bức xúc bấy lâu của cư dân được tiếng là sống trong các KĐT văn minh, hiện đại: "Có những khu chung cư (KCC) cao trên 10 tầng, nhưng thiết kế cầu thang máy lại quá chật hẹp. Nếu khi có người bị ốm đau cần cấp cứu hay khi có đám hiếu, làm sao có thể di chuyển được".

Ông Hải cũng cho biết, ông nhận được nhiều ý kiến phàn nàn của người dân về chất lượng nhà. "Trong khi vật liệu xây dựng ngày càng phong phú về chủng loại, chất lượng, thì tại sao người dân lại phải sống trong những KCC chất lượng kém?" - ông Hải đặt câu hỏi với các nhà đầu tư.

Theo ông Hải, khi triển khai dự án, các nhà đầu tư cần lấy sinh hoạt của chính mình gắn với người dân. Ngoài ra, cần phải có tiêu chí rõ ràng để các cơ quan chức năng căn cứ vào đó để giám sát từ khâu thiết kế đến hoàn thiện, tránh tình trạng nhà vừa xây xong đã lở tường, nghiêng, lún... Khi triển khai các dự án, các chủ đầu tư phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương từ khâu GPMB đến khâu hoàn thiện.

Phản ánh những bức xúc của người dân qua đợt giám sát tới lãnh đạo TP.Hà Nội, bà Phạm Thị Thành nhấn mạnh, TP duyệt quy hoạch tổng thể tại các KĐT mới nhưng hầu như không quan tâm tới các công trình công cộng như trường học, trạm y tế, chợ, nơi sinh hoạt cộng đồng...

Một số KĐT có quy hoạch công trình phục vụ công cộng thì lại "rơi" vào khu vực khó giải toả như nghĩa trang... Tại các KCC ở khu vực trung tâm thì điều này thể hiện rất rõ. Tầng 1 tại các KCC sử dụng cho thuê làm siêu thị, bệnh viện... không nghĩ đến quyền lợi người dân. Bà Thành kiến nghị, khi phê duyệt quy hoạch TP cần có tầm nhìn xa hơn, cần nghĩ đến lợi ích cho dân cư sống trong các khu đô thị.

Giao quận làm chủ đầu tư các công trình trường học, nhà trẻ?

Một vấn đề không kém phần bức xúc được ông Nguyễn Đức Hải - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai đề cập là việc thiếu bãi đỗ xe tĩnh tại các KĐT. Ông Hải cho biết, hiện trên đường Nguyễn Duy Trinh, xe ôtô đỗ tràn lan cả vỉa hè lẫn lòng đường, gây khó khăn cho việc đi lại của cư dân, nhưng chính quyền "bó tay".

Trước việc chậm trễ trong việc đầu tư xây dựng các công trình phục vụ cộng đồng, ông Hải kiến nghị TP nên giao cho các quận được làm chủ đầu tư các công trình trường học, nhà trẻ... vì hơn ai hết, chính quyền sẽ biết đầu tư thời điểm nào, đầu tư như thế nào là hợp lý. Cũng theo ông Hải, tại các KĐT hiện mới xây dựng theo quy hoạch được 5/17 trường học; 2/19 nhà trẻ; 2/20 công trình công cộng.

Phát biểu tại buổi làm việc giữa HĐND TP.Hà Nội với lãnh đạo TP.Hà Nội, ông Nguyễn Văn Khôi - Phó Chủ tịch UBND TP cho rằng, những KĐT sắp tới triển khai sẽ được thực hiện đồng bộ, tránh manh mún, chia nhỏ như đã thực hiện trước đây.

Đối với các KĐT đã đầu tư xong và đang triển khai, ông Khôi yêu cầu, các cơ quan chức năng tiến hành rà soát lại các quy hoạch, trình TP bổ sung ban hành quy hoạch mới. Khi đầu tư ưu tiên hạ tầng xã hội và hạ tầng kinh tế đi trước một bước.

Trừ khu Mỹ Đình I, chưa một KĐT, khu tái định cư nào có hệ thống xử lý nước thải trước khi đổ vào sông, hồ, mạng lưới nước thải của TP.

Một số nghĩa trang nằm trong hoặc cạnh các KĐT chưa được giải toả làm ảnh hưởng đến tiến độ GPMB (Việt Hưng, Linh Đàm, Nam Thăng Long); mạng lưới cấp nước sạch của TP chưa đấu nối được vào KĐT ( Trung Hoà - Nhân Chính, Linh Đàm, Việt Hưng...); hệ thống cứu hoả của TP chưa được quy hoạch hợp lý phục vụ công tác phòng, chữa cháy khi có sự cố cháy lớn tại các KĐT; các khu vui chơi, giải trí, các công trình văn hoá, tượng đài, đài phun nước, vui chơi giải trí, dịch vụ... chưa đầu tư đồng bộ; một số KĐT chậm hình thành các tổ chức hành chính cơ sở, việc bàn giao, tiếp nhận trong lĩnh vực quản lý dân cư chưa kịp thời, chậm cấp sổ đỏ cho người dân... (Trích báo cáo kết quả giám sát của HĐND TP.Hà Nội về các KĐT mới và khu tái định cư)


Theo Lao Động