Top

Vườn thú cho thuê đất trái phép

Cập nhật 19/10/2007 13:00

11 đơn vị kinh doanh quanh công viên đã bị kết luận là xây dựng sai phép, không phép, song việc giải tỏa rất khó thực hiện vì chính vườn thú đã ký hợp động cho các cơ sở này thuê mặt bằng.

Công viên Thủ Lệ được giao cho Công ty TNHH nhà nước một thành viên Vườn thú Hà Nội quản lý, khai thác và sử dụng. Công ty đã cho 11 cơ sở kinh doanh, thuê lại mặt bằng khu vực hành lang xung quanh để mở dịch vụ ăn uống, giải trí như, nhà hàng, quán karaoke, sân patin... từ năm 2006. Còn một số cơ sở như karaoke Thùy Linh được thuê từ năm 2001 và gia hạn hợp đồng năm 2006.

Tuy nhiên theo kết quả kiểm tra của Đoàn thanh tra liên ngành của thành phố Hà Nội ngày 27/4, cả 11 đơn vị này đều vi phạm trật tự xây dựng, trong đó có 3 đơn vị xây dựng sai phép và 8 đơn vị không phép.

UBND thành phố Hà Nội đã có hai thông báo ngày 27/6 và 12/9 yêu cầu Vườn thú Hà Nội giải tỏa các cơ sở xây dựng sai phép này để trả lại cảnh quan cho vườn thú.

Từ ngày 5/10 đến 15/10 Công ty TNHH nhà nước một thành viên Vườn thú Hà Nội, đã yêu cầu các cơ sở kinh doanh này đến thương lượng chấm dứt hợp đồng đã ký với vườn thú và tự động tháo dỡ các công trình sai phép.

Nhưng cho đến nay vẫn có 5 cơ sở không chịu thanh lý hợp đồng và chưa cơ sở nào tự động tháo dỡ. Theo lộ trình vườn thú đưa ra đến 20/10 nếu các hộ không thanh lý hợp đồng và tự động tháo dỡ thì vườn thú sẽ báo cáo lên quận Ba Đình, và thành phố Hà Nội để tiến hành các biện pháp cưỡng chế.



Karaoke Thùy Linh, một cơ sở kinh doanh
 ở Vườn thú Hà Nội sẽ phải giải tỏa.


Chị Bình ở quán Karaoke Thùy Linh, trên đường Voi phục - Cầu Giấy cho biết, năm 2006 chị đã đầu tư gần 7 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp quán. Số tiền này phần nhiều do chị đi vay và kêu gọi người thân góp vốn. Quán mới đi vào hoạt động được hơn một năm, tiền vốn thu lại chưa được bao nhiêu, nếu bây giờ buộc phải giải tỏa, chị sẽ trở thành con nợ. Nếu Vườn thú đơn phương chấm dứt hợp đồng thì chị sẽ phải đưa đơn lên tòa án, nhờ sự can thiệp của pháp luật.

Còn ông Vũ Quang Tình, nhà hàng Làng Việt, số 9 Đào Tấn nói, ông cùng các cổ đông khác đã bỏ gần 4 tỷ đồng để đầu tư vào đây. Nhà hàng mới đi vào hoạt động từ tháng 7/2006, vốn thu hồi chưa được là bao, nếu giờ giải tỏa thì các ông cùng các nhà đầu tư khác sẽ trắng tay.

Các hộ kinh doanh ở đây cho biết, họ có hợp đồng kinh tế hợp pháp với Vườn thú Hà Nội, thời hạn trong 5 năm từ 2006 đến 2010. Trong đó ghi rõ, sẽ chỉ thanh lý hợp đồng trước thời hạn khi vườn thú có quy hoạch chi tiết và phần đất đang thuê cần phải giải phóng mặt bằng.



Vườn thú Hà Nội vẫn còn nhiều khu đất bỏ hoang.


Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó tổng giám đốc Vườn Thú Hà Nội cho biết, việc để sai phạm kéo dài có lỗi của phía vườn thú khi không chấn chỉnh, nhắc nhở các cơ sở kinh doanh kịp thời. Nhưng việc xử lý các công trình sai phép, không phép vượt ngoài thẩm quyền của vườn thú.

Ông Hùng cho biết thêm, hiện Công viên Thủ Lệ chưa có quy hoạch chi tiết. Việc làm quy hoạch đang tiến hành nhưng sẽ mất rất nhiều thời gian, mà thành phố lại yêu cầu giải quyết dứt điểm ngay việc xây dựng trái phép trong năm nay.

Vườn thú Hà Nội đang kết hợp với các cơ quan chức năng quận Ba Đình và phường Ngọc Khánh đi đến từng cơ sở tuyên truyền, vận động. Ông Hùng nói: "Việc thanh lý hợp đồng và giải tỏa cưỡng chế không thể làm nóng vội, để xảy ra khiếu kiện là điều Vườn thú Hà Nội không hề muốn, chúng tôi sẽ báo cáo lên quận Ba Đình và thành phố để xin ý kiến chỉ đạo".

Theo Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nếu các cơ sở kinh doanh ở đây vi phạm về trật tự xây dựng, có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, thì họ phải tháo dỡ công trình xây dựng vi phạm. Việc này không liên quan đến việc thanh lý hợp đồng.

Còn về việc thanh lý hợp đồng, nếu các cơ sở kinh doanh không vi phạm hợp đồng mà phía vườn thú đơn phương chấm dứt thì các cơ sở này có thể kiện ra tòa án để giải quyết bằng pháp lý.

Theo Đô Thị