Top

Xây dựng ngầm tại TP.HCM

Cập nhật 18/10/2007 17:00

Nhu cầu lớn, quy hoạch chưa có

Sự cố xây dựng tầng ngầm cao ốc Pacific làm sập tòa nhà Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ đã nhắc nhở một thực trạng: TP.HCM chưa có những quy hoạch cần thiết cho việc phát triển sâu xuống lòng đất trong khi đó….

Khởi động hàng loạt dự án “ngầm hóa”

Đáng chú ý nhất là dự án xây dựng tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên với chiều sâu có đoạn tới 28m dưới mặt đất. Hiện nay dự án đang có những bước chuyển động mạnh mẽ: làm thiết kế cơ sở, chuẩn bị giải phóng mặt bằng, xây dựng các nhà ga … để có thể xây dựng vào năm 2008 và hoàn thành vào năm 2012. Bên cạnh tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên là 5 tuyến metro khác cũng đang được lãnh đạo TP.HCM kêu gọi đầu tư: tuyến Bến Thành – Bến xe miền Tây, Bến Thành – Gò Vấp, Bến Thành – quận 7…

Việc hình thành các tuyến metro này được coi là một trong những biện pháp dài hơi, căn cơ để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông hiện nay nên quyết tâm đầu tư của thành phố vào các dự án này là rất cao, rất khẩn trương. Một loại dự án ngầm khác cũng đang được thành phố nhanh chóng triển khai: xây dựng bãi đậu xe ngầm. Theo Sở Giao thông Công chính, ở khu vực trung tâm thành phố có 8 vị trí, địa điểm đã được UBND TP.HCM chấp thuận có thể làm bãi đậu xe ngầm và đến nay 6 trong 8 vị trí ấy đã được chấp thuận cho nhà đầu tư tiến hành khảo sát, nghiên cứu lập dự án đầu tư, 2 vị trí còn lại chậm hơn một chút: đang kêu gọi đầu tư. 6 vị trí đã có nhà đầu tư là: công trường Lam Sơn và sân vận động Hoa Lư có công ty Đông Dương (Hà Nội) xin xây dựng, công viên Chi Lăng có công ty Kinh doanh Địa ốc Hòa Bình, công viên Bách Tùng Diệp có công ty cổ phần Đầu tư phát triển Không gian ngầm, sân bóng đá Tao Đàn có công ty TNHH T.T.C.

Hầu hết 6 dự án nêu trên đều sâu từ 7 – 8 tầng âm dưới lòng đất. Theo kế hoạch của các nhà đầu tư, khi những dự án này hoàn thành sẽ có một không gian sinh hoạt ngầm, sâu từ 7 – 8 tầng với các hoạt động thương mại, dịch vụ và gửi xe sâu dưới lòng đất sôi động không thua kém gì ở trên mặt đất. Song song với hệ thống bãi đậu xe ngầm chuyên biệt, hiện cũng có rất nhiều nhà đầu tư xây dựng cao ốc xin đầu tư thêm vài ba tầng hầm bên dưới cao ốc để làm chỗ để xe, rộng tới hàng ngàn mét vuông.

Hệ thống cấp - thoát nước, đường dây điện, điện thoại tuy không ngầm sâu như metro, bãi đậu xe nhưng quyết tâm của lãnh đạo thành phố là ngầm hóa toàn bộ thay cho việc “giăng như mắc cửi” trên đường như hiện nay. Theo Sở Quy hoạch – Kiến trúc, thành phố đang xây dựng một đề án: quy hoạch ngầm hóa hệ thống hạ tầng kỹ thuật, để chuẩn bị thực hiện chủ trương trên.

Cấp phép lẻ mẻ theo từng dự án

Căn cứ nào để một dự án ngầm được sâu bao nhiêu? Một cán bộ của Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho biết: chủ yếu theo đề xuất của nhà đầu tư. Nhà đầu tư sẽ tự biết tính toán sâu xuống bao nhiêu để có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất và ngành chức năng sẽ xem xét điều ấy. Điều này, theo Sở Quy hoạch – Kiến trúc (với các dự án xây dựng bãi đậu xe ngầm) là để nhanh chóng giải quyết tình trạng thiếu bãi đậu xe của thành phố, đặc biệt là khu vực trung tâm. “Ngày trước, ở một số dự án xây dựng cao ốc, chúng tôi còn phải buộc các nhà đầu tư xây dựng tầng hầm để xe. Huống chi ngày nay, trước sự gia tăng của các phương tiện gia thông, chủ đầu tư các cao ốc xin xây dựng bãi đậu xe ngầm là được ủng hộ ngay”, một cán bộ Sở Quy hoạch – Kiến trúc giải thích. Các dự án metro, cấp – thoát nước chủ yếu ngầm sâu theo yêu cầu kỹ thuật của từng công trình.

“Thực trạng cấp phép tầng sâu lẻ mẻ như vậy sẽ tạo không ít những khó khăn về sau cho thành phố nhưng để triển khai làm ngay quy hoạch hệ thống ngầm nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư đang tăng cao là không dễ”, vẫn vị đại diện Sở quy hoạch – Kiến trúc trên nhận xét. Theo Sở, hiện nay nhiều ngành như điện, nước, bưu điện… còn chưa nắm hết hiện trạng ngầm dưới đất của hệ thống thuộc mình quản lý.

Do vậy, Sở Quy hoạch – Kiến trúc cũng không thể có đầy đủ ngay các dữ liệu để nhanh chóng lập quy hoạch ngầm. “Các nhà quy hoạch sau này sẽ phải coi các công trình ngầm đã và đang được đầu tư là hiện trạng khi làm quy hoạch”, đại diện Sở quy hoạch – Kiến trúc nói. Và trong khả năng của minh, Sở quy hoạch – Kiến trúc bước đầu đã yêu cầu các nhà tư vấn tham gia thi ý tưởng thiết kế đô thị trung tâm thành phố phải tính toán đến việc ngầm hóa các công trình hạ tầng . Bao giờ TP.HCM có quy hoạch đầy dủ về hệ thống hạ tầng ở thành phố, xem ra vẫn còn mờ tịt!

Theo Sài Gòn Giải Phóng