Top

Hầu hết các dự án đều chậm

Cập nhật 19/10/2007 10:00

Phiên chất vấn giữa 2 kỳ họp của HĐND TP Hà Nội trong buổi sáng 18 - 10 dường như vẫn chưa thoả mãn sự mong đợi của các đại biểu tham dự trước những vấn đề "nóng" của thủ đô.

Giao vốn cho chủ đầu tư không có năng lực?

Vấn đề chiếm quá nửa thời gian của phiên chất vấn được nhiều đại biểu quan tâm là tình hình giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc nguồn vốn ngân sách quá chậm.

Phó Chủ tịch UBND TP - ông Hoàng Mạnh Hiển cho biết, hầu hết các dự án của TP đều không đạt mục tiêu đề ra, tiến độ triển khai chậm, giải ngân đạt rất thấp. Sau 9 tháng, toàn thành phố mới giải ngân được 27%. Các dự án lớn chiếm tỉ trọng lớn (54,8%) chi tổng đầu tư XDCB của ngân sách TP mới giải ngân được 9%.

Trong các nguyên nhân đưa ra, ông Hiển nhấn mạnh đến việc thiếu trách nhiệm trong chỉ đạo điều hành, sự thiếu quyết liệt của các sở ngành, năng lực của chủ đầu tư hạn chế.

Đại biểu Đặng Thị Loan cho rằng, việc chậm tiến độ thi công, UBND TP đã nhận trách nhiệm, nhưng chưa chỉ ra hết nguyên nhân. Theo bà Loan, nguyên nhân chủ yếu do việc chuẩn bị, xét duyệt vốn đầu tư không đảm bảo chất lượng. TP có chế tài gì để áp dụng đối với những chủ đầu tư giải ngân chậm, không có khả năng, không có năng lực thực hiện.

"Từ cuộc họp trước, các đồng chí nói rất nhiều, cứ đổ lỗi cho chủ đầu tư mà hầu như TP thì không có trách nhiệm gì cả. Bởi nếu chủ đầu tư không có năng lực thì giao vốn cho họ làm gì, trong khi vốn của chúng ta rất thiếu lại bố trí vốn vào những công trình không giải ngân được", bà Loan nói.

Cũng theo bà Loan, 9 tháng đã không thực hiện được thì với 2 tháng còn lại dù liệu cố giải ngân được số vốn đó hay không, có đầu tư vốn tiếp cũng không giải quyết được vấn đề. Về các biện pháp khắc phục của UBND TP, bà Loan cho rằng, chỉ nói chung chung, chỗ nào cũng nói "quyết liệt". Bà Loan đặt ra câu hỏi: "Vậy từ đầu năm đến giờ, TP không quyết liệt sao?". Đại biểu Trần Trọng Thanh đề nghị UBND TP cần chỉ rõ sở nào, cá nhân nào gây trì trệ các dự án, phải chịu trách nhiệm và theo ông cần thiết thì phải bãi miễn.



Công trình cầu Vĩnh Tuy là một trong những dự án được giao kế hoạch
vốn lớn (1.563 tỉ đồng) nhưng tỉ lệ thực hiện đạt thấp (300 tỉ đồng).


Về việc chậm giải ngân các công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, giá trị khối lượng 8 tháng mới đạt 35% kế hoạch giao, giải ngân mới đạt 25% kế hoạch. Một số dự án được giao kế hoạch vốn lớn, nhưng tỉ lệ thực hiện đạt thấp như: Cầu Vĩnh Tuy (giao 1.563 tỉ, thực hiện 300 tỉ, giải ngân 230 tỉ)... Ngoài ra, khoảng 16 công trình tiến độ triển khai chậm, không đạt kế hoạch giao.

Chậm giải quyết nhà nguy hiểm

Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường - Nhà đất Vũ Văn Hậu trả lời chất vấn đoàn giám sát của HĐND về nguyên nhân chậm triển khai và các giải pháp giải quyết nhà chung cư nguy hiểm.

Ông Hậu cho biết, khó nhất là thoả thuận với các hộ dân tầng 1. Theo ông Hậu, có một thực tế là với quy chế đang được lấy ý kiến, các hộ tầng trên cho rằng, quá ưu ái tầng 1, trong khi các hộ tầng 1 lại cho rằng, lợi ích của họ chưa thoả mãn. Đối với việc một bộ phận người dân chưa chấp nhận di dời tại các khu nhà nguy hiểm, ông Hậu cho biết, nếu đã có 2/3 tổng số hộ dân đồng ý, sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với thiểu số còn lại.

Đại biểu Trần Trọng Thanh không đồng tình với việc cưỡng chế. Ông Thanh nói: "Xây nhà cho người ta mà người ta không đồng ý là không được". Ông Thanh cho rằng, TP đã thiếu một chính sách hướng dẫn sự tháo gỡ. Ông Thanh đặt thẳng vấn đề với ông Hậu rằng việc cải tạo nhà chung cư cũ có làm được hay không và nhiệm kỳ này làm được mấy dự án? Theo ông Hậu, trước mắt thành phố quyết tâm thực hiện cải tạo, xây mới các khu chung cư Nguyễn Công Trứ, Kim Liên.

Nhiều vấn đề được cử tri quan tâm như Dự án đầu tư xây dựng tại Công viên Thống Nhất, chủ trương chuyển đổi mô hình chợ thành trung tâm thương mại, giải quyết việc làm cho người nghiện sau cai chưa được chất vấn tại phiên họp lần này.

Theo Lao Động