Top

Thành lập Tổng công ty Đền bù giải tỏa Việt Nam: Đòi hỏi từ thực tế

Cập nhật 21/03/2008 11:00

Ông Nguyễn Cảnh Hà - TGĐ Công ty TNHH An Thiên Lý cho biết, DN có dự án từ 6/2004 với tổng diện tích dự án 17,3 ha tại quận 9 TP HCM. Trong 9 tháng DN đã đền bù xong 17,2 ha, nhưng hơn 3 năm DN vẫn không giải phóng được mặt bằng chỉ vì vướng... 1 hộ dân với 1.000 m2. Dù DN có cố gắng đàm phán, hay tăng giá đất bồi thường lên nhưng đến nay dự án vẫn không thể đi vào thực hiện.

Ông Lê Hoàng Châu - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM cho rằng, phần lớn các DN đầu tư xây dựng cơ bản, xây dựng công trình công cộng cũng như các DN đầu tư dự án BĐS từ trước đến nay vẫn không thể khởi công thực hiện công trình theo đúng tiến độ hợp đồng. Nhiều công trình đã phải kéo dài thời gian khởi công chỉ vì vướng giải phóng mặt bằng. Cái khó hiện nay là bộ phận nhỏ người dân không hợp tác với DN trong khâu giải phóng mặt bằng, bởi dự án rơi vào tình trạng trạng treo chỉ vì không giải phóng được mặt bằng.

Với tiêu chí thành lập Tổng công ty Đền bù giải tỏa Việt Nam hướng đến DN tự thỏa thuận giá bồi thường hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hoặc góp vốn đầu tư bằng quyền sử dụng đất với người đang sử dụng đất theo cơ chế giá thị trường để giải phóng mặt bằng triển khai dự án.

Tuy nhiên trong trường hợp DN đã giải phóng mặt bằng được 80% diện tích đất dự án trở lên mà còn một số người sử dụng đất không đồng thuận trong việc đền bù thì đề nghị nhà nước có biện pháp thu hồi đất và hỗ trợ cho DN để giải phóng mặt bằng dự án. Mức giá bồi thường tối thiểu phải bằng mức giá bồi thường cao nhất cho cùng loại đất mà chủ đầu tư đã thực hiện tại dự án. Quyết định của tòa án phải được các bên có liên quan chấp hành thực hiện. UBND quận, huyện, phường xã phải tích cực hỗ trợ DN để thực hiện dự án công tác bồi thường giải phóng mặt bằng dự án.

Một cán bộ Ban Giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm khu Nam thừa nhận, việc thành lập Công ty chuyên khâu giải phóng mặt bằng là rất cần thiết. Bởi hầu hết tiến độ giải phóng mặt bằng tại các công trình trọng điểm tại TP HCM cũng như của cả nước đều chậm tiến độ so với kế hoạch. Điển hình nhất là công trình trọng điểm cầu Thủ Thiêm, hầm Thủ Thiêm bắc qua sông Sài Gòn nối quận I với quận II, quận Bình Thạnh. Cầu Sài Gòn đã khai thông nhưng đường dẫn lên cầu phía quận Bình Thạnh vẫn còn một số hộ gia đình không thể giải tỏa.

Cũng khó trong khâu đền bù giải phóng mặt bằng là công trình khu nhà ở liên hợp tại quận 9 cũng mới đo vẽ, áp dụng phương pháp đền bù theo khung giá mới cho 9 hộ dân bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, hầu hết các hộ dân này không đồng ý với đơn giá bồi thường của chủ đầu tư. Là một dự án phục vụ công trình công ích nên phải lập thủ tục thu hồi đất theo diện bắt buộc đối với các hộ dân này.

Để lý giải cho việc khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng, ông Nguyễn Cảnh Hà cho rằng, việc thu hồi đất của các chủ đầu tư với người sử dụng đất chưa bao giờ căng thẳng như hiện nay. Những quy định của dự thảo đưa ra nhưng nhà nước chỉ đứng ra đền bù ở các dự án lớn, còn các dự án nhỏ, đất phi nông nghiệp để tự DN đứng ra tự thương lượng đền bù với dân. Chính điều này đã vô tình đẩy DN vào hoàn cảnh khó khăn. Riêng các công trình phục vụ công ích, các công trình trọng điểm do Nhà nước quản lý còn gặp khó khăn thì việc tự đền bù của các DN phải tăng lên gấp nhiều lần.

Hầu hết các DN đầu tư phải "dĩ hòa vi quý với dân" để làm công tác đền bù giải tỏa. DN không chỉ làm 1-2 dự án mà hầu hết các DN có trong tay 5-7, và có những DN lớn có hàng chục dự án. Nếu tất cả các dự án đều vướng trong khâu đền bù GPMB, DN chỉ còn nước phá sản - ông Hà nói.

Theo nhiều DN với phương thức kinh doanh mới này sẽ xóa bỏ được những khu đất dự án hình răng cưa, răng lược cũng như sớm có đất sạch phục vụ các nhà đầu tư.

Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp