Top

Vốn mới FDI: Sẽ vượt ngưỡng 50 tỷ USD

Cập nhật 28/08/2008 16:00

Với những kết quả rất khả quan trong thu hút vốn FDI 8 tháng đầu năm 2008, TS Phan Hữu Thắng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) cho biết, con số 11 tỷ USD sẽ là vốn thực hiện phấn đấu trong năm 2008 và ông khẳng định nguồn vốn đăng ký cấp mới trong năm nay chắc chắn sẽ vượt ngưỡng 50 tỷ USD.

TS Phan Hữu Thắng đã dành cho PV một cuộc phỏng vấn về những vấn đề liên quan đến thu hút vốn FDI.

* Xin ông cho biết những kết quả đạt được trong thu hút vốn FDI tháng 8 và 8 tháng đầu năm?

Theo số liệu của chúng tôi, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm trong 8 tháng đầu năm đạt 47,158 tỷ USD với quy mô trung bình khoảng 70 triệu USD/dự án.

Riêng về cấp mới, trong tháng 8, cả nước có 118 dự án được nhận giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 1,827 tỷ USD. Tính chung 8 tháng đầu năm, con số tương ứng là 772 dự án và 46,324 tỷ USD, giảm 20,8% về số dự án nhưng tăng 416,4% về vốn đăng ký cấp mới so với cùng kỳ năm 2007.

Trong tháng này đã có thêm 22 lượt dự án tăng vốn với số vốn tăng thêm là 45 triệu USD. Tính chung 8 tháng, đã có 210 lượt dự án tăng vốn với tổng số vốn tăng thêm đạt 833,6 triệu USD, giảm 18,3% về số lượt dự án tăng vốn nhưng tăng 45% về vốn so với cùng kỳ năm ngoái.

Vốn FDI thực hiện trong tháng này cũng đạt 1 tỷ USD, đưa tổng vốn đầu tư nước ngoài thực hiện từ đầu năm đến nay lên 7 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ năm 2007.

Những kết quả khả quan trong thu hút vốn FDI cho thấy các nhà đầu tư đã cam kết bắt tay chung sức cùng Việt Nam vượt qua những khó khăn trước mắt.

* Nhưng dư luận cũng đang e ngại nếu vốn FDI vào nhiều sẽ tạo áp lực lớn đối với các vấn đề nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, tài nguyên đất đai... Quan điểm của ông như thế nào?

Nhìn tổng thể, việc FDI vào nhiều là tín hiệu rất đáng mừng. Chưa bao giờ đất nước lại có sức hấp dẫn đến như vậy mặc dù chúng ta đang phải đối mặt với một số khó khăn khách quan cũng như chủ quan.

Đây là nguồn lực lớn để phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong giai đoạn hiện nay và các giai đoạn sắp tới. Nếu thiếu nguồn vốn này thì chúng ta khó có thể đạt được các mục tiêu đã đặt ra, đặc biệt là mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước vào năm 2020.

Song, sự lo lắng trên là tất yếu khi người ta thấy sức hấp thụ của nền kinh tế có hạn. Tuy nhiên, theo tôi, việc nguồn vốn FDI vào nhiều liệu có vượt quá sức hấp thụ của nền kinh tế hay không, cần có phân tích nhiều chiều.

Lượng vốn khổng lồ này không thực hiện ngay trong một năm mà phải triển khai trong 5 năm trở lên. Lượng vốn thực hiện trên vốn đăng ký của năm 2008 dự kiến chiếm khoảng 20% là phù hợp với quy trình đầu tư. Tôi có thể khẳng định rằng, trước mắt, lượng vốn này chưa có tác động thực sự đến các giải pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ.

Đối với những yếu kém hiện nay về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực... thì FDI vào nhỏ giọt sẽ không tạo được sức ép mạnh trong việc thúc đẩy đầu tư phát triển các yếu tố đó.

Vì vậy, đây còn là cơ hội để chúng ta tăng cường năng lực trên nhiều phương diện. Như vậy, có thể nói, nguồn vốn này cũng sẽ góp phần hỗ trợ cho việc thực hiện hiệu quả các giải pháp kiềm chế lạm phát, duy trì tốc độ tăng trưởng, đặc biệt là các dự án đầu tư vào công nghiệp hướng đến xuất khẩu, thay thế nhập khẩu.

Chỉ có điều, thực tế này đòi hỏi những giải pháp thích hợp, quyết liệt, hiệu quả hơn. Trong kế hoạch 5 năm (2006-2010), Chính phủ cũng đã đặt ra mục tiêu này.

Thử lật lại vấn đề, nếu chúng ta đang muốn thu hút đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội, thu hút FDI mà không có nhà đầu tư nào vào thì điều đó còn đáng lo hơn nhiều.

* Trong hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, hình thức đầu tư gián tiếp đang có xu hướng phát triển mạnh lên. Vậy chúng ta đã có những chuẩn bị gì để đón đầu xu hướng này?

Có thể khẳng định rằng hình thức đầu tư trực tiếp vẫn là chủ đạo trong hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Bên cạnh đó, chúng ta mới cho phép hình thức đầu tư gián tiếp trong vòng 2 năm nay.

Cụ thể, từ khi có Luật DN và Luật Đầu tư mới thì hình thức Cty CP, hoạt động mua bán sáp nhập DN và thị trường chứng khoán mới hình thành và phát triển.

Hình thức đầu tư gián tiếp giúp nhà đầu tư tiết kiệm được thời gian nên đã trở thành xu hướng rất lớn trong đầu tư nước ngoài trên thế giới. Nhằm tạo điều kiện tốt nhất để đón đầu xu thế này, chúng ta đang có những bước chuẩn bị về mặt chính sách như đang tạo những cơ sở pháp lý ban đầu về việc thành lập Cty CP, Bộ KH-ĐT cũng đang chuẩn bị xây dựng nghị định về mua bán sáp nhập DN...

* Xin cảm ơn ông!

Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp