Top

Từ vụ đấu thầu 2 khu đất "kim cương": Tiền chảy về ngân sách

Cập nhật 21/12/2007 14:00

Sự kiện TPHCM tổ chức đấu thầu dự án 2 khu đất, được giới kinh doanh và đầu tư bất động sản đánh giá là một bước tiến bộ trong chính sách minh bạch về đất đai, góp phần thực hiện tính công bằng đối với môi trường đầu tư của TP.

Bước đầu thành công của cách làm này đã khẳng định một hướng huy động vốn hiệu quả để lấy vốn đầu tư cơ sở hạ tầng.

"Đất vàng" thăng hạng "kim cương"

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản giật mình trước giá mở thầu được công bố đối với hai dự án khai thác diện tích đất đầu tiên đưa ra đấu thầu. Các công ty rượt đuổi nhau để giành quyền khai thác bằng giá bỏ thầu rất cao, cũng như số tiền sẽ hỗ trợ vốn ngân sách TP.
 
Để giành quyền khai thác dự án tam giác ngay trung tâm quận 1 (Trần Hưng Đạo - Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Thái Học), liên doanh Lê Đại Nam - PetroLand - Rockingham Asset Management - Tài chính Dầu khí Việt Nam - Tổng Công ty Xây dựng số 1 đã bỏ thầu với giá tới 10.500 tỷ đồng, cùng với cam kết hỗ trợ ngân sách 328 tỷ đồng.
 
Ngoài ra, trong vòng 30 năm, kể từ năm thứ 21 của dự án trở đi, mỗi năm hỗ trợ thêm 20 tỷ đồng.

Đối với lô đất chợ Văn Thánh, có diện tích gần 6.000m2 nhưng rất nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn và bỏ giá rất sát nhau. Tổng Công ty cổ phần Vinaconex đưa giá dự thầu 1.400 tỷ đồng, với tiền hỗ trợ ngân sách 75 tỷ đồng.

Liên doanh Saigontourist - Phú Long đưa giá 1.100 tỷ đồng, hỗ trợ ngân sách 228 tỷ đồng. Công ty 584 bỏ thầu trên 1.300 tỷ đồng, hỗ trợ ngân sách gần 600 tỷ đồng…

Khi những thông tin về giá bỏ thầu được công bố, các doanh nghiệp nhận định, giá đất trên địa bàn TP sẽ tăng vì giá bỏ thầu như vậy rất cao. TP đang có nguồn quỹ đất khá lớn, nếu khai thác tốt thì quỹ đất này không phải là "đất vàng" mà là "đất kim cương", mang lại nguồn lực mới để xây dựng TP.
 
Cách làm qua hai dự án này cũng chuyên nghiệp hơn trước đây. Đó là việc TP chủ động đưa ra đề bài với từng dự án theo mục đích của mình, xây gì, độ cao bao nhiêu, tỷ lệ xây dựng... để các nhà đầu tư tính toán.

Bà Nguyễn Vân Nga, Trưởng phòng Hợp tác và Xúc tiến đầu tư Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cho biết, trong hồ sơ mời thầu, TP ra đề bài rất chi tiết nên có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm đến đăng ký tìm hiểu và mua hồ sơ thầu.

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài tuy có mua hồ sơ dự thầu nhưng không tham gia đấu thầu lần này cũng cho biết là sẽ tìm hiểu kỹ lưỡng để chuẩn bị cho các dự án sau.

Một giám đốc kinh doanh bất động sản có tiếng trên thị trường và cũng là một trong những doanh nghiệp đầu tiên trong ngành này niêm yết trên sàn chứng khoán cho rằng, bỏ giá như vậy, các doanh nghiệp này phải là những doanh nghiệp lớn, có dự án kinh doanh rất tốt và có kinh nghiệm quản lý giỏi mới dám toan tính. Các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trong nước và quy mô tầm tầm không thể với đến được.

Theo tính toán của ông, các doanh nghiệp trong nước do ngắn vốn nên thường đầu tư vào các dự án xây dựng căn hộ cao cấp và bán ngay để thu hồi vốn. Đầu tư xây dựng khách sạn, trung tâm thương mại, phải là các đại gia trường vốn, có kinh nghiệm, có khách hàng mới làm được. Có lẽ vì vậy mà lợi thế này đang nghiêng về các doanh nghiệp nước ngoài.
 
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận, các doanh nghiệp nước ngoài có nhiều kinh nghiệm, có khả năng thiết kế và giám sát thi công tốt, do vậy sẽ là một nhân tố rất tích cực góp phần chỉnh trang đô thị văn minh hiện đại.

Kênh huy động vốn hiệu quả

Trước đây, TPHCM cũng đã có những lô đất đưa ra đấu thầu quyền sử dụng đất và thu về cho ngân sách nguồn vốn không nhỏ. Tuy nhiên, nguồn lực này vẫn chưa được sử dụng hiệu quả. Từ thành công ban đầu của việc đấu giá hai dự án trên, đã đánh dấu một bước ngoặt mới trong kinh nghiệm huy động vốn của TP.

Có một số dư luận tiếc nuối đối với một vài dự án nằm ngay khu trung tâm, được giao chỉ định cho một vài doanh nghiệp khai thác mới đây. Những khu đất này nếu đem đấu thầu, có lẽ nguồn vốn bổ sung cho ngân sách để đưa vào đầu tư hạ tầng sẽ lớn hơn rất nhiều.

Kết quả giá bỏ thầu rất cao như vừa qua cho thấy, nhu cầu cần đất xây dựng là có thực và trong những lần bỏ thầu các khu đất còn lại tới đây, chưa ai dự đoán được giá cả sẽ tăng đến thế nào, nhất là khi có sự tham gia của các nhà đầu tư bất động sản lớn của nước ngoài.

Ngoài 20 dự án "đất kim cương" nằm trong khu vực trung tâm, TP có khoảng 400 dự án đất khác đang nằm trong danh sách sẽ đưa ra bán đấu giá để lấy vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật của TP. Bên cạnh đó, TP cũng đang yêu cầu rà soát tình hình quản lý và sử dụng mặt bằng chung trên địa bàn, kiên quyết thu hồi những lô đất sử dụng sai mục đích hay đang sử dụng lãng phí để bổ sung quỹ đất bán đấu giá.

Có thể nói rằng, lần đầu tiên TP thí điểm bán đấu thầu dự án hai lô đất này đã tạo nên một tiền lệ tốt, được các nhà đầu tư đánh giá cao về tính minh bạch, công bằng. Trong đó, còn rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài có tiếng tăm đang thăm dò để chuẩn bị cho các dự án tới đây.

Do vậy, với các khu đất càng gần trung tâm, các khu đất đắt hơn kim cương, khi được đưa ra bán đấu giá sẽ dự báo diễn biến đầy kịch tính trong thời gian tới. Đây có thể nói là một kênh huy động vốn hiệu quả cần được phát huy, rút kinh nghiệm để có những cách làm tốt nhất, hai bên (nhà đầu tư và TP) cùng có lợi.

Bởi vì không chỉ có đấu thầu các dự án đất, sắp tới TP còn nhiều công trình đầu tư hạ tầng giao thông cần huy động các nguồn vốn từ các thành phần kinh tế tư nhân bằng cách đấu thầu, nếu được thực hiện minh bạch và công bằng sẽ huy động được một nguồn lực rất lớn ngay trong các nhà đầu tư trong nước

Theo Sài Gòn Giải Phóng