Ngày 16-3-2009, cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an đã ra quyết định trưng cầu Viện Khoa học công nghệ xây dựng - Bộ Xây dựng giám định về chất lượng năm trụ và một mố cầu Chợ Đệm do Đội xây dựng số 7 Công ty cổ phần Xây dựng số 12 Thăng Long thi công.
Trước đó, ngày 5-12-2008, cơ quan CSĐT Bộ Công an phối hợp PC15 Công an Hà Nội và Sở Xây dựng TP.HCM đã kiểm tra việc thi công mố cầu A2 cầu Chợ Đệm (thuộc dự án đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương).
Đoàn đã phát hiện toàn bộ 48 ống sonic trong 12 cọc khoan nhồi nằm trong mố cầu A2 không được bơm vữa sika. Ba đối tượng trực tiếp chỉ đạo thi công gồm Dương Văn Khanh (Đội trưởng Đội 7), Nguyễn Ngọc Hà (cán bộ kỹ thuật) và Nguyễn Văn Sĩ (tư vấn giám sát công trình) đều đã thừa nhận hành vi này.
Về tác dụng của ống sonic chứa vữa sika bên trong, ông Đặng Khắc Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm định kỹ thuật an toàn xây dựng (Bộ Xây dựng), giải thích: Ống sonic chứa vữa sika bên trong (còn gọi là ống siêu âm) là một thiết bị chuyên dụng trong xây dựng, được đặt trong các cọc nhồi hoặc một số bộ phận khác của công trình xây dựng, có chức năng kiểm tra chất lượng công trình. Khi kiểm định chất lượng công trình, cơ quan kiểm định mang máy móc chuyên dụng đến đấu nối vào đầu các ống siêu âm sẽ biết được chất lượng của cọc nhồi như thế nào; có đầy đủ xi măng, sắt thép hay không; có đạt các tiêu chuẩn độ cứng, độ bền hay không; có bị ăn bớt vật liệu hay không.
Ông Tuấn nhận định: Hành vi của các đối tượng nói trên có thể nhằm “che mắt” cơ quan kiểm định. Trong thực tế, các đối tượng bớt xén vật liệu có thể tác động nhằm vô hiệu hóa ống siêu âm bằng hai cách: Cách thứ nhất là không bơm vữa sika vào cọc sonic nhằm vô hiệu hóa hoàn toàn tác dụng của ống siêu âm. Cách thứ hai là đặt ống siêu âm ngắn hơn so với chiều dài của cọc nhồi. “Ví dụ, cọc nhồi có chiều dài 40 m nhưng 20 m phía trên họ làm đảm bảo đủ xi măng, sắt thép; còn 20 m phía dưới họ tống các thứ ba lăng nhăng vào, sau đó họ chỉ đặt ống siêu âm dài 20 m trong nửa cọc phía trên thôi. Trường hợp này máy móc cũng chịu chết, không thể phát hiện ra được việc thi công gian dối”.
Theo ông Tuấn, việc kiểm định một số công trình thông qua ống siêu âm đã được áp dụng đại trà tại Việt Nam từ khoảng tám năm nay. Một trong những công trình xây dựng đầu tiên tại Việt Nam được áp dụng biện pháp kiểm định chất lượng một số bộ phận bằng ống siêu âm là cầu Thăng Long (Hà Nội) xây dựng vào đầu những năm 1980.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: