Top

"Lá phổi" của người Hà Nội đang nhỏ lại

Cập nhật 18/03/2009 13:40

Theo tiêu chuẩn được Thủ tướng phê duyệt, từ nay đến 2020, Hà Nội phải đạt 16m2 đất cây xanh công cộng/người, tổng diện tích đất công viên khoảng 4.000 ha. Như vậy, mỗi năm TP Hà Nội phải triển khai xây dựng mới khoảng 200-250 ha đất công viên vườn hoa.

PGS.TS. KTS Huỳnh Đăng Hy, Tổng Thư ký Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết như vậy tại Hội thảo khoa học "Khai thác hiệu quả công viên - vườn hoa TP Hà Nội" vừa tổ chức ngày 16/3 tại Hà Nội.

Diện tích đất công viên cho mỗi người quá thấp

Ông Huỳnh Đăng Hy dẫn giải, theo số liệu của chương trình phát triển đô thị tổng thể thủ đô Hà Nội do JICA lập năm 2006 thì hiện trạng đất công viên cây xanh tại 9 quận nội thành bình quân chỉ có 0,9m2/người, riêng Đống Đa, Gia Lâm chỉ đạt 0,05 m2/người.

Trước đó, năm 1998, khi lập quy hoạch điều chỉnh quy hoạch chung Hà Nội, hiện trạng đất công viên nội thành theo đầu người là 1,53m2/người, đất cây xanh chung của toàn thành là 1,26m2/người.

Như vậy, có thể thấy, đường đi tới "đích" đề ra đang theo hướng... thụt lùi!

PGS.TS Huỳnh Đăng Hy cho rằng, để có được một hệ thống công viên + vườn hoa, hay cả hệ thống thảm xanh của Hà Nội một cách hợp lý nhất có lẽ chúng ta hy vọng và phải chờ đến cuối năm 2009 - khi lập xong đồ án quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội theo địa giới hành chính mới.

Theo ông Hy, Hà Nội muốn đạt 16m2/người đất cây xanh công cộng, tức khoảng 4.000 ha vào năm 2020, thì mỗi năm TP Hà Nội phải triển khai xây dựng mới khoảng 200 -250 ha đất công viên vườn hoa.

Đồng nghĩa với việc TP phải có kế hoạch đầu tư, có kế hoạch hành động và phát triển nhiều công viên mới, không thể chờ các nhà đầu tư nước ngoài hay trong nước đến để liên doanh.

Ông Hy ví dụ, Nhà nước tạo quỹ đất, chuẩn bị kỹ thuật khu đất, (tôn nền, tạo hồ, làm đường bao quanh, tạo nên bộ khung của công viên...) còn việc trồng cây, chỉnh trang, xây dựng thì huy động sự đóng góp của cộng đồng, của nhà tài trợ.

"Phải làm dần, không thể ngồi chờ các nhà đầu tư tự đến để liên doanh xây dựng công viên" - ông Hy nói.

Cùng bàn về việc thực hiện chỉ tiêu diện tích cây xanh công cộng nội thành bình quân đầu người "thụt lùi", PGS.TS. KTS Hà Tất Ngạn cho rằng, nguyên nhân chung khiến mục tiêu và kết quả ngày càng cách xa nhau là do vì kết quả thu được từ mặt tài chính hoặc sự... dốt nát về khoa học!



PGS.TS.KTS Hàn Tất Ngạn thấy mình bị khó thở
do nguồn cung cấp ôxy duy nhất trên trái đất là
cây xanh dần dần bị thu hẹp! (Ảnh: Kiều Minh).

Hoạt động trong công viên nghèo nàn là lý do để bị... thôn tính!

PGS.TS. KTS Huỳnh Đăng Hy, Tổng Thư ký Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam bày tỏ về chủ trương liên doanh xây dựng công viên là: không hợp lý, các nhà đầu tư chỉ tập trung xây dựng các công trình dịch vụ trong công viên để kinh doanh sẽ làm méo mó nội dung hoạt động của công viên, dễ biến công viên thành... vườn cạnh công trình kinh doanh!

Theo đó, hiện trạng xây dựng công viên nam Thành Công, công viên Tuổi trẻ, công viên Bách thú... là những ví dụ xấu, xu hướng này cũng đang được triển khai ở công viên Yên Sở, hồ Tây... cần được ngăn chặn.

Cũng về vấn đề các công trình trong công viên, PGS.TS.KTS Phạm Hùng Cường, (ĐH Xây dựng) cho rằng, thông thường có 2 loại hình công viên là công viên tổng hợp (công viên trung tâm) và công viên chuyên đề. Theo đó, công viên tổng hợp chủ yếu là phúc lợi xã hội, phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi giải trí của người dân, mục tiêu lợi nhuận không phải hàng đầu - còn các công viên chuyên đề (công viên nước, công viên lịch sử, công viên Disneyland...) có thể đặt mục đích lợi nhuận lên trên bên cạnh việc tạo môi trường xanh.

Ông Cường đánh giá, nước ta hiện nay nhiều công viên tổng hợp chưa đáp ứng được mục tiêu dẫn đến giảm đi vai trò của một công viên trong đô thị do vị trí công viên đặt trong trung tâm có giá trị đất cao nên là đối tượng của các hạng mục khác xâm chiếm. Các công trình dịch vụ bao quanh công viên Thủ Lệ, công viên Tuổi trẻ, công viên Thống Nhất là thể hiện lợi ích to lớn của công viên đối với đời sống xã hội và môi trường đô thị đang bị các lợi ích cục bộ khác lấn át.

Ông Cường cũng nêu, các hoạt động trong công viên còn nghèo nàn là nhược điểm phổ biến của nhiều công viên hiện nay, điển hình là công viên Thống Nhất, hầu như chỉ các hoạt động riêng lẻ mà rất ít tổ chức các hoạt động có tính chất cộng đồng, theo các sự kiện chung của TP. Theo ông Cường, đây chính là lý do các chức năng khác muốn thôn tính với lý do sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn các hiệu quả xã hội mà các công viên đó đạt được.

Theo đó, Hà Nội với hệ thống cây xanh, hồ nước phong phú có thể thực hiện được mục tiêu thành đô thị trong công viên, gắn với môi trường, thành TP xanh - sạch - đẹp, nhưng trước hết các công viên trung tâm phải trở về với đúng các ý nghĩa xã hội và ý nghĩa môi trường cảnh quan của nó.

Chỉ tiêu diện tích cây xanh công cộng nội thành bình quân đầu người nhiều TP trên thế giới đã đạt rất cao, như: Nhật Bản 7,5m2/người, Lodon 26,9m2/người, Berlin 27,4m2/người, NewYork 29,3m2/người, Matxcơva 24m2/người...


Về chính sách pháp luật liên quan đến vấn đề này, GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh:

Nghị định 181 (Điều 6, mục 5 khoản b, Nghị định 181 Hướng dẫn thi hành Luật đất đai 2003) quy định rõ: "Đất sử dụng vào mục đích công cộng là đất sử dụng vào mục đích xây dựng công trình đường giao thông, cầu, cống, vỉa hè, cảng đường thuỷ, bến phà, bến xe ô tô, bãi đỗ xe, ga đường sắt, cảng hàng không; hệ thống cấp nước, hệ thống thoát nước, hệ thống công trình thuỷ lợi, đê, đập; hệ thống đường dây tải điện, hệ thống mạng truyền thông, hệ thống dẫn xăng, dầu, khí; đất sử dụng làm nhà trẻ, trường học, bệnh viện, chợ, công viên, vườn hoa, khu vui chơi cho trẻ em, quảng trường, sân vận động, khu an dưỡng, khu nuôi dưỡng người già và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, cơ sở tập luyện thể dục - thể thao, công trình văn hoá, điểm bưu điện - văn hoá xã, tượng đài, bia tưởng niệm, nhà tang lễ, câu lạc bộ, nhà hát, bảo tàng, triển lãm, rạp chiếu phim, rạp xiếc, cơ sở phục hồi chức năng cho người khuyết tật, cơ sở dạy nghề, cơ sở cai nghiện ma tuý, trại giáo dưỡng, trại phục hồi nhân phẩm; đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng hoặc được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định bảo vệ; đất để chất thải, bãi rác, khu xử lý chất thải;"

"Quy định về đất công cộng tại Nghị định 181 không có từ nào dành cho... khách sạn!" - ông Võ khẳng định. Như vậy, vị chuyên gia về các vấn đề pháp luật liên quan đến đất đai này cho rằng, đất công cộng cao nhất là thu phí chứ không phải là kinh doanh thu lợi nhuận, ngay cả việc chuyển đổi mục đích đất này cũng rất phức tạp, không phải TP quyết là được.

Ông Đặng Hùng Võ nhấn mạnh, hệ thống quy định pháp luật đất đai thực thi đến nay không có ý kiến nào cho rằng sai - nên những gì sai với "nó" thì là... sai luật!


DiaOcOnline.vn - Theo VTC News