Top

Tránh gây sốc thị trường bất động sản

Cập nhật 19/02/2008 08:00

Đó là ý kiến của một số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trong cuộc gặp mặt đầu năm diễn ra sáng 18-2, do Hiệp hội Kinh doanh bất động sản TP.HCM tổ chức, với sự tham dự của Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân.

Hiện đang có quá nhiều thông tin về chính sách vĩ mô có thể gây bất lợi cho thị trường bất động sản khiến các nhà đầu tư lo lắng.

Nhiều liều thuốc đắng

Theo phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu, ngay đầu năm Chính phủ đã ban hành chỉ thị 01 (về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển và quản lý thị trường bất động sản). Đồng thời Ngân hàng Nhà nước cũng buộc các ngân hàng mua 20.300 tỉ đồng tín phiếu, hạn chế cho các nhà đầu tư vay vốn mua bất động sản. Gần đây có thông tin cơ quan chức năng sẽ đánh thuế lũy tiến vào những người có nhiều nhà đất...

Ông Châu cho rằng nếu đánh thuế lũy tiến vào nhà đất là "liều thuốc quá mạnh" đối với thị trường bất động sản. Việc điều tiết để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh là cần thiết nhưng thực tế thị trường còn non trẻ, nên có chính sách điều tiết từ từ, không gây sốc cho thị trường.

Giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản khác cho rằng nếu thị trường bất động sản đang như con ngựa bất kham thì lỗi do người cầm cương hoặc cần có nài ngựa. Khi thị trường lạnh thì không ai cứu, nhưng khi phát triển nóng thì siết lại quá sâu thay vì tính toán những giải pháp làm cho thị trường phát triển tốt hơn.

Theo Hiệp hội Bất động sản TP, hiện nay thị trường địa ốc phát triển nóng một phần nguyên nhân là do khan hiếm hàng. Do vậy để hạ nhiệt, TP cần có chính sách cải tiến thủ tục các dự án nhà ở để tăng thêm nguồn cung. Bên cạnh cần đẩy nhanh tiến độ qui hoạch sử dụng đất.

Lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản TP cho rằng đang có sự "không công bằng" trong chuyện này giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đối với doanh nghiệp nước ngoài, với thời gian thuê đất 50 năm thì tiền thuê đất cũng chưa bằng tiền sử dụng đất mà doanh nghiệp trong nước phải đóng khi làm dự án.

"Nóng" quá thấy lo

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân, VN nói chung và TP.HCM nói riêng đang nằm trong nhóm có thị trường bất động sản phát triển "nóng" nhất thế giới. Đứng ở khía cạnh phát triển kinh tế, đây là điều đáng mừng nhưng ở góc độ quản lý ông nói cảm thấy rất lo. Lo là giá bất động sản quá cao trong khi thu nhập của người dân còn thấp, cả nước đang phấn đấu đến cuối năm 2008 mới thoát khỏi nhóm các nước nghèo. Đây là điều mâu thuẫn.

Ông Quân cũng nêu bài học phát triển thị trường bất động sản ở Thái Lan những năm 1990 và ở Mỹ mới đây để dẫn chứng với các doanh nghiệp. Ông nói nếu Nhà nước không có chính sách can thiệp kịp thời, để giá nhà đất thành "bong bóng" thì nguy cơ ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế.

Ai cũng làm căn hộ cao cấp

Theo Chủ tịch Lê Hoàng Quân, hiện Hiệp hội Bất động sản TP có hơn 600 doanh nghiệp thành viên, còn tính toàn TP thì có khoảng 5.000 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Thế nhưng hầu hết doanh nghiệp đều nhắm đến thị phần nhà ở cao cấp. Ông cho rằng phải tính toán kỹ nhu cầu của loại hình nhà ở này. Điều ông trăn trở là làm sao mọi người dân ở TP đều phải có nhà ở, do vậy cần quan tâm hơn nữa đến nhà ở cho người thu nhập thấp.

Chủ tịch Lê Hoàng Quân chỉ đạo Sở Qui hoạch - kiến trúc, Sở Xây dựng và Hiệp hội Bất động sản TP cần xây dựng các tiêu chí về căn hộ như thế nào là cao cấp, thế nào là căn hộ loại A, B, C...để làm cơ sở trong việc mua bán, giao dịch. Ông nhắn nhủ: trong kinh doanh, chữ tín phải đặt lên hàng đầu.

Ông Quân nói sẽ làm việc với Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên - môi trường và Bộ Tài chính để bàn về chính sách đối với nhà đất như kiến nghị của Hiệp hội Bất động sản TP. Về cải tiến thủ tục hành chính, ông khẳng định: để các dự án nhà ở trong khu qui hoạch triển khai trong thời gian tốt nhất là vấn đề mà TP rất quan tâm. Ông giao cho các sở ngành liên quan xem xét, cải tiến thủ tục trong lĩnh vực này để các dự án sớm triển khai, không gây khó khăn cho nhà đầu tư.

Kiến nghị chính sách bình đẳng

Hiệp hội Bất động sản kiến nghị các ngành liên quan xem xét chính sách cho các doanh nghiệp trong nước được thuê đất làm dự án, giảm bớt khâu trung gian là giải phóng mặt bằng nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án, tăng nguồn cung cho thị trường. Khi người mua có nhu cầu cấp giấy chủ quyền thì phải đóng tiền sử dụng đất, tương tự như những dự án nhà ở của các doanh nghiệp nước ngoài.