Top

Mảng thị trường BĐS nào sẽ lên ngôi trong năm 2008?

Cập nhật 18/02/2008 15:00

Theo nhận định của cơ quan chức năng Bộ xây dựng, năm 2008 giá và số lượng giao dịch nhà đất trên cả nước sẽ tăng lên, cá biệt có nhiều khu vực tăng rất cao. Xu hướng này có thể còn kéo dài trong những năm sau.

Thị trường căn hộ, văn phòng hay trung tâm bán lẻ sẽ lên ngôi?

Năm 2007 vừa qua, thị trường BĐS Việt Nam tăng nóng là do những tác động trực tiếp từ việc đầu tư nước ngoài tăng nhanh, nhu cầu mặt bằng thương mại, đất đặt nhà máy, văn phòng và nhà ở cho công nhân viên của các công ty tăng mạnh.

Trong năm 2007, thị trường văn phòng vẫn không đủ cung trên cả nước, giá thuê tăng chóng mặt mà vẫn không đủ nhu cầu nên đòi hỏi các công ty buộc phải xem xét đến các giải pháp khác như là phát triển ra phía ngoài khu vực trung tâm nhằm chiếm giữ vị trí.

Theo một điều tra mới nhất vừa được công ty quản lý và tiếp thị bất động sản chuyên nghiệp CB Richard Ellis Việt Nam (CBRE) công bố, nguồn cung diện tích dành cho văn phòng hạng A ở các thành phố lớn mới đáp ứng khoảng 30% nhu cầu. Hiện giá thuê văn phòng hạng A khoảng 65 - 70 USD/m2/tháng chưa kể phí dịch vụ và thuế giá trị gia tăng.

Mức giá này được xem là cao tại Việt Nam, tuy nhiên vẫn thấp hơn rất nhiều so với giá thuê tại các tòa nhà ở các thị trường khác trong khu vực như Hong Kong (Tòa nhà IFC có giá thuê 242 USD/m2) hay Singapore (Tòa nhà One Raffles Quay có giá thuê 159 USD/m2).

Còn thị trường căn hộ cho thuê năm 2007 bị hạn chế về nguồn cung và trong năm 2008 sẽ không có gì khác biệt, điều này gây ra sự thiếu hụt cho thị trường căn hộ chi phối thị trường mua để cho thuê (các nhà đầu tư tư nhân mua căn hộ với mục đích cho người nước ngoài thuê lại).

Riêng tại Hà Nội sẽ có thêm hai dự án căn hộ cho thuê ra đời vào năm 2008 là Ascott và Frasers. Hai dự án này sẽ góp thêm 463 căn hộ vào thị trường với giá thuê 30 - 40 USD/m2. Không có dự án mới nào tại thành phố Hồ Chí Minh nên giá cả cho các căn hộ trung bình sẽ ở mức 40 - 45/m2 và các căn hộ diện tích nhỏ hơn sẽ được ưa chuộng.

Thị trường khách sạn và resort sẽ không có thêm nguồn cung nào ở các thành phố lớn, bởi các nhà đầu tư chỉ chú ý tới các khu vực du lịch như Đà Nẵng, Biển Đông, Phú Quốc, sắp tới là Long Hải, vịnh Hạ Long và Huế. Tuy nhiên, thị trường khách sạn và resort cũng sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư và các tập đoàn khách sạn quốc tế nhưng chưa dự án nào được hoàn thành trong năm 2008. Một vài khách sạn năm sao nổi bật sẽ được khánh thành vào năm 2009 gồm có Intercontinental trong Asiana Plaza, Times Square và Saigon Happiness Square.

Bốn năm tới, CB Richard Ellis ước tính thành phố lớn nhất Việt Nam cần khoảng 10.000 phòng khách sạn. Cùng thời gian này, tại các thành phố như Đà Nẵng, Nha Trang, hàng loạt dự án về khách sạn và resort được đầu tư bởi các tập đoàn quốc tế.

Thị trường đất công nghiệp là mảng thị trường chiếm tới gần 60% FDI, cũng được nhắc đến gần đây. Mảng thị trường này sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa với ngày càng nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư Mỹ tìm cách thâm nhập vào thị trường Việt Nam mong tận dụng được lực lượng lao động trẻ có tay nghề cùng với các chính sách ưu đãi từ Chính phủ.

Trong tương lai, các dự án tổ hợp đa năng có quy mô lớn sẽ được phát triển tại các khu vực bên ngoài trung tâm thành phố như khu vực quận Tân Bình (C.T Plaza), quận 11 (Saigon Palace), quận 7 (Phú Mỹ Hưng với 10 tòa tháp) tại thành phố Hồ Chí Minh và tại  khu vực Hồ Tây, Mỹ Đình (Hà Nội) như dự án Keangnam Hanoi Landmark Tower trên đường Phạm Hùng, The Landmark trên đường Liễu Giai, dự án Hanoi Indochina Plaza trên đường Xuân Thủy...

Trong thời gian tới, thị trường bán lẻ tại Việt Nam sẽ sớm trở thành một trong những thị trường hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài với lợi thế dân số trẻ và nguồn tiền nhàn rỗi trong dân ngày càng tăng. Những áp lực trên thị trường bán lẻ đang đẩy giá thuê tăng cao.

CB Richard Ellis dự đoán giá thuê bán lẻ trung bình trong năm 2008 ở tầng trệt sẽ lên tới 200 USD/m2/tháng. Trong năm 2008, thành phố Hồ Chí Minh chỉ có một dự án mới là Saigon Happiness Square ở quận 1 cùng với các cửa hàng bán lẻ khác ở các quận ngoại thành như Tân Bình, quận 11, và Saigon Paragon ở quận 7.

Thị trường Hà Nội sẽ tăng cao về cầu và thiếu nguồn cung. Hiện tại, Hà Nội chưa có khu vực mua sắm mới nào; trung tâm mua sắm lớn nhất với 130.000 m2 diện tích bán lẻ với giá thuê cao vào khoảng 120 USD/m2/tháng tính tại thời điểm cuối năm 2007.

CB Richard Ellis dự đoán rằng giá thuê còn tăng cao nữa ở các khu vực trung tâm trong 2008. Năm 2009, theo cam kết với WTO, các hãng bán lẻ được sở hữu 100% vốn nước ngoài, điều này sẽ càng tạo nên áp lực lớn trên thị trường vốn đã khan hiếm diện tích.

Thị trường BĐS Việt Nam đang “hút” các nhà đầu tư ngoại lẫn nội

Hiện tại, làn sóng đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục mạnh mẽ đổ vào thị trường BĐS Việt nam gồm các đại gia đến từ Trung Đông như IFA, Kingdom Hotel Investment..., các tập đoàn xây dựng và đầu tư lớn từ Nhật Bản, Hàn Quốc... cùng các quỹ đầu tư với nguồn lực tài chính lớn mạnh như Indochina Capital, Vina Capital... đã có những dự án đầu tư bất động sản và tiếp tục có kế hoạch phát triển trong thời gian tới.

Tuy đầu tư nước ngoài tăng mạnh nhưng đã không làm cản trở các nhà đầu tư trong nước tiến hành các kế hoạch đầu tư của mình. Gần đây các tên tuổi lớn trong nước như FPT, Viglacera, Lilama, Hapro, Bitexco... đều thành lập các công ty để tập trung đầu tư và phát triển lĩnh vực bất động sản. Thế mạnh của họ chính là việc sở hữu các khu đất tại những vị trí đẹp bên cạnh các điểm mạnh khác như tên tuổi, uy tín, kinh nghiệm, mạng lưới quan hệ, am hiểu phong cách làm việc và văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam.

DiaOcOnline.vn