Top

TPHCM muốn nới “chiếc áo” phân cấp

Cập nhật 18/12/2008 08:35

TPHCM kiến nghị được tạo nguồn thu mới và không phải điều tiết về Trung ương trong một thời gian nhất định để dùng đầu tư hạ tầng giao thông.

Sau 7 năm thực hiện Nghị định 93/2001/NĐ-CP của Chính phủ về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho TPHCM, TP đang muốn kiến nghị mở rộng thêm một số lĩnh vực phân cấp. Tại hội thảo góp ý về phân cấp cho TPHCM do Sở Nội vụ TP tổ chức sáng 17-12, nhóm lĩnh vực quản lý ngân sách Nhà nước được quan tâm nhiều nhất.

Nhiều quyền tự chủ tài chính hơn

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Châu Minh Tỷ, TP kiến nghị được tạo nguồn thu mới và không phải điều tiết về Trung ương trong một thời gian nhất định. Các nguồn thu này sẽ do HĐND TP thông qua và sử dụng vào đầu tư hạ tầng giao thông, gồm một số khoản phí, lệ phí như: phí giao thông, lệ phí đánh vào ô tô, xe máy đăng ký/lưu thông trên địa bàn TP; các khoản thu từ bất động sản, sử dụng hạ tầng đô thị; và các khoản thu có tính chất thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào kinh doanh vũ trường, nhà hàng, karaoke... Ngoài ra, TP cũng kiến nghị phân cấp cho HĐND TP quyết định mức thu các loại phí, lệ phí cho phù hợp với thực tế, không bị khống chế bởi khung giá của Bộ Tài chính; quy định tỉ lệ % để lại cho đơn vị thu phí; được trích 5%-10% tổng nguồn thu xuất nhập khẩu hằng năm để phát triển hạ tầng...

Đề xuất đáng chú ý nhất của TP là thí điểm Công ty Đầu tư tài chính để quản lý, khai thác các nguồn vốn Nhà nước trong các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước, đầu tư chứng khoán của Nhà nước... Đa số đại biểu tán đồng mô hình này vì “thấm thía” việc làm ra nhiều tiền nhưng vẫn phải xin. Ông Sử Ngọc Anh, Phó Chủ tịch UBND quận 5, nói: “Tuy quận 5 chưa bằng quận 1, quận 10 nhưng tiền thu thuế hằng năm cũng xấp xỉ 1.000 tỉ đồng. Vậy mà nộp ngân sách rồi, phải ngửa tay xin lại 60-80 tỉ đồng/năm”.

Tuy nhiên, ông Châu Minh Tỷ cho biết mô hình trên đang bị vướng do Bộ Tài chính vẫn muốn chuyển giao phần vốn Nhà nước cho các tổng công ty Trung ương.

Tự quyết giá đền bù, mức xử phạt...


Ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP, nhắc lại khó khăn muôn thuở về đền bù giải phóng mặt bằng: “Tuy Thủ tướng đã đồng ý tách đền bù giải phóng mặt bằng ra làm dự án riêng, nhưng vướng mắc lớn nhất vẫn là khái niệm “đền bù theo giá thị trường trong điều kiện bình thường”. Do thiếu tiêu chí xác định nên dự án tại khu Eden, quận 1 có tổng giá đền bù 1 m2 cho tất cả các tầng là 770 triệu đồng, còn tầng trệt là 350 triệu đồng/m2 mà người dân vẫn không chịu. Hay như khu đô thị mới Thủ Thiêm, theo tính toán của quận 2, phải bỏ thêm khoảng 30.000 tỉ đồng đền bù. TP nên kiến nghị được thí điểm xây dựng các tiêu chí xác định giá thị trường theo từng thời điểm. Chúng ta có thể tham khảo cách làm của Hàn Quốc: Công khai các doanh nghiệp và tiêu chí thẩm định giá. Người bị thu hồi đất và chủ đầu tư có thể thuê hai công ty thẩm định riêng, giá nào cao hơn sẽ được áp dụng”.

Còn ông Trần Hữu Trí, Phó Chủ tịch UBND quận 6, cho rằng TP nên đề xuất để tự quy định mức tiền phạt trong lĩnh vực xây dựng, môi trường. “Mức phạt tối thiểu đối với hành vi xây dựng không phép 200.000 đồng không là gì đối với TPHCM nên không mang tính răn đe”. Ông Trí đề xuất thêm: “Trước đây, ranh giới của phường 10 và phường 11, quận 6 là một con rạch, nhưng nay là công viên. Quận 6 kiến nghị điều chỉnh địa giới hành chính đã lâu mà chưa có kết quả vì việc này phải do Thủ tướng quyết. Việc này TP cũng nên kiến nghị phân cấp”.

Coi chừng hậu quả lớn hơn hiệu quả!

Đối với nhóm lĩnh vực tổ chức bộ máy và quản lý cán bộ công chức, ông Trương Văn Non, Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, đề xuất: “Với mức sống, giá cả của TPHCM thì lương cơ bản không thể sống nổi. Thu nhập bình quân cả nước là 700 USD/người/năm, còn TPHCM là 1.700 USD/người/năm. Do đó, TP nên xây dựng thêm hệ số k để hỗ trợ”. Ông Non cũng cảnh báo một nguy cơ không hề mới: “TP đề nghị được phân cấp nhiều hơn thì cũng phải chuẩn bị đào tạo cán bộ, bổ sung biên chế, tránh chuyện hậu quả còn lớn hơn hiệu quả!”.

Tương tự, ông Sử Ngọc Anh lưu ý: “Phân cấp ào ào mà không hướng dẫn cấp dưới khá phổ biến hiện nay. Theo tôi, những lĩnh vực sát dân hãy phân cấp cho quận, huyện, những vấn đề chuyên môn nên để sở, ngành đảm nhiệm”.

Những đề xuất trên sẽ được Sở Nội vụ tổng hợp trình UBND TP thông qua trước khi chính thức đề xuất với Thủ tướng Chính phủ trong thời gian ngắn.

Thêm quyền trong quản lý nhà đất

Trong nhóm lĩnh vực quản lý nhà đất và hạ tầng kỹ thuật đô thị, nhiều kiến nghị nhấn mạnh quyền của TP đối với các tổ chức, doanh nghiệp Trung ương trên địa bàn TP như: được thu hồi đất của doanh nghiệp (cả Trung ương và địa phương); phải di dời khỏi nội thành theo quy hoạch; kiểm kê và thu hồi mặt bằng không sử dụng quá một năm đối với tất cả các đối tượng sử dụng đất trên địa bàn; thu hồi những tài sản của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Trung ương quản lý đặt tại địa phương sai mục đích, sai quy định Nhà nước...


Đề nghị phân cấp bốn nhóm lĩnh vực

1. Quản lý quy hoạch, kế hoạch đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội.

2. Quản lý ngân sách Nhà nước.

3. Quản lý nhà, đất và hạ tầng kỹ thuật đô thị, trật tự đô thị, tổ chức bộ máy và quản lý cán bộ, công chức.

4. Cho phép TP thí điểm những định chế mới.


DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động