Top

TP Hồ Chí Minh: Quá nhiều dự án trì trệ

Cập nhật 14/04/2008 09:00

Hôm nay là hạn chót để các quận - huyện, sở - ngành gởi danh sách phân loại cụ thể các dự án để Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH - ĐT) cùng Sở Tài chính và Kho bạc TPHCM kiểm tra lại và trình UBND TP quyết định cắt giảm những dự án chưa cần thiết. Đây là công việc cấp thiết để góp phần kiềm chế lạm phát theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Những đơn vị tiên phong

Quận Tân Phú là địa phương đầu tiên đề xuất danh mục các dự án phải cắt giảm trong năm nay. Ông Phan Tấn Lực, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Phú, đã mạnh dạn đề nghị với Sở KH-ĐT cho quận Tân Phú được cắt 6 dự án trên tổng số 38 dự án được TP ghi vốn đầu tư trong năm 2008. Số dự án bị cắt sẽ được chuyển qua năm 2009 đầu tư tiếp.

Hầu hết các dự án này đều là dự án giao thông như nâng cấp đường Nguyễn Hữu Dật, đường nối từ Chế Lan Viên đến đường nối Trường Chinh - Nguyễn Hữu Dật, đường nối từ Trường Chinh đến Dương Đức Hiền (khu 71 căn)... “Lý do quận Tân Phú chọn cắt những dự án này vì vướng đền bù giải tỏa và chưa chuẩn bị đủ quỹ nhà tái định cư nên công trình chưa khởi công được”- ông Lực giải thích. Theo Ban Quản lý (BQL) dự án quận Tân Phú, tổng vốn đầu tư cho 6 dự án này khoảng 12,5 tỉ đồng.

UBND huyện Bình Chánh cũng đề xuất TP cho cắt một dự án là công trình cầu Bà Bộ (xã Tân Kiên). Dự án này được TP ghi vốn đầu tư trong năm 2008 là 3 tỉ đồng để đền bù giải tỏa. Ông Lê Minh Huệ, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho biết dự án cầu Bà Bộ hầu như chưa đụng đến công tác đền bù nên cắt là hợp lý! Trong năm 2008, huyện Bình Chánh được TP ghi vốn đầu tư 43 công trình với số tiền gần 50 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo ông Huệ, số dự án phục vụ dân sinh như trường học, cầu đường chiếm hầu hết (28/43 dự án) nên không thể dừng mà phải cố gắng đầu tư hết.

Sở Tài nguyên-Môi trường TP cũng đã đề xuất Sở KH-ĐT cắt giảm hai dự án là dự án khu văn phòng các cơ quan bảo vệ môi trường phía Nam và dự án nâng cấp chất lượng công trình xử lý rác Gò Cát. Số tiền được ghi vốn đầu tư cho hai dự án này trong năm 2008 là 3,2 tỉ đồng.

Kiên quyết với dự án chưa cần thiết

Theo báo cáo của Kho bạc TP, tiến độ giải ngân trong quý I/2008 các dự án đầu tư có nguồn vốn từ ngân sách TP rất chậm. Nhiều đơn vị chưa giải ngân đồng nào như quận 1, 8, Phú Nhuận, các sở Bưu chính-Viễn thông, Giáo dục - Đào tạo, Văn hóa - Thông tin... Ngoài ra, còn có nhiều đơn vị chỉ mới giải ngân chưa tới 10% khối lượng công trình. Ông Quách Thái Thuận, Giám đốc BQL dự án quận 8, lý giải: “Do giá nguyên vật liệu tăng, nhiều công trình không có ai tham gia đấu thầu nên công trình không khởi công được!”.

Gỡ rối khó khăn này, mới đây UBND TP đã có quy định hướng dẫn cho các chủ đầu tư điều chỉnh tăng giá vật liệu để tổ chức mời thầu và đẩy nhanh tiến độ dự án. Một cán bộ BQL dự án quận Tân Phú cho biết sau khi điều chỉnh giá vật liệu thì hồ sơ dự toán công trình cũng phải điều chỉnh. Vì vậy tiến độ giải ngân chỉ có thể nhích lên trong quý II.

Tuy nhiên, ông Thái Văn Rê, Giám đốc Sở KH-ĐT, kiên quyết: “Tiến độ giải ngân chậm có nhiều lý do, nhưng Sở KH-ĐT sẽ cùng Sở Tài chính, Kho bạc TP rà soát để làm rõ nguyên nhân giải ngân chậm ở từng dự án. Dự án nào đăng ký mà không làm thì phải cắt giảm để đầu tư cho dự án cấp thiết khác. Nếu chủ đầu tư nghiêm túc cắt giảm dự án chưa cần thiết thì số tiền tiết kiệm cho ngân sách TP là không nhỏ. Do đó, Sở KH-ĐT sẽ kiên quyết cắt giảm những dự án chưa cần thiết và không hiệu quả sau khi các đơn vị có danh sách thống kê”.

Những đơn vị giải ngân 0% (tính đến hết quý I/2008)

Quận 1 có tổng số 4 dự án được ghi vốn trên 139 tỉ đồng năm 2008, nhưng đến nay khối lượng giải ngân đạt 0%; quận 8 có 31 dự án được ghi vốn gần 116 tỉ đồng, giải ngân đạt 0%; Sở Bưu chính-Viễn thông có 3 dự án với vốn ghi 55 tỉ đồng, khối lượng giải ngân 0%; Sở Tài nguyên - Môi trường có 24 dự án, vốn ghi 143 tỉ đồng, khối lượng giải ngân 0%.

Nhiều đơn vị có tiến độ giải ngân chưa tới 1% như: quận Tân Phú, Thủ Đức, huyện Bình Chánh, Sở Xây dựng.


Theo Người Lao Động