"Năm 1991, Quốc hội điều chỉnh giảm địa giới của Hà Nội còn 921 km2, trả lại 7 huyện cho Hà Tây, trong đó có thị xã Sơn Tây. Tính ra, Hà Nội đã có ít nhất 3 lần điều chỉnh địa giới", TS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, trao đổi với Báo giới.
* Là người làm quy hoạch lâu năm ở Hà Nội, ông suy nghĩ gì trước đề xuất mở rộng thủ đô của Bộ Xây dựng?
Đối chiếu với chức năng mà trung ương giao cho thì Hà Nội đứng trước sức ép lớn. Kinh tế mới chiếm 10% GDP trong khi TP HCM chiếm 20%. Các trường đại học thì phân tán, sân bay quốc tế Nội Bài mới có công suất 2 triệu hành khách một năm, cần nâng cấp lên 5 triệu hành khách. Thành phố một triệu dân thì phải có tàu điện ngầm nhưng thực tế thủ đô chưa có.
VN xếp thứ 13 trên thế giới về đông dân, ở Hà Nội bình quân có 3.600 người sống trên một km2, gấp 13 lần chuẩn của thế giới. Do vậy, mở rộng thủ đô là tất yếu, phù hợp quy luật khách quan. Tôi không bất ngờ, không sốc như nhiều người.
Năm 2000, Nghị quyết của Bộ chính trị, Pháp lệnh về phát triển thủ đô xác định rõ chức năng của Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị quốc gia, trung tâm văn hóa giáo dục khoa học, trung tâm lớn về kinh tế, giao lưu quốc tế cả khu vực. Do vậy, đề án mở rộng HN đã tính đến, riêng tôi đã trình thành phố 4 phương án mở rộng thành phố, cũng có hướng mở về phía Tây.
* Thủ đô Hà Nội đã nhiều lần được mở rộng về Hà Tây rồi lại tách ra, xin ông cho biết tại sao?
Hà Nội với vai trò là thủ đô của đất nước, đã có không ít lần điều chỉnh ranh giới, mỗi lần điều chỉnh là xác định lại chức năng, nhiệm vụ của thủ đô, đặc biệt là tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội.
Khi giải phóng thủ đô, Hà Nội rộng 152km2 với 530.000 dân. Chúng ta bắt đầu xây dựng thủ đô từ thành phố tiêu thụ sang thành phố có sản xuất công nghiệp. Tháng 4/1961, Quốc hội phê duyệt mở rộng địa giới lên 584 km2, với 910.000 dân. Trải qua nhiều thời kỳ, sau khi thống nhất đất nước, đến năm 1978, một lần nữa cơ quan chức năng đề nghị để HN xứng tầm thủ đô thì phải mở rộng ra tới 2.136 km2.
Năm 1983, Bộ Chính trị xác định thủ đô là trái tim của cả nước, phải là thành phố sản xuất, phát triển kinh tế. Với quy mô hơn 2.000 km2 và có hơn 10 huyện ngoại thành, đa số là nông nghiệp thì rất khó phát triển công nghiệp. Tháng 8/1991, Quốc hội điều chỉnh lại địa giới còn 921km2, trả lại 7 huyện cho Hà Tây, trong đó có thị xã Sơn Tây. Như vậy, Hà Nội đã có ít nhất 3 lần điều chỉnh địa giới hành chính.
* Có ý kiến cho rằng, mở rộng thủ đô về phía Bắc sẽ thích hợp phát triển kinh tế với thuận lợi về cảng hàng không, cảng biển, ông nghĩ sao?
Nếu thủ đô "ôm" mảng công nghiệp của các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên thì các tỉnh này không còn gì để phát triển. Với cơ cấu kinh tế là dịch vụ, công nghiệp thì mở rộng sang Hà Tây là hợp lý với nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh... Ngoài ra, tỉnh này có dân số thưa thớt, khí hậu thích hợp để giãn dân.
* Theo ông, quy mô mở rộng thủ đô như thế nào là phù hợp?
Quy mô mở rộng bao nhiêu km2 phải được cân nhắc, cần nghiên cứu một cách khoa học. Chọn mô hình phát triển thủ đô thế nào thì phải có sự tham gia của các nhà khoa học, các chuyên gia quy hoạch. Tôi được biết, đề nghị của Bộ Xây dựng cũng còn phải thông qua Quốc hội.
* Theo ông, việc các nhà quản lý phải làm ngay khi tiến hành mở rộng thủ đô là gì?
Các tỉnh phát triển theo định hướng riêng, thì nay phải qua lại với nhau để tạo cơ thể thống nhất. Do vậy, cần có quy hoạch thống nhất. Quy hoạch này phải do Chính phủ chủ trì, để thống nhất thủ đô và các tỉnh khác và lựa chọn mô hình phát triển.
Ở Hà Nội hiện nay, chỉ vấn đề hàng rong nhưng chúng ta quản lý không nổi. Nhưng tôi tin nếu sau này thay đổi cách quản lý, tăng cường phân cấp, phân chia trách nhiệm thì sẽ khác.
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: