Top

Nhà lưu trú cho công nhân: Mong đợi ngậm ngùi!

Cập nhật 18/03/2008 15:00

Hàng ngàn chỗ ở cho công nhân trong kế hoạch 2007 vẫn còn nằm trên giấy. Cứ hi vọng rồi thất vọng! Hàng trăm ngàn công nhân đang sống vất vả ở các khu nhà trọ nhếch nhác, trong khi việc thực hiện xây nhà lưu trú vẫn ì ạch vì vướng nhiều thứ.

Một báo cáo của Liên đoàn Lao động TP.HCM cho biết mức sống của công nhân (CN) nhập cư hiện thấp hơn mức sống trung bình của người dân TP. Đã vậy CN còn phải dành khoảng 180.000 đồng/người cho việc thuê nhà trọ mỗi tháng. Mức trên chỉ đủ thuê những phòng trọ tồi tàn quanh các khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX-KCN). Đoàn khảo sát ghi nhận nhiều CN phải sống trong các khu nhà trọ tạm bợ, gần hệ thống nước thải, chất thải công nghiệp, thậm chí gần bãi rác...

Vấn đề xây nhà lưu trú cho CN càng trở nên nóng bỏng khi hàng trăm ngàn CN đang phải loay hoay trước tình trạng giá cả tăng vọt, trong đó có tiền thuê nhà. Như bao cuộc gặp gỡ khác, tại buổi đối thoại với lãnh đạo TP trong ngày 8-3 vừa qua, đông đảo CN đều mong muốn TP sớm có hướng giải quyết, nói rõ lộ trình và thời gian thực hiện xây nhà lưu trú để CN có chỗ ở ổn định, an tâm làm việc và gắn bó với doanh nghiệp.

Chờ qui hoạch, chờ đất



Những công nhân sống trong
các phòng trọ tồi tàn đang mỏi
mòn chờ nhà lưu trú.

Năm 2007, Ban quản lý KCX-KCN TP.HCM (Hepza) có kế hoạch xây trên 6.000 chỗ lưu trú cho CN tại KCX Tân Thuận, KCN Vĩnh Lộc, KCN Tân Tạo, KCN Tân Thới Hiệp... Tuy nhiên, đến nay kế hoạch này vẫn còn nằm trên giấy. Lý do là chưa có đất.

Trước đó, khi xây dựng kế hoạch xây nhà lưu trú đến năm 2010, Hepza dự kiến sẽ có khoảng 270.000-320.000 CN làm việc tại 2.500-3.000 doanh nghiệp trong ba KCX và 14 KCN. Với qui mô này, quĩ đất cần thiết để xây dựng nhà lưu trú cho CN khoảng 95-100ha.

Để có quĩ đất này, Hepza dự kiến điều tiết từ bốn nguồn: quĩ đất công do UBND quận - huyện rà soát, quĩ đất do Sở Tài nguyên - môi trường đề xuất, quĩ đất qui hoạch đô thị xung quanh KCX-KCN... Trong khi đó qui hoạch chi tiết của những dự án này (sau khi đã điều chỉnh) vẫn chưa được phê duyệt.

Ông Lâm Văn Tiếp, phó Ban quản lý các KCX-KCN TP, cho biết dự kiến xây dựng khoảng 6.000 chỗ lưu trú cho CN trong năm 2008. Thực tế đây chính là kế hoạch của năm 2007 được "dời" qua năm 2008. Được biết, dự kiến đến giữa quí 2-2008 mới khởi công khu nhà lưu trú tại KCX Tân Thuận; còn những khu khác vẫn chưa xác định rõ thời gian khởi công.

Chờ cơ chế

Tại các buổi làm việc với Liên đoàn Lao động và Hepza, nhiều chủ doanh nghiệp đều khẳng định: "Để xây dựng nhà lưu trú cho CN, không xin tiền, chỉ xin cơ chế!". Cơ chế nhằm giảm chi phí đầu tư xây dựng, từ đó giảm giá thuê cho CN. Theo đó, nếu như CN phải thuê giá 180.000 đồng/người để ở trong các khu nhà trọ tồi tàn, thì những CN ở khu lưu trú chỉ đóng khoảng 80.000-120.000 đồng/tháng.

Hepza đã kiến nghị với UBND TP được xây nhà lưu trú cao trên năm tầng. Ba tầng phía dưới được sử dụng vào mục đích kinh doanh.Đồng thời, Hepza cũng kiến nghị Chính phủ ban hành chính sách cho vay với lãi suất ưu đãi trong thời gian 15-20 năm đối với những doanh nghiệp tham gia xây nhà lưu trú.

Riêng đối với các chủ nhà trọ xây mới, sửa chữa phòng trọ theo đúng tiêu chuẩn qui định cũng sẽ được vay vốn ưu đãi. Đồng thời cho áp dụng thuế suất giá trị gia tăng bằng 0% đối với các dịch vụ xây dựng nhà ở cho CN.

Tuy nhiên, trong thời gian dài những kiến nghị trên chưa được xem xét, giải quyết. Theo kế hoạch của Hepza, trong giai đoạn 2006-2010 sẽ xây dựng khoảng 80.000 chỗ ở cho CN. Kế hoạch này sẽ khó thực hiện được nếu như cả nhà đầu tư và Hepza cùng "chờ" như thời gian qua.

Mỗi CN chỉ tích lũy được 20.000 đồng/tháng

TP.HCM hiện có khoảng 250.000 CN đang làm việc tại các KCX-KCN. Trong đó, khoảng 70% CN là người các tỉnh đang thuê nhà trọ bên ngoài. Một khảo sát của Liên đoàn Lao động TP về đời sống của gần 2.000 CN tại 19 khu nhà trọ quanh KCX-KCN cho thấy thu nhập bình quân của CN khoảng 1,1-1,2 triệu đồng/tháng.

Với mức thu nhập trên, sau khi đã trừ những khoản chi tiêu thiết yếu, nhiều CN chỉ còn dư 20.000 đồng/tháng!


Theo Tuổi Trẻ