Top

Việc thành lập Tổng công ty Đền bù Giải tỏa Việt Nam: Có nên xã hội hóa?

Cập nhật 18/03/2008 14:00

Việc giải tỏa mặt bằng luôn được xem là khâu “xương” nhất cho ngành xây dựng. Việc không giải tỏa được mặt bằng đã ảnh hưởng đến hầu hết các công trình quốc gia cũng như ảnh hưởng tới nhà đầu tư. Việc sốt nóng sốt lạnh của thị trường địa ốc từ trước đến nay theo nhiều nhà đầu tư một phần không nhỏ cũng vì không giải phóng được mặt bằng. Lần đầu tiên tại Việt Nam sẽ có Tổng công ty giải phóng mặt bằng được trông đợi sẽ giải cơn “khát” của các chủ đầu tư.

Ông Nguyễn Ngọc Lâm - Chủ tịch HĐQT-TGĐ Công ty cổ phần Đức Khải, đơn vị xin thành lập Tổng công ty Đền bù giải tỏa Việt Nam phân tích, hiện nay với sự phát triển chung của xã hội, đặc biệt trong thời kỳ đất nước đổi mới, hội nhập kinh tế thế giới ngày một sâu rộng, nhu cầu phát triển về cơ sở hạ tầng ở các khu công nghiệp, khu đô thị tăng lên rất cao. Và điều này phù hợp với sự phát triển kinh tế của đất nước.

Tuy nhiên, với các thành phố lớn như: Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng... vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế về nhà ở cho người dân và chưa đáp ứng đủ cơ sở hạ tầng để kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào thị trường Việt Nam. Trong đó, nguyên nhân chính mà DN thường gặp phải là do vướng về khâu đến bù, giải tỏa mặt bằng.

DN hết “khát” mặt bằng

Ông Trần Văn Hiếu - Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết: theo Quy định số 197/2004/NĐ-CP ngày 3/12/2004 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, cơ quan thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất là Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư huyện, quận, thị xã hoặc Tổ chức Phát triển quỹ đất tổ chức.

Tuy nhiên thời gian qua, việc bồi thường, giải phóng mặt bằng khi nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án tại Hải Phòng còn gặp nhiều khó khăn. Có một số dự án kéo dài từ 2-3 năm, làm chậm tiến độ và mất cơ hội đầu tư. Nhiều địa phương đã mất 1/3 thời gian hành chính cho cộng tác đền bù, giải phóng mặt bằng cho các dự án.

Theo ông Hiếu, về việc xin thành lập Tổng công ty Đền bù giải tỏa Việt Nam là có thể chấp nhận được. Thực hiện theo mô hình này, có thể tranh thủ các nguồn vốn ngoài ngân sách cho công tác đền bù giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch khi giao đất cho các nhà đâu tư và giảm gánh nặng công việc quản lý nhà nước ở địa phương.

Tuy nhiên, đây là mô hình đầu tư mới chưa được quy định tại Luật Đất đai. Vì vậy, có thể triển khai thí điểm ở một số địa phương theo cơ chế riêng do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Nếu Hải Phòng được chọn là địa phương thí điểm, Hải Phòng xin ủng hộ chủ trương và sẽ lựa chọn các dự án để triển khai ông Hiếu nói.

Nhằm tạo điều kiện cho các chủ đầu tư hoạt động được thuận lợi ông Nguyễn Hữu Tín - Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho rằng, việc thành lập Công ty giải phóng mặt bằng là một mô hình hoạt động mới xuất phát từ thực tiễn, rất cần được xem xét để có cơ chế điều chỉnh phù hợp với mô hình hoạt động này. Trước mắt, có thể cho phép thành lập Công ty cổ phần làm dịch vụ bồi thường, giải phóng thay cho nhà đầu tư hoặc nhà nước.

Để Tổng công ty Đền bù giải phóng mặt bằng Việt Nam ra đời và hoạt động, ông Trần Thế Ngọc - Thứ trưởng Bộ TNMT cho rằng, việc thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt.

Đối với trường hợp thu hồi đất khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được công bố mà chưa có dự án đầu tư thì nhà nước giao cho tổ chức Quỹ đất thực hiện việc bồi thường giải phóng mặt bằng và trực tiếp quản lý quỹ đất đã thu hồi.

Riêng với trường hợp thu hồi đất để thực hiện các dự án đầu tư thì việc bồi thường giải phóng mặt bằng được giao cho Hội đồng bồi thường hỗ trợ và tái định cư, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Tuy nhiên thời gian qua việc bồi thường giải phóng mặt bằng khi nhà nước thu hồi đất theo quy định vẫn chưa được triển khai trên diện rộng do hoạt động của tổ chức phát triển Quỹ đất tại các địa phương không hiệu quả mà nguyên nhân chủ yếu là thiếu vốn đầu tư. Đối với việc bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án đầu tư tại các địa phương thường kéo dài từ 3-5 năm, có những trường hợp kéo dài 10 năm, làm chậm tiến độ và mất cơ hội đầu tư.

Phù hợp với thực tế

Ông Nguyễn Hữu Tín cho rằng, hiện nay công tác bồi thường giải phóng mặt bằng là một trong những điều kiện tiên quyết của sự phát triển, nếu không xử lý tốt thì sẽ trở thành lực cản đầu tiên của các nhà đầu tư. Việc đền bù, giải phóng mặt bằng để xây dựng công trình đang được xem là khúc “xương” cho các chủ đầu tư.

Thực tế cho thấy, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất là vấn đề hết sức nhạy cảm và phức tạp, tác động đến mọi mặt của đời sống, kinh tế, xã hội. Giải quyết không tốt, không thỏa đáng quyền lợi của người có đất bị thu hồi dẫn đến việc bồi thường giải phóng mặt bằng bị kéo dài, gây nên sự mất ổn định về kinh tế-xã hội.

Với thực trạng đang diễn ra ở hầu hết các tỉnh thành trong cả nước, việc Công ty Đức Khải đề nghị thành lập Tổng công ty cổ phần Đầu tư Đền bù giải tỏa là có thể chấp nhận được. do thực hiện theo phương thức này, DN có thể tranh thủ nguồn vốn xã hội phục vụ cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và tạo quỹ đất sạch cho các nhà đầu tư thực hiện dự án.

Theo ông Trần Thế Ngọc, trước mắt có thể cho phép thành lập Tổng công ty cổ phần Đầu tư Đền bù giải tỏa để làm dịch vụ về giải phóng mặt bằng và hoạt động theo phương thức như: sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sau khi đã được phê duyệt và công bố, cơ quan có thẩm quyền giao đất cho Tổng công ty cổ phần Đầu tư Đền bù giải tỏa để bồi thường giải phóng mặt bằng.

Sau khi giải phóng mặt bằng, Công ty bàn giao lại đất sạch cho UBND cấp tỉnh để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất. Hoặc sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, sau khi giải phóng xong mặt bằng, Tổng công ty thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất có trách nhiệm nộp cho nhà nước một tỷ lệ thích hợp từ lợi nhuận thu được từ việc đấu giá quyền sử dụng đất.

Bồi thường, giải phóng mặt bằng đang là vấn đề nan giải cho các chủ đầu tư tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Cần Thơ... đã làm cho không ít chủ đầu tư nản lòng. Vì vậy, theo các DN, với phương thức đền bù cũ, nếu tiếp tục được thực hiện thì không còn phù hợp với tình hình hiện nay.

Việc thiếu mặt bằng sản xuất, thiếu đất phục vụ các công trình hạ tầng kỹ thuật và phát triển các dự án đã dẫn đến không ít các DN trong nước cũng như nước ngoài phải chờ đợi. Không ít nhà đầu tư phải nản lòng, bỏ cuộc vì không có được mặt bằng. Vì vậy, việc thành lập Tổng công ty đền bù giải tỏa mặt bằng đã được cộng đồng DN và các cơ quan chức năng quan tâm. Việc cho ra mô hình Công ty mới về giải phóng mặt bằng là việc làm rất cần thiết ở thời điểm này.

Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp