Top

Thuế tăng theo giá đất từ 1/1/2009: Tăng thu vẫn “lọt” thuế

Cập nhật 22/12/2008 14:37

Từ ngày 1/1/2009, Hà Nội sẽ áp dụng khung giá đất mới với mức tăng 10-100%, theo đó, các khoản nghĩa vụ thuế đất cũng tăng theo. Nhiều gia đình lo lắng khi phải đối mặt thêm với khoản đội chi này.

Trong khi các chuyên gia lại cho rằng, với cách tính thuế này, những người thực hiện chuyển nhượng đất sẽ được lợi hơn.

Tách hộ “chạy” thuế


Gần một tháng nay, gia đình ông Mai Văn Trung, thôn Thị Cấm, xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm đang phải đôn đáo lo thủ tục tách hộ để “chạy” thuế. Ông Trung tâm sự: “Trước đây, tiền thuế nhà đất không nhiều nên tôi vẫn nộp cả 3 suất cho các con. Nhưng sau khi nghe tin tăng giá đất năm 2009, nhất là khu vực của chúng tôi tăng gấp ba, tôi quyết định tách hộ để các con tự lo khoản thuế này. Hai người con trai lớn lập gia đình, tôi đã cắt đất, làm nhà cho chúng nhưng chưa thông qua pháp luật. Bây giờ thì việc lo thủ tục tách hộ là ưu tiên số một của gia đình. Nếu để sang năm 2009, hai ông bà già lấy tiền đâu mà trả”.

Ông Nguyễn Bình Minh, ngõ Trung Liệt, phố Thái Hà, quận Đống Đa than thở: “Cách đây không lâu, hai vợ chồng tôi vui mừng vì lương hưu sẽ được tăng thêm 25%. Nhưng bây giờ thì khoản tăng đó chẳng đủ nộp thuế đất. Diện tích đất ở tôi đang sở sữu là 40m². Số tiền phải nộp thuế hiện nay là 200.000 đồng/tháng nhưng tới đây sẽ tăng lên khoảng 400.000 đồng/tháng. Trong khi đó, khoản lương hưu tăng thêm 25% của cả hai vợ chồng tôi chỉ được 300.000 đồng/tháng”.

“Lách” thuế sẽ nhiều hơn?

Một số chuyên gia về nhà đất cho rằng, với khung giá đất mới, thuế chuyển nhượng nhà đất sẽ tăng lên gấp đôi. Do đó, chuyện “lách” thuế từ các hợp đồng chuyển nhượng có thể sẽ diễn ra nhiều hơn.

Anh Tống Anh Minh, Khu tập thể văn công, phường Quan Hoa, Cầu Giấy phàn nàn: “Với mức thuế đóng cao, người bán và người mua sẽ sẵn sàng thỏa thuận để ghi mức giá thấp hơn nhiều so với giá chuyển nhượng thực tế. Gần 20 năm sống ở Hà Nội, tôi tích cóp, vay mượn mới đủ tiền mua được mảnh đất 700 triệu đồng, khi nộp hồ sơ lên phường tôi đã phải nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất mất 30 triệu đồng. Về tâm lý, không ai muốn mất đi một khoản tiền quá lớn khi đã mất rất nhiều thời gian và công sức mới mua được một mảnh đất khiêm tốn”.

Cách “lách” thuế đơn giản nhất mà nhiều hợp đồng chuyển nhượng vẫn thực hiện là hạ giá giao dịch thật trên hợp đồng. Ví dụ mảnh đất được chuyển nhượng thực tế với giá 1 tỷ đồng, nhưng hai bên sẽ thống nhất thỏa thuận giảm đi một nửa. Với tình trạng giao dịch ngầm diễn ra phổ biến như hiện nay thì khoản tiền thất thoát của Nhà nước sẽ cực lớn.

Xung quanh vấn đề “lách” thuế, luật sư Trần Thúy Thanh, Văn phòng luật sư Tâm Đức, Đoàn luật sư TP Hà Nội lại có cách nhìn khác khi cho rằng: “Chuyển nhượng đất từ 01/01/2009 người dân có lợi hơn. Vì khung giá Nhà nước bao giờ cũng thấp hơn giá thị trường”.

Theo luật sư Thanh: “Trong trường hợp mua nhà đất chỉ đơn thuần để ở, giữa người mua và người bán có thể cùng thỏa thuận hạ thấp giá trị bất động sản để giảm thuế. Tuy nhiên, trong trường hợp mua bất động sản để thực hiện chuyển nhượng sau này, tuyệt đối không nên “lách” thuế. Vì khi tiếp tục thực hiện chuyển nhượng lại, chủ đất sẽ phải đóng một khoản thuế lên đến 25% chênh lệch từ giá mua trước đây (mức giá rất thấp theo hợp đồng) với giá bán hiện tại. Chẳng hạn, trước đây ông A mua căn nhà trị giá 10 tỉ đồng, nhưng trên hợp đồng chỉ ghi giá 2 tỉ đồng, chỉ phải đóng thuế trước bạ là 20 triệu đồng (thay vì 200 triệu đồng), lợi được 180 triệu đồng. Nhưng nếu bán lại căn nhà trên cũng với giá 10 tỉ đồng, thì ông A sẽ phải nộp thuế thu nhập cá nhân là 2 tỉ đồng. Nếu trước đây ông A ghi đúng giá 10 tỉ đồng trên hợp đồng, ông phải nộp thuế trước bạ 100 triệu đồng, khi bán nhà không phải nộp thuế thu nhập cá nhân (do không có chênh lệch giữa giá mua trước đây với giá bán hiện nay). Thiệt hại là 2 tỉ – 200 triệu = 1,8 tỉ đồng. So sánh giữa cái lợi trước đây (180 triệu đồng) với thiệt hại sau này (1,8 tỉ đồng) chẳng khác nào ăn quả đắng”.

Do đây là thỏa thuận miệng giữa các đương sự với nhau nên Nhà nước không chịu trách nhiệm giải quyết. Nhà nước chỉ đơn thuần áp dụng mức thuế chuyển nhượng thông qua giá ghi trên giấy. Khi chủ đất tiếp tục sang nhượng lại Nhà nước cũng căn cứ vào giá ghi trên hợp đồng trừ đi giá bán hiện tại để tính thuế thu nhập cá nhân. Nên những trường hợp càng “lách” thuế nhiều càng thiệt hại nặng.

DiaOcOnline.vn - Theo Gia Đình