Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Ngọc Chính, hiện Bộ này đang nhận được phản hồi từ các nhà chuyên gia nước ngoài (Anh, Mỹ, Nhật) tham gia làm quy hoạch khung cho Hà Nội. Khoảng cuối tháng 5 tới, Bộ Xây dựng sẽ chính thức tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu tư vấn để chọn phương án quy hoạch mở rộng địa giới tối ưu.
Tại buổi giao ban của Thường trực Chính phủ với TP Hà Nội sáng 16/4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Chính phủ đã chuẩn bị phương án mở rộng địa giới hành chính Thủ đô trình Quốc hội.
Theo đó, nếu được Quốc hội phê duyệt thì công tác tổ chức bộ máy phải hoàn thiện nhanh để hoạt động không bị xáo trộn, không ảnh hưởng tới tiến độ phát triển chung. Các quy hoạch phải làm quyết liệt, nhất là quy hoạch phát triển giao thông vận tải...
Chính phủ đã cho phép thuê tư vấn nước ngoài để nâng cấp quy hoạch mở rộng địa giới Thủ đô. Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Ngọc Chính, hiện Bộ này đang nhận được phản hồi từ các nhà chuyên gia nước ngoài (Anh, Mỹ, Nhật) tham gia làm quy hoạch khung cho Hà Nội.
Khoảng cuối tháng 5 tới, Bộ Xây dựng sẽ chính thức tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu tư vấn để chọn phương án quy hoạch mở rộng địa giới tối ưu.
Bộ này cũng đang tổ chức rà soát các dự án đã thực hiện trên địa bàn Thủ đô mở rộng, với những công trình xét thấy không phù hợp, Bộ sẽ nghiên cứu trình Thủ tướng cho ý kiến chỉ đạo vào giữa tháng 5 tới.
Liên quan đến công tác quy hoạch, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, quy hoạch cho Thủ đô mới phải có tầm nhìn hàng trăm năm. Tuy công tác quy hoạch và quản lý đô thị của ta còn yếu nhưng dù có thuê ai làm quy hoạch chăng nữa, cũng phải dựa trên những yếu tố, điều kiện thực tế, đặc trưng của Thủ đô Hà Nội.
Phải sớm định hình giao thông Hà Nội
Thứ trưởng Bộ GTVT, ông Nguyễn Hồng Trường cho biết, Bộ GTVT đã có tờ trình bổ sung về quy hoạch giao thông Hà Nội đến năm 2020, đề án giải pháp chống ùn tắc giao thông Thủ đô cũng đang được Hà Nội từng bước triển khai.
Tuy nhiên, ông Trường phàn nàn, rất nhiều dự án mà Bộ đang thực hiện trên địa bàn Hà Nội bị chậm, vướng mắc lớn nhất hiện nay là vấn đề GPMB.
Dự án cầu Thanh Trì theo tiến độ hai đường dẫn đầu cầu sẽ hoàn thành vào tháng 6 và tháng 9 tới, nhưng hiện đoạn nối lên cầu đoạn Pháp Vân vướng khâu GPMB 2 năm nay nên ảnh hưởng đến tiến độ thi công; Dự án đường cao tốc Láng - Hoà Lạc cũng trong tình trạng ''ách'' tương tự do mặt bằng thi công của nút giao thông lớn nhất lại vướng vào đất của một đơn vị thương binh nên chậm triển khai, chưa kể đến khó khăn về vốn; Dự án đường quốc lộ 32 cũng trong tình trạng tương tự do chưa có quỹ nhà tái định cư cho khoảng 500 hộ dân trong giai đoạn 1 và 2 của dự án...
Ông Trường cho biết, Bộ GTVT sẽ cố gắng hoàn thành các dự án trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Theo đó, Bộ kiến nghị TP Hà Nội sớm chỉ đạo quyết liệt việc GPMB, bố trí đủ quỹ nhà tái định cư để các dự án triển khai đúng tiến độ.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo giãi bày: GPMB một số dự án chậm do vướng cơ chế, chính sách mà chỉ riêng Hà Nội thì không giải quyết được. Ví dụ, gói thầu Nam cầu Thanh Trì có 19 hộ dân phải di dời song vì khu tái định cư cho họ chưa có điện, nước, mà khu tái định cư này lại do Ban quản lý dự án (thuộc Bộ GTVT) làm nên Hà Nội... không có thẩm quyền quyết; Hay như dự án đường vành đai 3, một vài đoạn đã GPMB xong nhưng thi công rất chậm...
Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, phải sớm định hình giao thông Hà Nội. Trong thời gian ngắn sắp tới, Hà Nội phải báo cáo Chính phủ để kịp thiết kế vốn, kêu gọi đầu tư, đồng thời, TP cũng phải sớm dứt điểm các công trình đang dang dở để thông thoáng giao thông nội thành. Đặc biệt, phải lưu ý vành đai 4 để khi mở rộng Hà Nội kịp đưa bệnh viện, trường học, doanh nghiệp ra ngoài, giãn áp lực giao thông cho nội thành.
Hà Nội không hạ chỉ tiêu tăng trưởng
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao nỗ lực của Hà Nội trong phát triển kinh tế xã hội. Theo Thủ tướng, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, kinh tế Hà Nội vẫn tăng trưởng khá, đầu tư nước ngoài thu hút khá, xuất khẩu, dịch vụ tăng tốt, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đảm bảo.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu trước tình hình vấn đề giá cả tiêu dùng tăng cao; dịch bệnh tái phát; phát triển công nghiệp, xây dựng đang có dấu hiệu chậm lại; đời sống người làm công ăn lương, thu nhập thấp còn khó khăn..., Hà Nội không hạ mức tăng trưởng (12,5% - 13% theo Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội đề ra - PV).
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Hà Nội rà soát lại các dự án để đẩy mạnh sản xuất, đầu tư, xuất khẩu; những sản phẩm đang có thị trường, tiêu thụ mạnh phải được tạo điều kiện thuận lợi về vốn, hỗ trợ thuế... Đối với các dự án đầu tư, những gì chưa thực sự bức thiết hoặc hiệu quả thấp có thể đình hoãn, dồn sức cho các dự án cấp bách, sắp hoàn thành để có thể đưa vào hoạt động ngay...
Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý, Hà Nội phải là địa phương đi đầu trong thực hiện tiết kiệm chi tiêu, nhất là chi phí cho điện, nước, hội họp... Hà Nội cũng cần phối hợp tốt với các bộ ngành để xử lý các vi phạm trong quản lý, sử dụng nhà đất và giải quyết khiếu kiện. Đồng thời, phải chú trọng tới vấn đề an sinh xã hội, phòng, chống thiên tai, hỗ trợ người thu nhập thấp ổn định cuộc sống...
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: