Top

Thị trường địa ốc: Vững nhờ móng

Cập nhật 26/11/2008 13:15

Thị trường địa ốc mặc dù im ắng, nhưng so với các thị trường tài chính khác, vẫn ít nguy cơ nhất.

"Dựa vào những diễn biến trên thị trường thế giới, chúng tôi buộc phải xem xét lại các kế hoạch kinh doanh trên thị trường địa ốc Việt Nam" - ông Rayner Au, Giám đốc dự án Công ty Synergy Singapore nói.

Vẫn hấp dẫn

Synergy phải hoãn lại một hội thảo về địa ốc Việt Nam dự định tổ chức tại Hồng Kông vào tháng 7-2008 với trên 100 nhà đầu tư địa ốc toàn cầu đăng ký tham dự. Rayner cho rằng, mặc dù vậy, thị trường địa ốc Việt Nam vẫn hấp dẫn đối với các đối tác của Synergy. "Chúng tôi sẽ tổ chức hội thảo địa ốc Việt Nam với chủ đề "Thấy, giải thích, bán" (Show,Tell, Sell) - Rayner cho biết. Ông dự định hội thảo này diễn ra vào tháng 3 hay tháng 4-2009. Đối tác của Synergy không chỉ là "người mua" mà còn là "kẻ bán" - những nhà kinh doanh địa ốc Việt Nam đang "găm hàng" chờ thời.

Móng vẫn sâu


Tuy vậy, theo ông Lê Xuân Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) thì với tổng vốn vay của doanh nghiệp có thế chấp bằng bất động sản trong các ngân hàng Việt Nam hiện nay lên khoảng 400.000 - 500.000 tỷ đồng (25-30 tỷ USD), thì chỉ cần một phần ba số đó không trả được nợ cũng đủ làm "khốn đốn" các ngân hàng thương mại, và khi đó, sẽ là một thách thức lớn đối với Ngân hàng Nhà nước trong việc hỗ trợ các ngân hàng thương mại. Đối với vấn đề này thì Rayner Au cho rằng, nếu các đối tác như HSBC, hay Santander mua lại các dự án của các công ty kinh doanh địa ốc Việt Nam lúc này, thì họ sẽ thu được siêu lợi nhuận trong vòng một năm tới. Khảo sát của VietRees tại TPHCM cho thấy, các trung tâm môi giới bất động sản đã thu hẹp đáng kể về số lượng và quy mô hoạt động. Đây là thời điểm để các nhà đầu tư nước ngoài nhảy vào thị trường địa ốc vốn chứa đầy tiềm năng dài hạn.

Rayner cho rằng: "Không có lúc nào tốt hơn lúc này để mua lại, khi mà giá bất động sản Việt Nam đã giảm hơn 50% so với trước đây một năm". Còn ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM thì nhận định: Thời điểm thị trường bất động sản Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng sẽ phục hồi vào cuối năm 2009. “Cầu về địa ốc và bất động sản vẫn cao như nhu cầu nhà ở, văn phòng cho thuê, kể cả resort, khách sạn cao cấp” - ông Nguyễn Văn Khánh, Giám đốc dự án Villa ven sông Tuyết Anh cho biết. Hiện nay, dự án của ông mặc dù giá không giảm, nhưng vẫn có khách mua dù chậm hơn năm ngoái một chút. “Quan hệ thị trường là quan hệ cung-cầu, khi cung nhỏ hơn cầu (hoặc lớn hơn cầu trong ngắn hạn) vẫn là cái "móng" vững chãi của thị trường" - ông Khánh phân tích.

Vốn quyết định

Để cho thị trường bất động sản với tổng giá trị xấp xỉ 1/3 GDP năm nay hồi phục thì cả người bán và người mua đều chờ các chính sách nới lỏng tiền tệ của Chính phủ và các ngân hàng.

Ông Lê Hùng Mạnh, Giám đốc dự án địa ốc Gia Hòa, nói: "Tôi nghĩ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần theo sát các thị trường chủ yếu như địa ốc, chứng khoán... mà có các chính sách tiền tệ linh động hơn". Hiện nay chỉ cần 1 tỉ USD theo ước tính của ông Mạnh được bơm vào hệ thống từ các khoản chênh lệch của xăng dầu là Chính phủ có thể "đóng vai trò thực sự" đối với nền kinh tế thị trường có điều chỉnh.

Trong số báo Far Eastern Economic Review tháng 8-2008, tác giả Jonathan Anderson - một nhà nghiên cứu tài chính quen thuộc của vùng châu Á - Thái Bình Dương, cho rằng châu Á vẫn là vùng ít nguy cơ xảy ra một cuộc đại khủng hoảng nhất trên thế giới hiện nay. ông viết: "Đông Nam Á sẽ phục hồi trong một năm, nhiều nhất là hai năm. Đặc biệt thị trường địa ốc vùng không giống như Mỹ". Như vậy, Việt Nam nằm trong vùng địa lý này, chắc sẽ vượt qua khủng hoảng, nhất là không có một khủng hoảng về vay thế chấp địa ốc, mặc dù hiện nay, tín dụng lĩnh vực là 30 tỉ USD, nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát của doanh nghiệp và Chính phủ. Một niềm tin vững chãi cũng là yếu tố quan trọng khiến cho thị trường địa ốc sống được và hồi phục.

Người Đô Thị