Mặc dù thị trường bất động sản (BĐS) đang "nguội ngắt" - thời điểm thích hợp cho người có nhu cầu tìm mua nhà đất để sử dụng, vậy mà hoạt động mua bán nhà đất ở các khu vực Hà Nội "mới" gần như không có giao dịch, tại sao?
Bùng nổ các dự án địa ốc
Trong vài năm qua, đất đai ở Hà Tây cũ, huyện Mê Linh và 4 xã của huyện Lương Sơn (Hoà Bình) đã trở thành nơi thu hút các nhà đầu tư. Trên trục quốc lộ Láng - Hoà Lạc, quốc lộ 32 và quốc lộ 6 là những dự án KĐT Nam An Khánh (180ha), Bắc An Khánh (260ha), Dương Nội (190ha).
Nằm sát huyện Từ Liêm và giáp Quốc lộ 32, xã Vân Canh huyện Hoài Đức cũng thu hút ba dự án đô thị lớn: Orange Garden, KĐT Đại học Vân Canh, KĐT mới Vân Canh.
Vùng đất Hà Tây cũ cũng trở thành nơi thu hút nhiều NĐT nước ngoài, cụ thể như KĐT Mỗ Lao được Cty Booyoung (Hàn Quốc) khởi công xây dựng 5.000 căn hộ chung cư, TP.Hà Đông có Hyundai RNC động thổ dự án khu căn hộ cao cấp có tổng vốn đầu tư 198 triệu USD.
Liên doanh Posco E&C và Vinaconex đang khẩn trương giải phóng mặt bằng KĐT Nam An Khánh dự kiến đầu tư 212 triệu USD cho dự án này. Cty Inpyung sẽ xây dựng tổ hợp gần 10.000 căn hộ, các cao ốc văn phòng, khách sạn và trung tâm thương mại tại KĐT mới Văn Phú...
Thông qua phương thức đổi đất lấy hạ tầng, Tập đoàn Nam Cường đã kinh doanh địa ốc tại "Hà Nội mới" bằng dự án đầu tư trên 3.000 tỉ đồng xây dựng tuyến đường trục phía Bắc Hà Đông nối đường vành đai 4 với đường Lê Văn Lương kéo dài của "Hà Nội cũ" để được giao khoảng 190ha đất tại xã Dương Nội, TP.Hà Đông xây KĐT gồm các khu chung cư, biệt thự, khách sạn, văn phòng, bệnh viện quốc tế, chợ đầu mối.
Cienco 5 cũng khởi công xây dựng tuyến đường trục phía nam Hà Đông, dài 41,5km, với tổng vốn đầu tư khoảng 6.000 tỉ đồng để được xây dựng ba KĐT với tổng diện tích 570ha tại Hà Đông và huyện Thanh Oai.
Thị trường chưa... hấp dẫn
Việc đầu tư hàng loạt tuyến đường giao thông kết hợp với các tuyến đường trục như đường Láng-Hòa Lạc, quốc lộ 6, quốc lộ 32, sẽ là cơ hội nâng cao giá trị BĐS ở vùng "Hà Nội mới", thu hút cư dân ở "Hà Nội cũ" sang nơi đây sinh sống.
Tuy nhiên, nếu chỉ xây dựng các tuyến đường trục thì chưa phải là điều kiện đủ để phát triển các khu đô thị ở "Hà Nội mới" và biến nơi đây trở thành những khu đô thị hấp dẫn thị trường.
Cụ thể là các dự án địa ốc ở "Hà Nội mới" còn thiếu hạ tầng xã hội, khiến cho những người có nhu cầu mua nhà, đất để ở phải cân nhắc bởi các dự án đô thị ở "Hà Nội cũ" thường có sẵn các điều kiện dịch vụ như trường học, bệnh viện, nhà trẻ, siêu thị... thì các dự án ở vùng "Hà Nội mới" hầu hết được phát triển từ đất nông nghiệp thiếu những dịch vụ xã hội hiện đại.
Đây chính là điều đang làm cho các dự án đô thị ở các vùng "Hà Nội mới" chưa trở nên hấp dẫn đối với những người có nhu cầu sử dụng. Và trong thời điểm thị trường BĐS đang "đóng băng" như hiện nay, cùng sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt do bùng phát quá nhiều dự án đô thị thì giới đầu tư BĐS ở "Hà Nội mới" phải có chiến lược tiếp thị và phát triển dự án bài bản và chuyên nghiệp.
Còn nếu chỉ đầu tư chút ít hạ tầng và bán đất thô thì sẽ khó mà thu hút được người thật sự có nhu cầu đến sinh sống. Được biết, các dự án BĐS lớn ở "Hà Nội mới" đều có quy hoạch trường học, siêu thị, bệnh viện... nhưng những thứ này vẫn còn trên... giấy.
Do đó, người sử dụng vẫn không "mặn mà" mua nhà ở "Hà Nội mới" để ở. Do đó, giao dịch trên thị trường BĐS ở "Hà Nội mới" hiện nay vẫn chủ yếu bị chi phối bởi giới đầu cơ.
Theo Lao Động
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: