Top

Nhà đất khu vực Hà Nội mở rộng: Giá nhấp nhổm tăng

Cập nhật 27/08/2008 14:00

Thị trường nhà đất Hà Nội nhìn chung vẫn trong giai đoạn trầm lắng. Tuy nhiên, giá đất tại các huyện phía Tây Hà Nội (Hà Tây cũ) giáp với huyện Từ Liêm đã bắt đầu biến động mạnh và đang được “hét” giá rất cao.

Giá... trên trời

Tại mặt đường quốc lộ 32, đoạn qua huyện Đan Phượng, giá đất từ 10 - 15 triệu đồng/m2 vào đầu năm 2008 giờ đã tăng gấp đôi, từ 20 - 30 triệu đồng/m2. Một số dự án khu đô thị nằm dọc quốc lộ 32 đang trong quá trình mở rộng và đường Hoàng Quốc Việt kéo dài cũng được các chủ đất “hét” giá rất cao.

Cụ thể, đất ở khu đô thị The Phoenix Garden (huyện Đan Phượng) giá 12 - 18 triệu đồng/m2; khu đô thị mới Dương Nội (TP Hà Đông) được rao bán với giá 14 - 15 triệu đồng/m2; làng Việt kiều châu Âu ở đầu TP Hà Đông có giá 30 triệu đồng/m2; đất chia lô ở khu Văn Quán xấp xỉ 30 triệu đồng/m2; khu đô thị mới Văn Phú, đô thị mới Xa La, Văn Khê giá giao dịch đã lên 25 triệu đồng/m2…

Trong khi đó, với mức giá này, người có nhu cầu mua nhà ở dễ dàng tìm được những mảnh đất đã xây nhà kiên cố trong nội thành Hà Nội cũ hoặc các khu đô thị mới Mỹ Đình, khu đô thị Bắc Linh Đàm, khu đô thị Trung Hoà - Nhân Chính…

Ông Nguyễn Huy Tưởng, giám đốc Trung tâm Giao dịch bất động sản Huy Phát ở thị trấn Cầu Diễn nhẩm tính: “Tổng cộng tiền bồi thường, tiền dịch vụ, giá trị mỗi mét vuông “đất lúa” sẽ có giá khoảng 1 - 1,2 triệu đồng. Bỏ ra 500 - 700 nghìn đồng/m2 là lãi gấp đôi. Trong khi đó, ở khu vực phía tây thành phố, với các trục đường xuyên tâm đang gấp rút được hoàn thành như quốc lộ 32, Hoàng Quốc Việt kéo dài... lợi thế về giao thông đã được xác lập, nên nếu mua được với diện tích càng nhiều, khả năng trúng quả càng cao”.

Chị Nguyễn Hồng Minh, nhân viên marketing của Trung tâm Nghiên cứu thị trường Hà Nội, cũng cho rằng: “Trước đây, những người có nhu cầu đất ở nhưng túi tiền eo hẹp thường tìm đến vùng ven thì đến thời điểm này, ý định đó gần như đã bị dập tắt. Vì ngay cả khi tìm đến các làng ở vùng ven cũng rất khó có thể tìm được mảnh đất có giá dưới 10 triệu đồng/m2”.

Hấp dẫn nhưng khó có đột biến

Bà Nguyễn Thị Cầm, phụ trách kinh doanh một Cty kinh doanh bất động sản trên đường Nguyễn Chí Thanh cho biết: “Mặc dù thị trường nhà đất Hà Nội trầm lắng, nhưng đất dự án khu vực Hà Đông nằm trên trục đường Lê Trọng Tấn được giới đầu tư quan tâm. Rất có thể giá đất ở những khu vực này đang ảnh hưởng đến giá của các khu lân cận, dù giá trị thực thấp hơn nhiều so với giá mà chủ đất phát ra”.

Còn TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lại nhận định: “Cần xem xét kỹ giá trị thực những khu đất rao giá cao hơn Hà Nội cũ khi giao dịch thế nào. Nếu giá thực tế ở khu vực mở rộng cao hơn Hà Nội cũ thì cần phải chỉnh đốn lại vì sau khi hợp nhất có hai khả năng xảy ra:

1- Nếu chúng ta quy hoạch tốt, giá đất sẽ giảm vì giá bất động sản nói chung bao giờ cũng là tổng đầu tư bình quân chia cho diện tích đất. Diện tích Hà Nội đang bé thì tổng đầu tư chia ra sẽ cao. Nhưng khi mở rộng thì giá đất sẽ phải giảm vì tổng đầu tư chia cho diện tích lớn hơn.

2- Nếu chúng ta tiến hành quy hoạch, thực hiện công khai hóa tốt, có sắc thuế phù hợp thì đương nhiên giá đất sẽ giảm. Nhưng những điều kiện đó không làm được thì sẽ khiến cho giá đất chỗ tăng lên, chỗ hạ xuống một cách bất hợp lý.

Cũng theo TS Đặng Hùng Võ, các nhà đầu tư đều có thể nhìn ra thị trường bất động sản khu vực Hà Nội mới sẽ hấp dẫn hơn, vì nó được thừa hưởng hạ tầng của Hà Nội cũ và cũng có thể điều đó sẽ gây tăng giá cục bộ, nhưng khó có đột biến xảy ra.

Hầu hết các chuyên gia đều khuyến cáo, khi mua đất không nên giao dịch thông qua “cò đất” hoặc ham rẻ, mua đất nông nghiệp, đất dịch vụ không có giấy tờ... rất dễ bị “lật kèo”.

Bởi, theo quy định mới nhất về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của Hà Nội (Quyết định số 33/2008/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội), trường hợp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp nhưng không phải là người trực tiếp sản xuất nông nghiệp thì không thuộc diện đối tượng được bồi thường bằng đất, nhà chung cư hoặc bằng tiền.

Mạo hiểm là... mất trắng

Ông Trần Anh Dũng, giám đốc Cty Dịch vụ thương mại bất động sản Ba Đình, cảnh báo: Không phải sau khi chính thức thuộc về Hà Nội mọi khu đất sẽ thành “vàng”. Do đó, việc đầu cơ ở một khu vực vẫn chưa có kế hoạch phát triển rõ ràng là rất mạo hiểm và nếu như cơ sở hạ tầng của khu vực này không phát triển như mong muốn, thì giá đất có thể đi xuống rất nhanh.

Đối với những dự án đang triển khai dở dang, khách hàng nên có sự cân nhắc kỹ và chọn những dự án có tính pháp lý rõ ràng, chủ đầu tư có đủ tiềm lực tài chính.


Theo Báo Gia Đình