Top

Các giải pháp làm nóng thị trường nhà đất

Cập nhật 27/08/2008 15:00

Trong những năm qua, thị trường BĐS ở nước ta đã, đang hình thành và phát triển nhanh chóng và cũng hết sức phức tạp. Hiện nay, thị trường BĐS rơi vào cảnh “đìu hiu” khiến các tổ chức, cá nhân quan tâm đến lĩnh vực này lo lắng, đứng ngồi không yên. Vậy đâu là nguyên nhân khiến cho thị trường BĐS trầm lắng như vậy?

Theo thống kê, giá căn hộ chung cư cao tầng ở TP.HCM và Hà Nội tháng 10/2007 tăng khoảng 30% so với năm 2006; cuối tháng 1, đầu tháng 2 năm 2008 tăng khoảng 50% so với năm 2006.

Tuy nhiên đến tháng 4/2008, giá nhà đất đã giảm và cho đến thời điểm tháng 6/2008, giá nhà đất giảm 30% - 60%, lượng giao bán tăng, nhưng giao dịch thực tế không đáng kể, giá chủ yếu là giá “ảo”.

Thị trường đầu vào trong đầu tư BĐS (như đất đai, nguyên vật liệu, nhân công…) tăng khá cao từ 15% đến 40% làm cho nhiều chủ đầu tư đã tạm dừng dự án hoặc giảm tiến độ xây dựng.

Do việc cấm chuyển quyền sử dụng dưới hình thức bán nền mà chưa xây dựng nhà tại Nghị định 17/2006/NĐ - CP, nên nhiều tổ chức kinh tế không có đủ tiềm lực tài chính xây dựng nhà ở để bán sau khi đã đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

Sau khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách kiềm chế lạm phát, như rút bớt tiền từ lưu thông, kiểm soát chặt chẽ việc cho vay đầu tư, kinh doanh BĐS, tăng lãi suất cho vay lên từ 18%/năm đến 21%/năm và chủ trương thực hiện điều chỉnh một số sắc thuế liên quan đến BĐS, như đánh thuế thu nhập cá nhân đối với các trường hợp bán nhà đất trong vòng 2 năm kể từ khi mua, đã khiến thị trường này càng hạ nhiệt.

Ngoài ra, với quy định nếu người mua trúng đấu giá không xây dựng nhà trong 2 năm sẽ bị thu hồi, trên thực tế nhiều nhà đầu tư chỉ nhằm mục đích sinh lời (bán khi được giá) chứ không xây nhà để ở, hay tâm lý người dân cũng không muốn mua nhà đã xây sẵn, tất cả những điều đó khiến thị trường BĐS rơi vào cảnh chợ chiều.

Bên cạnh đó, không thể không kể đến cơn sốt nóng giá nhà đất vào cuối năm 2007 và 2 tháng đầu năm 2008 đã nay để lại di chứng nặng nề trong việc đáp ứng nhà ở của dân cư nước ta hiện nay.

Các hoạt động đầu cơ tích trữ, mua bán trao tay, chuyển nhượng nhà đất trái pháp luật vẫn đang xảy ra. Điều này gây không ít khó khăn cho các cấp, các cơ quan ban ngành trong việc kiểm soát các hoạt động của thị trường BĐS.

Trước thực trạng đó, cần có những biện pháp cấp bách, kịp thời nhằm “hâm nóng”, để tiến tới bình ổn thị trường BĐS. Có thể kể ra các giải pháp cơ bản dưới đây:

Thứ nhất, Nhà nước điều chỉnh hệ thống luật theo các quan hệ phát sinh và liên quan đến đất đai. Hiện nay, các văn bản pháp lý về BĐS còn thiếu và chưa đồng bộ nên không thể kiểm soát được thị trường, nhằm khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân đưa tài sản nhà đất vào sử dụng. Trường hợp tài sản nhà đất được đưa vào kinh doanh đã nộp thuế kinh doanh hoặc thuế thu nhập, thì BĐS đó không bị đánh thuế luỹ tiến.

Thứ hai, nới lỏng dần dần việc cho vay đầu tư BĐS, bên cạnh đó cần có các giải pháp huy động lượng tiền nhàn rỗi trong dân vào thị trường BĐS, giúp cho doanh nghiệp kinh doanh BĐS giảm đáng kể áp lực vốn đầu tư.

Thứ ba, trong tình hình hiện nay, cần giảm mức thuế chuyển nhượng BĐS và không thu thuế thu nhập cá nhân do bán nhà, hoặc gộp thuế chuyển nhượng BĐS với thuế thu nhập cá nhân hoặc thuế thu nhập doanh nghiệp.

Cuối cùng, cần phát triển hơn nữa hệ thống thông tin, các tổ chức môi giới, tư vấn, dịch vụ mua bán BĐS; tổ chức đào tạo nhiều chuyên gia, lao động chuyên nghiệp hoạt động trong thị trường BĐS.

Đồng thời để kiểm soát được thị trường, tránh hiện tượng giao dịch buôn bán ngầm thì mọi giao dịch kinh doanh BĐS phải qua sàn, nếu không sẽ không được công nhận và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, sở hữu.

Theo Đầu Tư Chứng Khoán