Top

Thị trường bất động sản TP.HCM: Điều chỉnh bằng chính sách thuế

Cập nhật 20/11/2007 14:00

Theo dự báo của các chuyên gia địa ốc, với những tín hiệu tốt khi các tập đoàn nước ngoài đang đổ vốn ào ạt vào nhà, đất TP. HCM, cộng với với sức mua "nóng" như hiện nay sẽ xảy ra cơn sốt mới vào cuối năm 2007. Muốn bình ổn thị trường, dùng chính sách thuế là hữu hiệu hơn cả.

Năm 2007, sốt giá nhà đất tăng cao hơn và lan rộng hơn các đợt sốt trước đây. Đợt sốt giá nhà đất lần này không mang tính đương nhiên mà đang có biểu hiện là "bệnh tật" của thị trường BĐS. Hậu quả sẽ khôn lường nếu không kịp thời ngăn chặn.

Sức mua tăng cao

Sự kiện cơn sốt mua căn hộ tại cao ốc The Vista (phường An Phú, quận 2) tháng 10 vừa qua là một minh chứng về sức mua của thị trường. Các chuyên gia dự báo, trong thời gian tới, giá đất sẽ tiếp tục tăng, riêng giá nhà sẽ chững lại, bởi từ đây đến đầu năm 2008 sẽ có hàng loạt dự án với gần 10.000 căn hộ tiếp tục được chào bán. Mới đây, tại buổi công bố dự án khu căn hộ cao cấp The Mark (phường Tân Phú, quận 7), dù chủ dự án cho biết có thể tháng 12/2007 mới bắt đầu chào bán, song đã có hàng loạt công ty môi giới nhà, đất trong và ngoài nước đã có mặt để tìm cơ hội mua căn hộ từ trên giấy!

Trong khi đó, giá nền đất cũng tăng chóng mặt. Tại một số lô đất chưa san lấp đường Nguyễn Bình (xã Nhơn Đức), giá chào bán từ 4,5 - 5 triệu đồng/m2, tăng từ 20% - 40% so với đầu tháng 11. Nhìn chung, giá đất tại các dự án hiện nay đã và đang tăng thêm một khoảng cách khá xa so với "cơn sốt" vào đầu năm 2007.

Cơn sốt mới?

Nhiều chuyên gia địa ốc dự báo, thị trường bất động sản TP.HCM với sức mua "nóng" như hiện nay sẽ xảy ra cơn sốt mới vào cuối năm 2007. Bà Đỗ Thị Loan, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho rằng, đây là những diễn biến hết sức bình thường bởi sự dịch chuyển của nguồn vốn đầu tư trong khách hàng.

Theo đó, do thị trường cổ phiếu chưa niêm yết (OTC) đang chưa ổn định, khách hàng nhận thấy việc đầu tư vào chứng khoán khá rủi ro nên một số nhà đầu tư đã chuyển tiền vào bất động sản để bảo đảm an toàn. Bên cạnh đó, từ 75% - 85% doanh nghiệp đã niêm yết cổ phiếu trên sàn cũng bỏ tiền vào đầu tư bất động sản để gia tăng giá trị tài sản của đơn vị. Ngoài ra, các tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, chính sách mở rộng cho kiều bào mua nhà... đã tác động mạnh đến thị trường.

Ông Nguyễn Đăng Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng nhận định: Do tình trạng hiếm hàng dẫn đến giá cứ leo thang là điều tất yếu. Đơn cử, khi Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng nâng giá bán căn hộ Sky Garden 3, lên từ 25 đến 26 triệu đồng/m2, chắc chắn thị trường nhà, đất tại gần đó sẽ điều chỉnh lại giá để tương ứng. Như vậy, giá nhà, đất khu Nam TP sẽ có những biến động nhất định trong thời gian tới và có thể gây "cơn sốt" mới.

Cần điều chỉnh

Để ngăn chặn và giảm thiểu tác dụng của cơn sốt bất động sản thứ ba (nếu xảy ra), cần áp dụng một số giải pháp đồng bộ, trong đó đặc biệt quan tâm đến biện pháp về tài chính, tập trung vào chống đầu cơ (nhưng không ngăn cản đầu tư làm tăng giá trị khi đưa ra thị trường).

Theo ông Nguyễn Đăng Sơn, hiện nay, nhiều người dân còn "mù" thông tin nên thường "tát nước theo mưa", làm theo phong trào mà thiếu sự tính toán, cân nhắc. Do vậy, việc cần làm ngay là có một cơ quan thu thập các thông tin về giá cả, những biến động liên quan đến thị trường cung cấp cho người mua để họ quyết định.
 
Bên cạnh đó phải công khai quy hoạch, góp phần minh bạch thông tin, tránh tình trạng người dân đổ xô đi mua đất đón đầu quy hoạch. "Về lâu dài, Nhà nước cần có quỹ nhà, đất dự trữ đủ mạnh, để khi xảy ra biến động thị trường thì Nhà nước sẽ đưa quỹ nhà đất này ra điều tiết. Điều này cũng góp phần "giảm nhiệt" các "cơn sốt đất đã xảy ra trong thời gian qua" - ông Sơn nói.

GS.TSKH Đặng Hùng Võ vẫn giữ quan điểm, là đánh vào diện tích nhà đất đầu cơ, theo hình thức lũy tiến. Nhà đất càng nhiều càng phải đóng thuế cao. "Mặt khác, cần xóa bỏ chênh lệch giá giữa giá Nhà nước, giá thị trường, mà thống nhất định theo giá thị trường (từ việc giao đất có thu tiền sử dụng đất, để bồi thường về đất do Nhà nước thu hồi và khi đưa quyền sử dụng đất vào cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước). Khi đó nhà đất mới có khả năng giảm giá, góp phần làm bình ổn thị trường", ông Võ nói.

Theo Bộ TN - MT