Top

Thị trường bất động sản “khát” nhân lực

Cập nhật 16/01/2008 14:00

Bộ Xây dựng vừa có quyết định về chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức môi giới, định giá bất bất động sản và quản lý điều hành sàn giao dịch bất động sản. Quyết định nói trên được các chuyên gia bất động sản đánh giá là giúp hóa giải “cơn khát” nhân lực của thị trường này trong thời gian qua, tạo điều kiện cho thị trường phát triển theo hướng chuyên nghiệp. Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo ngại về sự bùng nổ những trung tâm đào tạo theo kiểu “ăn xổi ở thì”.

“Khát” nhân lực

Nhân lực vừa thiếu lại vừa yếu trong khi thị trường bất động sản đang rất nóng bỏng và hấp dẫn - đó là đánh giá chung của các chuyên gia nước ngoài về thị trường nhân lực cho lĩnh vực bất động sản trong nước. Tình trạng thiếu hụt diễn ra ở tất cả các khâu, từ các chuyên gia kỹ thuật, các chuyên gia kinh doanh, định giá, môi giới...

Nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng thiếu hụt là do thị trường bất động sản đã phát triển quá nhanh so với sự phát triển của công tác đào tạo nhân sự cho lĩnh vực này. Có thể thấy đầu tư vào bất động sản đang là một kênh đầu tư hấp dẫn. Chính vì vậy, sự ra đời và lớn mạnh của hàng loạt các công ty bất động sản trong nước, cùng với những đơn vị từ lĩnh vực khác mở rộng hoạt động kinh doanh sang lĩnh vực này, tạo nên một mức “cầu” nhân lực quá lớn, dẫn đến sự thiếu hụt.

Tại các nước công nghiệp, việc phát triển của thị trường bất động sản đã thúc đẩy sự hình thành ba nghề nghiệp chuyên môn, đó là: nhà định giá tài sản, nhà môi giới bất động sản và nhà quản trị bất động sản. Mặt khác, khách hàng cũng có những yêu cầu khá cao. Phần lớn khách hàng trông đợi vào một tổ hợp dịch vụ đầy đủ với sự tư vấn chuyên nghiệp giúp họ có một cái nhìn cụ thể và chính xác về tất cả các khía cạnh kinh tế, pháp lý và xã hội trong thị trường này.

Tại Mỹ, dịch vụ môi giới đã hình thành và hoạt động từ hơn 60 năm nay với Hiệp hội Quốc gia của các nhà hoạt động trong lĩnh vực bất động sản (National Association of Realtors). Tổ chức này hoạt động chuyên nghiệp với các chương trình hỗ trợ của những nhà tư vấn, quản trị và thẩm định giá. Họ đào tạo cũng như tự đặt ra mục tiêu phấn đấu để trở thành tổ chức gây ảnh hưởng và định hình các lĩnh vực liên quan đến thị trường, thiết lập và điều chỉnh các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp, hình thành các chuẩn mực nghề nghiệp.

Còn tại Việt Nam, việc quản trị bất động sản, từ trước đến nay chỉ được thực hiện với những hoạt động không đồng bộ như kiểm kê các tài sản, soạn thảo và ghi chép các hợp đồng, thu tiền thuê, tính toán chi phí, tổ chức công việc tu sửa và bảo quản.

Một trong những loại hình dịch vụ sẽ có mức tăng trưởng nhanh trong thời gian tới là dịch vụ quản trị bất động sản thương mại như trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê, khách sạn… Hiện nay lợi nhuận trong phân khúc thị trường này lại đang chảy vào túi của các tập đoàn nước ngoài như CBRE, Savills, Accor...khi họ “chuyên nghiệp hóa” từ nhân sự đến khâu quản lý, điều hành.

Theo đánh giá của một quan chức Bộ Xây dựng, tình trạng này sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới khi trong nước chưa có một công ty nào đủ mạnh để chia “miếng bánh” đó ngay trên sân nhà. Các công ty trong nước mới chỉ đủ sức tiếp cận các công trình nhỏ, đơn lẻ. Hiện 50 - 60% thị phần trong thị trường này đang nằm trong tay các tập đoàn nước ngoài.

Một chuyên gia ở Khoa Bất động sản và Địa chính, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, cho biết vào năm 2000 với khoảng 350 triệu dân tại khối thị trường chung châu Âu (gồm 12 nước), ước tính cứ khoảng 2.333 người dân thì có 1 nhà chuyên môn về dịch vụ bất động sản. Hay tại Singapore, mỗi năm 20.000 người được đào tạo chính quy với các kỹ năng tổng hợp tham gia vào thị trường bất động sản.

Trong khi đó, tại Việt Nam, mỗi năm chỉ có 40 sinh viên chính quy được đào tạo chuyên sâu từ Khoa Bất động sản và Địa chính của Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội. Đây cũng là địa chỉ duy nhất tại Hà Nội có trung tâm đào tạo đại học và trên đại học về hai chuyên ngành Thẩm định giá và Quản trị kinh doanh bất động sản. Còn lại, một số trường đại học khác mới chỉ dừng lại ở các lớp ngắn hạn về thẩm định giá bất động sản.

Số lượng giảng viên chính quy cho lĩnh vực này cũng vào loại “hiếm”. Theo thống kê từ Khoa Bất động sản và Địa chính, tại hai điểm nóng về bất động sản là Hà Nội và TP.HCM, chỉ có chưa đầy 100 giáo viên chính quy. Hiện nay, “để có một lượng nhân lực chuyên nghiệp cung cấp cho thị trường bất động sản, chúng ta đang phải đi từ những bước đầu tiên, đó là chuyên nghiệp hóa từ đội ngũ giảng viên”- một cán bộ của Vụ Pháp chế, Bộ Xây dựng, đánh giá.

Để đối phó tình trạng thiếu hụt này, các doanh nghiệp chiêu dụ nhân tài từ các doanh nghiệp khác với mức lương và những hình thức phúc lợi hấp dẫn. Còn tất cả các sinh viên tốt nghiệp chính quy từ ngành học liên quan đến bất động sản đều được mời đón vào các Tổng Công ty xây dựng, các sàn giao dịch…

Ông Cao Tuấn, Trưởng phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản, Cục Quản lý nhà, Bộ Xây dựng, cho rằng: “Để thị trường nhà đất không bị biến động và phát triển lệch lạc thì những người làm dịch vụ phải rất chuyên nghiệp; từ việc có những am hiểu sâu sắc những vấn đề kinh tế, xã hội, luật pháp liên quan tới bất động sản, thị trường cho đến các giao dịch về bất động sản. Mà tất cả những điều này đều phải qua đào tạo thì mới có được”.

Chạy đua lấy chứng chỉ

Hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh Bất động sản, Nghị định 153/2007/NĐ-CP của Chính phủ, ban hành ngày 15.10.2007, đã quy định từ ngày 1.1.2009, mọi hoạt động về môi giới và định giá bất động sản, sàn giao dịch bất động sản phải có đủ số người có chứng chỉ hoặc giấy chứng chỉ hành nghề. Quy định này đang tạo ra một cuộc chạy đua lấy chứng chỉ, đào tạo chứng chỉ môi giới, định giá.

Với khoảng 4.000 văn phòng môi giới (TP.HCM có 3.000 văn phòng và Hà Nội 1.000 văn phòng), hơn 800 công ty bất động sản tại TPHCM, cùng với hàng nghìn người hoạt động tự do trong thị trường này đang tạo ra một nhu cầu rất lớn về đào tạo. Nắm bắt trước được nhu cầu, hàng loạt các trung tâm với các lớp đào tạo ngắn hạn về môi giới, thẩm định giá bất động sản đã được mở ra. Nhưng theo nhìn nhận của nhiều học viên thì chất lượng của những khóa học kiểu này rất kém, chủ yếu giảng dạy theo kiểu “thời vụ”.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Ngọc, giảng viên khoa Bất động sản và Địa chính, Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, kể rằng, từ khi có nghị định, 15 trung tâm đã gọi điện đến mời ông làm giảng viên, thậm chí có trung tâm chỉ muốn mượn tên ông lấy uy tín cho khóa học của mình.

Tại Hà Nội, có khóa học được đăng ký riêng cho tất cả công nhân viên của một Tổng Công ty về bất động sản. Hiện nhiều doanh nghiệp muốn cho nhân viên đi học các lớp chuyên về lĩnh vực bất động sản để nâng cao kiến thức và lấy chứng chỉ hành nghề, nhưng lại đang bối rối vì không biết tìm ở đâu những trường lớp đào tạo có chất lượng. Đây cũng là nguyên nhân khiến doanh nghiệp khó tìm kiếm, tuyển dụng được những nhân sự đáp ứng những yêu cầu của doanh nghiệp mình.

Việc xây dựng và cung ứng nguồn nhân lực cho lĩnh vực bất động sản đang được xúc tiến, dự đoán sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới. Để chuyên nghiệp và minh bạch khâu đào tạo, Bộ Xây dựng cũng quy định trước khi tiến hành đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về môi giới bất động sản, định giá bất động sản và quản lý, điều hành sàn giao dịch bất động sản, các cơ sở đào tạo phải gửi 1 bộ hồ sơ đến Bộ kiểm tra, đưa lên website của Bộ Xây dựng. Bộ hồ sơ bao gồm tài liệu về pháp lý, giáo trình giảng dạy cùng với danh sách đội ngũ giảng viên.

Theo Bộ TN - MT