Hiện tượng sụt lún đất bất thường trên địa bàn xã Hà Châu, huyện Hà Trung (Thanh Hoá) làm gần 10 gia đình lâm vào cảnh mất nhà cửa. Nguyên nhân là do một dòng sông ngầm ?
Nhiều hộ dân khác ở thôn 6 đang sống trong nỗi khiếp sợ, vì hiện tượng thổ nhưỡng biến động bất thường vẫn chưa dừng lại. Hàng đêm, người dân mỗi khi nghe thấy tiếng cột kèo trong nhà kêu răng rắc là lại phải tổng động viên chạy tháo ra ngoài...
Sống trong sợ hãi
Sáng ngày 23.1, tại thôn 6 xã Hà Châu, người dân chưa nguôi nỗi khiếp sợ và hốt hoảng khi nhắc lại chuyện sụt đất trước đó. Nhiều ngôi nhà cấp 4 đổ nát trong sự hoang tàn. Bà con đã phải sơ tán đến gia đình người thân trú ngụ, tránh cái lạnh giá cắt da cắt thịt của những ngày cuối đông.
Ông Lê Viết Triết - nhà ngay sát vách với gia đình ông Lê Viết Sương, chủ hộ khoan giếng bị sụt đất - nhìn đống đổ nát và tự hỏi lòng mình rằng điều gì vừa xảy ra vậy! Thật không tin nổi, ngôi làng này có cách đây gần một nghìn năm lịch sử. Bà con chòm xóm láng giềng sống tốt và đùm bọc, tắt lửa tối đèn có nhau.
Nét truyền thống văn hoá lưu giữ từ ngàn đời nay chưa ai phá bỏ. Nhưng bây giờ đất sụt, ai cũng tiếc nuối. Hôm thổ địa bắt đầu "nổi loạn", lúc đó khoảng 4 giờ chiều, ông Triết nhận được tin báo khi đang làm đồng, ông tỏ ra thờ ơ vì tưởng chuyện sụt đất chỉ là sự cố nhỏ.
Nhưng nào ngờ được khi màn đêm buông xuống, ông trở về ngôi nhà thân thương thì nó đang bị xé toác ra thành trăm mảnh. Lúc này chính quyền địa phương đã cô lập hoàn toàn, không cho người dân ra vào nhà mình nữa.
Suốt nhiều giờ tiếp theo, đất tiếp tục sụt và kéo đổ các ngôi nhà liền kề. Ông Lê Viết Sương kể rằng: "Khi khoan đến độ sâu 50m mới gặp đá, khoan tiếp 50cm nữa tầng đá này bị thủng, nước tụt xuống. Đám thợ khoan hồ hởi cho đóng ống". Nhưng hỡi ơi, chiếc ống nhựa đầu tiên bắt đầu đưa xuống lòng đất, cũng là lúc mọi người nghe thấy tiếng chảy rào rào ở đâu đó rất xa.
Rồi tiếp theo ngôi nhà ông Sương đang sống tụt dần, móng hở ra và đổ ập. Thấy vậy, ông Sương hô to để thợ lẫn chủ bỏ chạy, mặc cho địa tầng làm mưa làm gió. Ông Hoàng Hữu Tài - nhà ở tận thôn 5 - phản ánh: Hàng đêm, ngôi nhà người em ruột của ông vẫn đang rơi từng mảng tường xuống và nghe thấy tiếng nước chảy dưới lòng đất. Ông Tài đã phải đưa 2 đứa cháu về nhà mình sống.
Đau đớn hơn nữa là gia đình anh Nguyễn Hùng Ánh, xây hẳn một ngôi nhà 2 tầng khang trang từ năm 2004 với tổng số tiền thời đó hết 200 triệu đồng. Căn hộ vừa được lăn sơn lại để đón chào mùa xuân mới sắp về, giờ thì nó nghiêng ngả, xiêu vẹo như người say rượu đi trước gió. Hiện vợ chồng ông Ánh đang phải sống nhờ bên cậu em vợ.
Tồn tại một dòng sông ngầm (?!)
Được biết cách đây khoảng hơn 1 năm, ở thôn 5 xã Hà Châu, khi gia đình ông Văn khoan giếng cũng đã xảy ra hiện tượng sụt lún. Việc sụt đất lần đó không ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, sự cố này không được chính quyền địa phương quan tâm và có biện pháp xử lý kịp thời.
Ông Lê Viết Sương - chủ nhân của chiếc giếng gây sụt đất - cho biết: Ông rất băn khoăn khi thuê người khoan giếng. Lý do là thân đất nhà ông thấp, thường xuyên ẩm ướt nên đắn đo mãi không muốn khoan.
Song rồi khi mời ông thợ nghiệp dư Hoàng Trung Thức - là người cùng xã đến - ông Thức ngắm nghía một hồi và khẳng định chắc như đinh đóng cột "không vấn đề gì, khoan tốt". Hợp đồng được thoả thuận mồm, ông Thức khoan trúng mạch nước, nhưng lời khẳng định trước đó đã trở nên vô giá trị. Thảm hoạ do một mũi khoan gây nên đã không thể lường hết được mức độ thiệt hại.
Người đàn ông này nhìn đống đổ nát và băn khoăn, không biết có
phải dưới lòng đất tồn tại một dòng sông ngầm! (ảnh trái). Chính
quyền xã Hà Châu phong toả vùng sụt đất, đề phòng bất trắc.
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: