Top

Đại học Quốc gia Hà Nội "giải trình" về 130ha đất bỏ hoang

Cập nhật 25/02/2009 14:40

Cách đây vài tháng, 20/11/2008, ĐH Quốc gia Hà Nội không còn là chủ đầu tư của dự án xây dựng Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội sau hơn 6 năm triển khai nhưng… chưa xong phần giải phóng mặt bằng. Việc bàn giao quỹ đất cho Bộ Xây dựng “thiếu” 130ha. Vì sao lô đất 130ha trong "tầm" kiểm soát của ĐHQG nhưng lại không trong quy hoạch?

Nhận 1.250ha, quy hoạch xây trường chỉ 1000ha?

PGS.TS Vũ Đức Minh, Trưởng ban Ban Kế hoạch-Tài chính (ĐHQG Hà Nội) cho hay, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ (TTCP) số 659 (ban hành ngày 16/10/1995) nêu rõ “chuyển Nông trường 1A thuộc Bộ Quốc phòng cho ĐHQG Hà Nội quản lý để xây dựng ĐHQG Hà Nội, với diện tích khoảng 1.250ha”.

Sau khi Bộ Quốc phòng bàn giao thì Nông trường 1A là một đơn vị thành viên của ĐHQG Hà Nội trực tiếp quản lý và bảo vệ toàn bộ lô đất. Trong đó, có cả 1.000ha đất quy hoạch và 130ha…

Tại tờ trình số 52/XDCB của ĐHQG Hà Nội (ngày 1/7/1997) về việc “phê duyệt quy hoạch chung và dự án tiền khả thi xây dựng ĐHQG Hà Nội” trình TTCP do chủ đầu tư là ĐHQG Hà Nội đệ trình: địa điểm xây dựng tại xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây.

Đồng thời, tờ trình nêu rõ: diện tích đất để xây dựng ĐHQG Hà Nội là 1.000ha nằm trong phạm vi Nông trường 1A.

Lý do tại sao khu đất 130ha không nằm trrong quy hoạch chung của khu ĐHQG Hà Nội? Ông Minh dẫn giải:

Theo quy hoạch ban đầu tại quyết định của TTCP số 72 (ban hành 27/1/1995) xác định diện tích đất quy hoạch xây dựng ĐHQG Hà Nội là 1.000ha nằm trong phạm vi đất của Nông trường 1A (huyện Thạch Thất, Hà Tây cũ). Như vậy, ĐHQG chỉ được quy hoạch xây dựng trên diện tích 1.000ha đã được phê duyệt.

Sau hơn 2 năm, ngày 2/6/1997 TTCP ban hành quyết định số 372 phê duyệt định hướng quy hoạch các đô thị Miếu Môn-Xuân Mai-Hòa Lạc-Sơn Tây. Trong đó, ĐHQG chỉ được bố trí ở khu vực Hòa Lạc.

Ông Minh nói tiếp, trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch đầu tư và Giám đốc ĐHQG Hà Nội - ngày 26/1/1998 Thủ tướng có quyết định số 22 phê duyệt quy hoạch chung của ĐHQG Hà Nội trong các đô thị Miếu Môn - Xuân Mai - Hòa Lạc - Sơn Tây. Lúc này, Thủ tướng mới quyết định trong 1.000ha đó thì quy hoạch như thế nào.

“Những văn bản trên đều nói lên: khu đất 130 ha nằm trong phạm vi đất Nông trường 1A do ĐHQG Hà Nội quản lý, nhưng nằm ngoài diện tích quy hoạch của ĐHQG Hà Nội đã được Thủ tướng phê duyệt” - ông Minh cho biết.

Tuy nhiên, 130ha đất đó lại nằm dọc theo ranh giới 2 phía (một bên giáp đường đi Sơn Tây, phía kia giáp đường đi Hòa Bình) của quy hoạch ĐHQG được duyệt nhưng không nằm trong diện tích 1.000ha đất quy hoạch của dự án.

Sau đó, Chính phủ chỉ đạo điều chỉnh quy hoạch chung của ĐHQG Hà Nội. ĐHQG Hà Nội có tờ trình bổ sung số 56 (ngày 31/5/2002) về việc “Xin phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung ĐHQG Hà Nội đến năm 2020”.

Ngày 23/8/2002, TTCP có quyết định số 702 về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung ĐHQG Hà Nội trong khu đô thị Miếu Môn - Xuân Mai - Hòa Lạc - Sơn Tây với diện tích đất sử dụng là 1.000ha.

Theo thông tin trong các văn bản chúng tôi thu thập, tại tờ trình bổ sung của ĐHQG Hà Nội, công văn số 1.172 (ngày 31/7/2002) của Bộ Xây dựng và quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung ĐHQG Hà Nội không “nhắc” đến 130ha. Quy mô đất điều chỉnh thể hiện trên văn bản thống nhất trên diện tích 1.000ha.

130ha bỏ “hoang” nhiều năm?



Phó trưởng Ban Xây dựng Nguyễn Lân
đang thuyết trình đường biên ĐHQG
liên quan đến khu đất 130ha. Ảnh: K.O

130ha đất đó ĐHQG Hà Nội có quản lý không và làm gì? Ông Minh “giải trình”: Như đã nói diện tích phê duyệt thực hiện dự án là 1.000ha, còn khoảng 130ha đất ngoài quy hoạch.

Khi đất không nằm trong quy hoạch xây dựng ĐHQG Hà Nội thì về Luật Đất đai thì ĐHQG Hà Nội phải chuyển giao cho địa phương quản lý.

ĐHQG Hà Nội đã làm việc với UBND tỉnh Hà Tây cũ và UBND huyện Thạch Thất, đồng thời đã có công văn ĐHQG đồng ý chuyển giao cho Hà Tây quản lý 130ha đó – ông Minh cho biết.

Tuy nhiên, ngày 1/8/2005 UBND huyện Thạch Thất (Hà Tây cũ) có công văn số 443 gửi Ban Giám đốc ĐHQG Hà Nội đề nghị giao lại đất ngoài quy hoạch ĐHQG. Trong đó nêu “để thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực hành chính, đất đai…UBND huyện Thạch Thất kính đề nghị ĐHQG Hà Nội có văn bản chính thức về việc giao lại cho huyện 150ha đất ngoài quy hoạch để làm căn cứ cho huyện lập hồ sơ thu hồi đất trình UBND tỉnh”.

Sau khi có thêm công văn số 318 của Sở Tài nguyên và Môi trường (UBND tỉnh Hà Tây) đề nghị ĐHQG Hà Nội giao lại quỹ đất ngoài quy hoạch cho địa phương, thì đến ngày 23/8/2005 ĐHQG Hà Nội mới có văn bản số 324 giao lại đất ngoài quy hoạch cho UBND tỉnh Hà Tây.

Trong đó, ĐHQG đồng ý giao lại cho UBND huyện Thạch Thất quản lý khu đất với diện tích khoảng 40ha tại vị trí IV (giáp đường đi Xuân Mai) và vị trí III (giáp đường Láng Hòa Lạc).

Và, ngày 29/10/2008, ĐHQG Hà Nội tiếp tục có công văn số 5402A gửi UBND TP.HN về việc giao lại quỹ đất ngoài quy hoạch xây dựng ĐHQG cho UBND huyện Thạch Thất quản lý.

Công văn nêu: ĐHQG đồng ý giao lại cho địa phương quản lý phần đất nằm ngoài quy hoạch với diện tích 94,861ha trình UBND TP.Hà Nội xem xét, quyết định.

Nhùng nhằng chậm bàn giao?


Theo ông Minh, 130ha đất ngoài quy hoạch chưa được bàn giao thực sự cho Hà Tây cũ cũng như Hà Nội hiện nay, vì những lý do sau:

130ha có nguồn gốc của Nông trường 1A. Do nhu cầu công việc khi thành lập các Ban quản lý dự án xây dựng Hòa Lạc thì thấy rằng việc giải thể Nông trường 1A là cần thiết. Cho đến tháng 8/2006 thì Nông trường 1A mới giải thể - đây là lý do dẫn đến chậm tiến độ thực hiện.

Mặt khác, trong 130ha đó có diện tích quy hoạch cho các nút giao thông lập thể mà cụ thể có 4 nút. Muốn làm được các nút thì phải có thỏa thuận với Bộ Giao thông - ông Minh nói.

ĐHQG đã làm thỏa thuận với Bộ GTVT nhưng cho đến nay vẫn chưa có ý kiến trả lời. Vì thế, nếu như không có thỏa thuận đó, không quy hoạch được các nút giao thông đó thì việc xây dựng ĐHQG Hà Nội rất khó khăn vì không có đường vào.

Ngoài việc “dính” đến các nút giao thông thì việc quy hoạch cũng có “dính" đến khu đất bên trong vì có những chỗ giáp ranh giữa Hòa Bình và Hà Tây cũ, trước đây cũng có những vấn đề chưa được thống nhất.

Ngày 30/9/2008 thì Thủ tướng Chính phủ có quyết định chuyển chủ đầu tư sang Bộ Xây dựng. Khi có quyết định đó thì ĐHQG Hà Nội cũng đã có làm việc với Bộ Xây dựng và đã bàn giao dự án.

Trong biên bản bàn giao ngày 20/11/2008 – theo sự thống nhất giữa Bộ Xây dựng và ĐHQG Hà Nội thì 130ha đất đó – ĐHQG Hà Nội có đề nghị Thủ tướng CP giao cho Bộ Xây dựng quản lý để điều chỉnh quy hoạch chung của dự án.

Trong biên bản bàn giao có nói: “Đồng ý chuyển 130ha đất sang Bộ Xây dựng quản lý, đồng thời điều chỉnh quy hoạch dự án”. Tuy nhiên, việc bàn giao thì chưa.

Việc bàn giao thì chưa nhưng các văn bản pháp lý liên quan đến việc bàn giao thì ĐHQG Hà Nội đã có văn bản đồng ý giao cho Hà Tây cũng như Hà Nội – ông Minh nói.

Chính vì vậy, Bộ Xây dựng có công văn gửi TTCP về việc kiến nghị giao lại 130ha cho Bộ Xây dựng quản lý để điều chỉnh quy hoạch. Trong đó, có việc điều chỉnh quy hoạch dự án Láng Hòa Lạc phù hợp với thực tế và đào tạo phù hợp với cảnh quan môi trường, cảnh quan đô thị…

VPCP đã có công văn đề nghị ĐHQG Hà Nội cho ý kiến. Ngày 3/2/2009 ĐHQG Hà Nội có công văn giải trình cho VPCP đã nói rõ quá trình, trong đó có kiến nghị duy nhất là “đề nghị TTCP xem xét phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, trong đó nếu có thể thì quỹ đất 130ha xem xét để làm nhà ở cán bộ”.

Dự án đầu tư xây dựng ĐHQGHN khởi công xây dựng từ 20/12/2003, theo tiến độ thì đến năm 2007 dự án sẽ hoàn thành xây dựng giai đoạn 1 và di chuyển lên địa điểm mới khoảng 40% các đơn vị đào tạo nhưng đến cuối năm 2008, công tác giải phóng mặt bằng dự án vẫn chưa xong được một nửa.


>Đưa vào quy hoạch chung 130 ha đất

DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet