Như tin đã đưa, Sở Xây dựng Hà Nội tiếp tục nhận hồ sơ mua nhà thuộc sở hữu nhà nước theo Nghị định (NĐ) 61/CP đến tháng 10-2011. Chính sách ưu đãi này sẽ chấm dứt khi Chính phủ ban hành NĐ mới thay thế NĐ 61/CP. Vậy, câu hỏi đặt ra là liệu chính sách mới có còn những ưu đãi như quy định tại NĐ 61/CP?
Người dân xem hướng dẫn làm thủ tục mua nhà theo NĐ 61/CP tại Sở Xây dựng. Ảnh: Bảo Kha
|
Hiện nay, Bộ Xây dựng đã tổng hợp ý kiến đóng góp của các bộ, ngành liên quan, hoàn chỉnh dự thảo NĐ mới để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. Theo dự thảo, cách tính giá nhà về cơ bản không có gì khác so với cách tính theo NĐ 61/CP. Trong đó, giá bán nhà gồm giá nhà và giá đất. Giá nhà được xác định căn cứ vào giá trị còn lại của nhà nhân với giá nhà ở mới do UBND cấp tỉnh ban hành có hiệu lực thi hành tại thời điểm bán. Giá đất được tính theo bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành có hiệu lực thi hành tại thời điểm bán và căn cứ vào vị trí của đất ở, tầng nhà. Cụ thể, với nhà ở một tầng người mua phải nộp bằng 40% giá đất ở. Với nhà ở chung cư có nhiều tầng, người mua phải nộp bằng 10% giá đất ở và phân bổ cho các tầng theo các hệ số tương ứng. Điểm thay đổi lớn nhất trong việc bán nhà là quy định giá đất được tính theo bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành có hiệu lực thi hành tại thời điểm bán, như vậy số tiền người mua phải nộp sẽ cao hơn so với giá bán nhà theo NĐ 61/CP.
Một quy định mới nữa là tiền sử dụng đất trong giá bán nhà được ghi nợ trong giấy chứng nhận. Khi thanh toán nợ, người mua nhà ở phải nộp tiền sử dụng đất theo giá đất tại thời điểm cấp giấy chứng nhận với nhà ở đã mua trước đó và được trả nợ dần trong thời hạn tối đa 5 năm. Sau 5 năm chưa trả hết nợ tiền sử dụng đất, người mua nhà phải nộp tiền sử dụng đất theo giá đất tại thời điểm trả nợ. Ngoài ra, dự thảo quy định giải quyết diện tích đất liền kề nhà ở đã bán theo NĐ 61/CP bằng cách hướng công nhận và thu tiền sử dụng đất (giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành có hiệu lực tại thời điểm giải quyết); bán các diện tích sử dụng chung chưa được phân bổ vào giá bán nhà thuộc sở hữu nhà nước. Trường hợp nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước phân phối cho CBCNVC sau năm 1992 nhưng chưa được xem xét, dự thảo mới giải quyết theo hướng, nhà diện này sẽ được bán cho người đang sử dụng (nếu đủ điều kiện). Nếu đã nộp đơn đề nghị mua nhà trước ngày nghị định này có hiệu lực thì tiếp tục hoàn tất thủ tục bán nhà theo các quy định tại NĐ 61/CP.
Về việc miễn giảm tiền mua nhà, dự thảo nêu: Trường hợp bố trí sử dụng sau ngày ban hành Quyết định số 118/TTg đến trước ngày ban hành NĐ 61/CP thì tiền sử dụng đất thu như đối với nhà ở cũ đang cho thuê nêu trên. Trường hợp bố trí sử dụng sau ngày ban hành NĐ 61/CP thì thu 100% tiền sử dụng đất tính theo bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành có hiệu lực thi hành tại thời điểm bán. Ngoài ra, nguyên tắc thực hiện giảm tiền nhà bảo đảm mỗi đối tượng chỉ được giảm một lần, trường hợp hộ gia đình có nhiều người được giảm thì được cộng các mức giảm nhưng không được vượt quá tiền nhà, trong đó mức giảm tiền nhà cho mỗi năm công tác được tính bằng 0.69 lần mức lương tối thiểu tại thời điểm mua đối với cán bộ, công chức viên chức và 1.24 lần đối với lực lượng vũ trang... Theo số liệu tổng hợp, trước đây, quỹ nhà ở thuộc sở hữu nhà nước đã phân phối, bố trí theo Quyết định 150/CP có khoảng 402,472 căn, trong đó có 317,000 căn thuộc diện được bán. Tính đến hết năm 2010, cả nước đã bán được 308,300 căn, đạt 83.1%. Số nhà ở còn lại có khoảng 94,000 căn, trong đó thuộc diện được bán là 62,700 căn, chiếm 16.9%. Trong 5 năm gần đây Thủ tướng Chính phủ đã ba lần quy định mốc thời gian để hoàn thành việc bán nhà ở này. Tại văn bản số 469/TTg-KTN ngày 29.3.2011, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương thực hiện việc bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo NĐ 61/CP đến khi có nghị định mới thay thế và giao Bộ Xây dựng nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách mới để áp dụng sau khi chấm dứt chính sách bán nhà ở này.
Bên cạnh các quy định về bán nhà, dự thảo NĐ mới cũng quy định việc quản lý nhà thuộc sở hữu nhà nước (khoảng 39,400 căn, diện tích 2,030,000m2, gồm nhà ở và nhà có nguồn gốc không phải là nhà ở) mà các địa phương bố trí sử dụng sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 118/TTg (ngày 27-11-1992). Thực tế, đến nay đã bán theo NĐ 61/CP 25,300 căn mặc dù việc bố trí sử dụng và bán như trên là không phù hợp với quy định của pháp luật vì Quyết định số 118/TTg đã quy định bỏ chế độ phân phối, bố trí nhà ở. Ngoài ra, dự thảo NĐ cũng có quy định việc quản lý nhà ở công vụ (khoảng 315,280m2 sàn). Hiện NĐ 71/2010/CP chỉ tập trung vào đầu tư xây dựng, chưa có quy định cụ thể về việc quản lý sử dụng và vận hành loại nhà ở này. Vì vậy, nảy sinh nhiều bất cập; nhiều trường hợp không thực hiện việc ký kết hợp đồng thuê, chưa thực hiện việc thu tiền thuê nhà theo quy định của pháp luật về nhà ở công vụ... Tương tự, nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách (khoảng 119,380m2 sàn) mới có quy định về đầu tư xây dựng, chưa có quy định quản lý việc bán, sử dụng và vận hành.
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: