Theo các văn phòng môi giới nhà đất, hiện giá đất nền tại các dự án đã bắt đầu giảm khá mạnh kể từ đầu tháng 5. Cá biệt, có những dự án như Geleximco và Kim Chung – Di Trạch rớt khoảng 7-9 triệu đồng/m2...
Giá đất nền lao dốc
Việc thắt chặt tín dụng bất động sản đã khiến cho thị trường đóng băng từ hơn một tháng nay. Dạo qua các văn phòng môi giới tại các chợ đất dọc Lê Văn Lương kéo dài, trục quốc lộ 32, đại lộ Thăng Long…. chỉ lác đác một vài văn phòng mở cửa, còn lại phần lớn đóng cửa.
Anh Minh Nhân – nhân viên môi giới sàn bất động sản Hà Nội (đường 32) cho biết, giá đất tại các dự án nằm trên trục đường 32 hiện nay giảm khá mạnh và hầu như không có giao dịch thành công. Giảm giá nhiều nhất dự án Kim Chung – Di Trạch 5-7 triệu đồng/m2, liền kề vị trí đường to xấp xỉ 50 triệu đồng/m2, đường nhỏ 42 triệu đồng/m2. Sau đấy dự án Tân Tây Đô giảm 4 triệu đồng/m2 hiện giá mỗi m2 khoảng 48-50 triệu đồng/m2. Dự án khu đô thị mới Tân Việt giá chỉ giao động 40 triệu đồng/m2 giảm 2 triệu đồng/m2.
“Giới đầu tư, đầu cơ bất động sản đã ngừng giao dịch từ nhiều ngày nay trong đó nhiều nhà đầu tư “ruột” có lượng tiền nhiều của sàn tôi đều đang gửi tiền tại ngân hàng chờ giá đất giảm nữa họ mới mua vào. Còn nhà đầu tư nhỏ do lãi suất quá cao không vay được vốn ngân hàng cũng chỉ còn cách ngồi nhìn. Không có giao dịch thị trường dường như đang bất động, còn các nhà đầu tư hiện vẫn có tâm lý nghe ngóng, chờ đợi thông tin mới từ phía các cơ quan quản lý. Với diễn biến này, nhiều khả năng bất động sản sẽ tiếp tục còn trầm lắng” Anh Nhân cho biết.
Không khí ảm đạm cũng đang diễn ra tại chợ đất dọc đại lộ Thăng Long, theo các nhân viên môi giới tại khu vực này hiện giá đất dự án Geleximco đang giảm mạnh nhất khoảng 10 triệu đồng/m2 hiện Geleximco khu A vị trí mặt đường Lê Trọng Tân không có người bán ra, còn tại các đường nhỏ giá khoảng trên 40 triệu đồng/m2 giảm 8 triệu đồng/m2 so với hồi đầu tháng 3, khu B, C cũng giảm mạnh hiện rơi vào khoảng 47- 49 triệu đồng/m2.
Giá đất nền thuộc dự án Nam An Khánh cũng gần như bất động khi tiến độ xây dựng dự án quá chậm. Giai đoạn 1 của dự án, giá liền kề hiện được chào bán gần 40 triệu đồng/m2, biệt thự khoảng 32-35 triệu đồng/m2 giảm khoảng 3-4 triệu đồng/m2.
Giao dịch có phần khá hơn dự án trục đường 32, đại lộ Thăng Long, các bất động sản nằm trên trục Lê Văn Lương kéo dài có phần giữ được giá, liền kề An Hưng hiện vẫn xoay quanh mức 79-80 triệu đồng/m2, biệt thự 62-63 triệu đồng/m2, khu đô thị mới Văn Phú giảm 2 triệu đồng/m2 hiện 60-62 triệu đồng/m2 đường nhỏ, liền kề mặt đường Lê Trọng Tấn 120-130 triệu đồng/m2.
Hay như dự án Thanh Hà – Cienco 5, thời điểm đầu tháng 3 giá mỗi m2 liền kề 34 triệu đồng/m2, giá biệt thự 25-26 triệu đồng/m2 tuy nhiên khoảng 2 tuần nay giao dịch đóng băng, giá giảm khoảng 3-4 triệu đồng/m2.
Lý giải việc nhiều dự án có mức giảm mạnh chỉ trong một thời gian ngắn, anh Tuấn Trung – một nhà đầu tư lão luyện cho biết, tại các dự án khu đô thị mới như Văn Phú, Văn Khê đã hoàn thiện và đang trong giai đoạn bàn giao nhà, giá giảm không đáng kế. Bởi, hầu hết nhà đầu tư khi đã theo dự án đến lúc bàn giao nhà đều có mục đích vừa giữ bất động sản vừa giữ tiền. Họ có thể hoàn thiện để cho thuê, kinh doanh hoặc để ở. Chỉ có người nào thật cần tiền họ mới bán trong lúc này.
Còn dự án một thời sốt “sình sịch” như Kim Chung – Di Trạch do vẫn đang trong giai đoạn góp vốn, lượng tiền đóng ít vì vậy vài tháng trước nó đã trở thành tâm điểm đầu tư của giới đầu cơ. Tuy nhiên có một điểm rất bất lợi, nếu thị trường “nóng”, các dự án đóng tiến độ như Kim Chung – Di Trạch giá tăng từng ngày còn trong bối cảnh như hiện nay với lãi suất cao gần 27% thì chẳng nhà đầu tư nào dám mua và khi họ tháo chạy đồng nghĩa với việc giá giảm mạnh thậm chí rớt thê thảm. Lúc này phần thua thiệt sẽ dành cho khách hàng mua đúng thời điểm giá lên đến “đỉnh”.
"Tiền mặt là vua"
Theo thống kê ngân hàng nhà nước trong quý I, mặc dù lãi suất cho vay cao nhưng tỉ lệ dư nợ cho vay bất động sản chiếm trên 30%. Nếu đúng lộ trình, hết tháng 6 tỉ lệ này phải kéo xuống mức 22% và cuối năm là 16%. Điều này đồng nghĩa việc lãi suất cho vay đẩy lên mức cao 20-22% cộng cả các chi phí khác mức lãi suất có thể lên đến 26-27%.
Với mức lãi suất cao như vậy khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản và các nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn.
Theo nhận định của giới đầu tư, trong bối cảnh này người giữ tiền mặt sẽ là vua bởi chỉ khoảng 1-2 tháng nữa đến thời điểm đáo hạn ngân hàng, sẽ có rất nhiều chủ đầu tư buộc phải bán tống bán tháo dự án do không đủ tiền để triển khai, còn nhà đầu tư cũng sẽ có cuộc tháo chạy khỏi thị trường . Đó cũng là thời điểm thích hợp để người mua tung tiền vào mua bất động sản
Cục phó Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Vũ Xuân Thiện cho rằng, với các chính sách của nhà nước nhằm ổn định kinh tế nói chung và bình ổn thị trường bất động sản nói chung, thị trường bất động sản đang có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng có lợi cho người mua.
DiaOcOnline.vn - Theo Vnmedia
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: