Top

Kích đầu tư nhà trọ công nhân

Cập nhật 14/08/2014 13:19

Nhà trọ dành cho công nhân tại các khu công nghiệp (KCN), khu vực có đông nhà máy xí nghiệp hoạt động đang thiếu trầm trọng. Tuy nhiên vẫn ít doanh nghiệp đầu tư vì không hiệu quả.

Nhu cầu lớn

Khu phố 5 và 6 phường Tân Thới Nhất (quận 12, TPHCM) là địa bàn có hàng chục nhà máy, xí nghiệp hoạt động, thu hút hàng ngàn công nhân từ các nơi đến làm việc. Tuy nhiên, hầu hết nhà máy này không có nhà lưu trú nên công nhân phải tự tìm chỗ ở. Nắm bắt nhu cầu này, nhiều hộ dân ở đây đã bỏ tiền xây nhiều dãy nhà trọ.

Nhưng xây nhà nào là hết phòng ngay, nhiều công nhân phải thuê nhà ở tận Bà Điểm (Hóc Môn) hay Củ Chi. Tương tự, những dãy nhà trọ hàng trăm phòng tại các xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B (Bình Chánh) luôn kín người thuê. Anh Bình, công nhân đang làm việc tại Công ty May Đan Phương (đường Phan Văn Hớn, quận 12), cho biết hàng ngày anh phải đi từ nhà trọ trên đường Trần Văn Mười (Hóc Môn) đến nơi làm việc hết 6km.

Anh muốn tìm nhà trọ gần chỗ làm để những lúc tăng ca (có khi đến 10 giờ đêm mới nghỉ) đi về cho tiện, nhưng gần 1 năm nay vẫn chưa có phòng trống. Ông Trần Bê, chủ nhà trọ đường Nguyễn Thị Tú (Vĩnh Lộc A, Bình Chánh), cho biết do nhu cầu đông nhưng nguồn cung ít nên khi công nhân nghỉ 1-2 tháng về quê cũng đặt tiền để giữ phòng.

Trước nhu cầu nhà trọ cho công nhân lớn, nhiều doanh nghiệp có ý định đầu tư xây, nhưng khi tính toán thấy không hiệu quả nên rút lui. Ông Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc Công ty Cơ khí Tiên Tiến (Hóc Môn) - đơn vị đang có hơn 300 phòng trọ cho công nhân thuê, cho biết chưa tính giá trị đất, xây mỗi phòng trọ diện tích 16m2 (nhà cấp 4, gác gỗ) cũng mất 30 triệu đồng. Giá cho công nhân thuê phòng tại các quận, huyện ngoại thành từ 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng/tháng.

Như vậy để thu hồi vốn đầu tư trên đất cũng mất 3 năm, lúc này phòng trọ đã xuống cấp trầm trọng. Nếu tính luôn giá trị đất, tiền vay ngân hàng, thuê người quản lý trông coi, xem như không hiệu quả. Thời gian qua, Chính phủ và UBND TPHCM có một số chính sách khuyến khích người dân đầu tư phòng trọ cho công nhân thuê, như Quỹ phát triển nhà ở TP cho hộ gia đình xây phòng trọ vay lãi suất ưu đãi. Để được vay gói ưu đãi này người dân phải lập dự án, dự toán khả năng thu hồi vốn… với thủ tục khá phức tạp, nên thời gian qua rất ít người được vay từ chương trình này.

Thông thoáng cơ chế

Theo báo cáo của Sở Xây dựng TPHCM, TP đang có gần 1.492.380m2 diện tích nhà lưu trú công nhân, đáp ứng khoảng 473.800 chỗ ở cho công nhân và người lao động. Trong đó, Nhà nước xây dựng 235.380m2, phần còn lại chủ yếu do người dân đầu tư xây dựng, làm theo kiểu tự phát, chưa tuân thủ những quy định về PCCC, an toàn vệ sinh môi trường, tạm trú tạm vắng, nên những khu nhà trọ này khá phức tạp.

Các chủ nhà trọ cho rằng nếu tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi và được sự hỗ trợ của địa phương, họ sẵn sàng đầu tư xây nhà trọ khang trang hơn. Nhiều ý kiến kiến nghị chính quyền địa phương hỗ trợ trong việc đăng ký hộ khẩu tạm trú, tạo điều kiện để công nhân an tâm lưu trú lâu dài. Hiện nay 80-90% công nhân làm việc ở các KCN-KCX tại TPHCM đang phải thuê trọ ở các khu nhà trọ tư nhân có chất lượng kém, không đáp ứng đủ tiêu chuẩn về vệ sinh và điều kiện sinh hoạt tối thiểu.

Một dãy nhà trọ nhếch nhác cho công nhân ở quận Thủ Đức.Ảnh: Cao Thăng

Nghị định 188 về quản lý phát triển nhà ở xã hội đã đưa ra nhiều cơ chế khuyến khích người dân đầu tư xây dựng nhà cho công nhân thuê, như được vay với lãi suất ưu đãi 5%/năm, được giảm thuế thu nhập cá nhân, được tạo điều kiện về quy hoạch, thiết kế…

Tuy nhiên, để được hưởng những cơ chế ưu đãi này, chủ đầu tư phải xây dựng các khu nhà trọ đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về diện tích, môi trường sống, hạ tầng xã hội… Nhu cầu nhà lưu trú công nhân tại TPHCM hiện nay rất lớn, thời gian tới TP cần tiếp tục tạo điều kiện, phổ biến các thủ tục, tiêu chuẩn, quy chuẩn, chất lượng nhà ở, cũng như quy hoạch chung để người dân và doanh nghiệp có điều kiện tham gia phát triển mô hình nhà xã hội này.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Đầu tư