Top

Khu lưu trú bỏ không, công nhân thiếu chỗ ở

Cập nhật 06/10/2014 09:09

Thực trạng này khiến các sở, ngành ở TP.HCM đau đầu. Lãnh đạo TP đang cho rà soát để giải quyết, tránh lãng phí.

Nhà lưu trú cho công nhân bỏ không trong khi công nhân thèm thuồng nhưng không đủ tiền vào ở. Con công nhân khát trường mầm non nhưng không có đất để xây. Đó là những điểm nóng được các ngành xới lên lại trong hai ngày làm việc vừa qua.

Công nhân nghèo, nhà lưu trú quá sang

Ngày 5-10, lãnh đạo TP.HCM cùng đại diện các sở, ngành đã có buổi tiếp xúc với công nhân, người lao động tại KCN Vĩnh Lộc.

Người lao động Văn Thị Hợi phản ánh, Ban quản lý hạ tầng KCN Vĩnh Lộc xây khu nhà lưu trú với quy mô hơn 300 phòng nhưng thực tế chỉ có 62 phòng có công nhân ở. Chị Hợi nói: “Công nhân rất bức bách về chỗ ở. Trong khi đó, nhà lưu trú là một cơ ngơi mơ ước, lẽ ra công nhân phải vui mừng đăng ký vào ở nhưng công nhân lại không hào hứng. Lý do là chi phí quá cao, các nội quy sinh hoạt ngặt nghèo”.

Lý giải vấn đề này, ông Vũ Văn Hòa, Trưởng Ban quản lý các KCX-KCN TP.HCM (Hepza), cho rằng thiết kế các khu nhà này chưa phù hợp với công nhân do quá rộng, quá sang, giá cả chưa hợp lý. Bên cạnh đó, nội quy ăn ở sinh hoạt quá khắt khe khiến công nhân chưa mặn mà. Ông Hòa đề nghị phải điều chỉnh lại giá cả, nới lỏng nội quy quản lý hơn để thu hút công nhân vào ở.

Lắng nghe tâm tư của nhiều công nhân về việc khát khao được ở nhà lưu trú nhưng không được, ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TP, yêu cầu cần phải làm rõ nguyên nhân tại sao công nhân không vào ở các khu lưu trú trong khi mức đầu tư lớn (gần 30 tỉ đồng). Ông Thuận đánh giá đây là sự lãng phí, cần phải giải quyết sớm cho công nhân an cư.


Tại buổi tiếp xúc ngày 5-10, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM, thăm hỏi, trao quà cho công nhân. Ảnh: P.ĐIỀN

Thiếu đất xây trường mầm non

Trước đó, ngày 4-10, vấn đề xây trường mầm non cho con công nhân lại nóng lên tại Hội nghị giải pháp phát triển giáo dục mầm non KCN-KCX do Bộ GD&ĐT tổ chức tại TP.HCM.

Phát biểu tại hội nghị, ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết thời gian qua TP tập trung đầu tư xây dựng trường lớp, chính sách chăm lo, hỗ trợ nhiều cho giáo dục mầm non để chất lượng luôn giữ ở mức cao. Dù khó khăn nhưng TP luôn tạo mọi điều kiện để mọi con em có hay không có hộ khẩu đều được đi học. Tuy nhiên, chính sách Nhà nước trong việc xã hội hóa giáo dục chưa thuận lợi và đồng bộ, gây khó khăn khi kêu gọi các nhà đầu tư bên ngoài cùng chăm lo cho mầm non.

Cụ thể là những nghị định trước đây về KCN-KCX đều quy định rằng không có dân cư sinh sống trong KCN-KCX nên khi những nơi này hình thành đã không bố trí quỹ đất để xây dựng các công trình phục vụ tiện ích cho người lao động như trường mầm non, bệnh viện, chợ... Vì thế, việc tìm quỹ đất ở đây để xây dựng trường mầm non rất khó khăn.

Đại diện ngành giáo dục các tỉnh đều than thở về việc khó khăn khi tìm quỹ đất ở trong KCN-KCX để xây trường mầm non.

Một vấn đề khác khiến việc thiếu hụt trường mầm non ở KCN-KCX là không thu hút được các doanh nghiệp đầu tư xây dựng trường mầm non nơi đây. Bà Phạm Thị Hải, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Nai, cho hay hiện tỉnh có đến 31 KCN với hơn 443.000 lao động, có đến 70% lao động có nhu cầu gửi con ở độ tuổi mầm non nên áp lực về trường lớp rất lớn. Sở cũng đã làm việc với các sở, ngành khác để tháo gỡ nhưng gặp trở ngại về chính sách là nhiều dự án trường học do các doanh nghiệp đầu tư vào các KCN lại không được ưu đãi. Đó cũng là khó khăn tại các địa phương như Vũng Tàu, Cần Thơ, Bình Dương nêu ra tại hội nghị.

“Nhà nước nên có một cơ chế thuận lợi, ưu đãi, miễn giảm tiền thuê đất để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào giáo dục mầm non ở các KCN-KCX” - bà Hải ý kiến.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa ghi nhận các ý kiến đóng góp từ các địa phương. Thứ trưởng đề nghị các địa phương chủ động quản lý chặt các cơ sở giáo dục mầm non, nhất là các nhóm lớp ngoài công lập để đảm bảo chăm sóc, giáo dục trẻ tốt nhất. Đồng thời, tiếp tục kêu gọi đầu tư, đẩy mạnh tiến độ xây dựng trường lớp để sớm giải quyết chỗ học cho con em.

Như vậy, sau rất nhiều những buổi giám sát, làm việc về vấn đề xây trường đáp ứng nhu cầu cho con em công nhân, dường như các ngành vẫn chưa tìm được lối ra cho việc này.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết TP có 15 KCN-KCX đang hoạt động với 270.275 lao động trong 1.280 doanh nghiệp. Đến nay, TP đã có 15 dự án đầu tư xây dựng trường mầm non từ nguồn xã hội hóa với tổng quỹ đất là 46.491 m2, dự kiến đáp ứng khoảng 4.000 trẻ. Trong đó, năm dự án đã đi vào hoạt động, một dự án đang xây dựng, chín dự án đang lập và tìm kiếm chủ đầu tư. Ngoài ra, 20 dự án đầu tư xây dựng trường mầm non trong khuôn viên và các khu vực liền kề KCN-KCX đã và đang được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách TP. Tuy nhiên, để các dự án này được xây dựng, TP rất vất vả để có được nguồn đất và nhà đầu tư. Lý do, các KCN-KCX hình thành trước đây đều không có quỹ đất để xây dựng các công trình phục vụ tiện ích cho người lao động. Việc tìm quỹ đất ở đây để xây dựng trường mầm non rất khó khăn.

______________________________________

Lương cơ bản của công nhân chỉ có 3,2 triệu đồng/tháng, trong khi tiền gửi con tại các trường tư thục mất 1,2 triệu đồng chưa kể tiền sữa, tiền ăn cho con. Nếu cộng gộp các chi phí để nuôi con thì tiền lương của hai vợ chồng vừa đủ nuôi một đứa con, chưa có phần của cha mẹ.

Chị NGUYỄN THỊ HÀ, công nhân KCN Vĩnh Lộc


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp luật TP