Top

Sau 1/1/2008, “số phận” giấy trắng sẽ ra sao?

Cập nhật 19/12/2007 08:00

Chỉ còn khoảng mươi ngày nữa là mọi loại giấy chủ quyền nhà đất được cấp qua các thời kỳ trước và sau năm 1975 (gọi tắt là giấy trắng) sẽ không còn giá trị trong giao dịch liên quan đến chuyển nhượng, mua bán, thế chấp… Nhưng đến nay, những rắc rối xung quanh việc “đổi màu” cho giấy trắng không những không giảm mà càng ngày càng phức tạp, làm khổ người dân và cả cán bộ thụ lý.

Ngồi trên lửa vì chưa đổi kịp

Do đặc thù riêng nên TP.HCM là địa phương có nhiều giấy trắng nhất cả nước (khoảng trên 200.000 trường hợp). Theo thống kê sơ bộ, TP có khoảng 62 loại giấy chủ quyền trắng, như trước năm 1975 là bằng khoán điền thổ, văn tự đoạn mãi bất động sản..., còn sau năm 1975 là quyết định cấp đất, quyết định cấp nhà, văn tự mua bán…

Căn cứ Nghị định 84 (ngày 25/6/2007) do Chính phủ ban hành, từ 1/1/2008, người sử dụng đất phải có giấy chứng nhận (giấy hồng, giấy đỏ) mới được thực hiện các quyền chuyển đổi, cho thuê...

Điều này đồng nghĩa những loại giấy trắng sẽ mất đi giá trị xác nhận chủ quyền cho người sử dụng và sở hữu nhà đất, mà chỉ còn mang tính “tham khảo” để làm căn cứ cấp đổi giấy hồng mới.

Tại một số phòng công chứng, nhiều người dân phản ánh khi nộp hồ sơ có liên quan đến giấy trắng, công chứng viên đã đề nghị nên cấp đổi sang giấy hồng trước khi thực hiện giao dịch. Bởi theo họ, có một số loại giấy trắng không thể hiện được quyền sử dụng đất hoặc quyền sở hữu nhà!?

Về phía người dân, khi nhắc tới việc đổi màu hồng cho giấy chủ quyền trắng, ông Phạm Quang Lộc (ngụ quận Bình Thạnh) không khỏi ngán ngẩm. Ông Lộc kể lại, sau gần 6 tháng “sưu tập” các loại giấy tờ, chữ ký, con dấu... theo hướng dẫn của cán bộ, đến cuối tháng 4 - 2007, hồ sơ xin cấp đổi giấy chủ quyền của ông cũng được quận thụ lý.

Tưởng rằng theo quy trình chỉ mất 30 ngày là xong, thế nhưng đến giữa tháng 8, ông Lộc vẫn cứ hàng tuần phải lên quận để thăm dò kết quả. Đây không phải là trường hợp cá biệt.

Theo ông Đỗ Phi Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, các trường hợp hồ sơ giải quyết trễ hẹn, ứ đọng hồ sơ (quá 30 ngày làm việc) hiện khá phổ biến, nhất là tại một số quận, huyện thiếu người và quá tải về lượng hồ sơ xin cấp đổi.

Một vướng mắc khác liên quan đến trường hợp cấp đổi giấy trắng là trường hợp người dân đang thế chấp tại ngân hàng. Tại một số địa phương, việc cấp đổi giấy vẫn được thụ lý, miễn ba bên là ngân hàng, người dân và UBND quận, huyện nơi nhà, đất tọa lạc đồng thuận.

Thế nhưng, một số địa phương lại từ chối nhận hồ sơ với lý do nhà đang thế chấp. Muốn được giải quyết, người dân phải trả hết vốn vay cho ngân hàng rồi mới được làm thủ tục cấp đổi sau.

Một số ngân hàng khác cho rằng, sau thời điểm 1/1/2008, chủ nhà đất không đổi kịp thì chắc chắn những giấy này không còn giá trị giao dịch và đương nhiên ngân hàng cũng không thể nhận thế chấp lại nếu người dân không chủ động đi đổi giấy.Vì vậy, nhiều chủ nhà đất có giấy trắng chưa kịp đổi sang giấy hồng như đang ngồi trên lửa.

Đổi màu hay làm mới thủ tục?

Có mặt ở quận Bình Thạnh vào những ngày thứ ba hàng tuần, chúng tôi cảm nhận mức độ “nóng” khủng khiếp ở nơi này: người dân đứng ngồi lũ lượt, chen chúc nhau trong phòng chờ để đợi hỏi về hồ sơ xin cấp, đổi giấy.

Chú Phạm Ngọc Thiết, ở đường Bùi Hữu Nghĩa, phường 2, Bình Thạnh đưa cho chúng tôi xem tờ biên nhận ghi chi chít ngày giờ hẹn. Hồ sơ nhà chú được tiếp nhận và hẹn ngày trả là 8 - 6. Nhưng đã qua 4 lần hẹn tới hẹn lui (25 - 7, 3 - 8, 28 - 8 và 30 - 10) mà tờ giấy hồng vẫn còn quá xa vời với chú. Mới đây, thứ ba ngày 11 - 12, chú lại lên thì được yêu cầu bổ sung lại bản vẽ!

Nhiều lãnh đạo quận, huyện thừa nhận, việc đổi giấy trắng sang giấy đỏ, giấy hồng không đơn thuần là đổi màu giấy mà thật sự phải làm lại thủ tục xin cấp giấy mới. Bà Nguyễn Thị Tâm, Tổ trưởng Tổ nghiệp vụ hành chính công quận 11 cho biết, giấy trắng chỉ xác nhận thời điểm, mục đích sử dụng đất và bản vẽ không thể hiện số tờ, số thửa, vị trí thửa đất, lại dễ chênh lệch diện tích… nên “rất khó cho quận”.

Tất cả những lý do trên khiến thời gian cấp đổi giấy trắng kéo dài hơn nhiều so với trường hợp cấp giấy hồng thông thường. Tại quận Tân Phú, việc xử lý còn phức tạp hơn: nếu chênh lệch diện tích thì phải tìm hiểu kỹ phần đất dôi ra, phải niêm yết và được phường kiểm tra, xác nhận…

Ngược lại, ông Đỗ Phi Hùng cho rằng trường hợp nhà giấy trắng muốn “đổi màu” không khó. Ông Hùng cho biết, theo quy định, thời gian cấp đổi là 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ. Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện cấp giấy hoặc cần bổ sung, trong thời hạn 15 ngày làm việc phải ra văn bản trả lời và nêu rõ lý do. “Nếu có sự chậm trễ, người dân nên gặp chủ tịch UBND quận, huyện để phản ánh”, ông Hùng chỉ dẫn.

Ông Phạm Ngọc Liên, Giám đốc Trung tâm Thông tin TN - MT và Đăng ký nhà đất:

Thủ tục cấp đổi phải đơn giản

Theo thống kê chưa đầy đủ, số giấy trắng hiện đang thế chấp tại ngân hàng khoảng 20.000 trường hợp. Ông Phạm Ngọc Liên, Giám đốc Trung tâm Thông tin TN - MT và Đăng ký nhà đất (Sở TN - MT TPHCM), cho rằng đây là tình trạng khá phổ biến, do vậy thủ tục cấp đổi phải làm sao cho đơn giản.

Ông Liên lưu ý: Sau ngày 1/1/2008, giấy trắng vẫn còn giá trị pháp lý để làm cơ sở cấp giấy hồng theo quy định. Nếu muốn giao dịch thì phải lập thủ tục chuyển đổi sang giấy hồng trước khi chuyển nhượng. “Trong thời điểm hiện nay, nếu người dân có giấy trắng muốn chuyển nhượng thì lập thủ tục chuyển nhượng trước, sau đó cấp đổi sang giấy hồng sẽ thuận lợi hơn vì sẽ rút gọn gần 40% thời gian so với cách hiện nay các cơ quan yêu cầu người dân thực hiện”.

Ông Trương Văn Non, Chủ tịch UBND quận Gò Vấp:

Bó tay vì... quá tải

Hiện nay số lượng giấy trắng còn khá nhiều, như quận Bình Tân có khoảng 10.000 giấy trắng và khoảng 10.000 trường hợp nhà, đất chưa có giấy tờ hợp lệ; quận 5 có khoảng 13.000 trường hợp; quận 3 có khoảng 9.000 trường hợp; quận Gò Vấp có khoảng 12.295 trường hợp…

Chính vì quá tải nên ông Trương Văn Non, Chủ tịch UBND quận Gò Vấp cũng “bó tay” và đề nghị TP mở rộng quy trình thời gian giải quyết hồ sơ nhà đất cho người dân theo lộ trình: thời gian 80 ngày kéo dài từ 15/10/2007 đến 15/1/2008, thời gian giảm dần 60 ngày từ 15 - 1 đến 30 - 3, sau 30 - 3 mọi việc sẽ trở lại bình thường để giải quyết cho kịp số lượng hồ sơ xin cấp giấy các loại, trong đó có khá nhiều giấy trắng.

Về lý do xử lý chậm, ông Trương Văn Non cho biết: “Đặc thù Gò Vấp là dân nhập cư. Máy bốc thẻ lúc nào cũng đông như ổ kiến, phải làm “văn hóa xếp hàng”, xếp thành 4 line riêng biệt nhưng vẫn quá tải, không chịu nổi. Nói thiệt, ông Bộ TN - MT nói giấy trắng không được giao dịch, giờ có gia hạn từ 2008 hết 2010 cũng cấp đổi sang giấy hồng không xong”.

Một cán bộ Sở Tư pháp TP.HCM:

Trách nhiệm thuộc các cơ quan quản lý nhà nước

Một cán bộ Sở Tư pháp cho rằng, tình hình trên thuộc trách nhiệm các cơ quan quản lý nhà nước, do chậm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện và thủ tục xin cấp, đổi nhưng hậu quả của nó thì người dân phải gánh chịu.

Với vai trò quản lý nhà nước, hơn ai hết Bộ TN - MT là cơ quan biết rõ nhất tình hình triển khai cấp các loại giấy về nhà, đất trong thực tế. Lẽ ra, khi phát hiện thấy kế hoạch có nguy cơ bị đổ vỡ, thì bộ phải kịp thời tham mưu cho Chính phủ các giải pháp xử lý để tránh gây ra ách tắc và bảo đảm quyền lợi của người dân.

Tình trạng người dân phải rồng rắn đi làm thủ tục cấp, đổi giấy như hiện nay xuất phát từ việc ban hành các văn bản pháp luật mang nặng tính chủ quan của cơ quan quản lý có liên quan.

Điều quan trọng nhất là khi ban hành văn bản pháp luật phải sát với thực tế cuộc sống. Nếu không, nó trở thành rào cản cho sự phát triển và còn là công cụ cho những cán bộ biến chất hành dân, mà điển hình là tình trạng xử lý giấy trắng như thời gian qua.



Theo Sài Gòn Giải Phóng