Thực tế quản lý xây dựng ở địa phương còn tồn tại, phát sinh nhiều thủ tục hành chính rườm rà làm mất thời gian, gây phiền hà cho doanh nghiệp, người dân - Đó là một phần đánh giá của Bộ Xây dựng gửi Chính phủ sau khi kiểm tra rà soát về thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng tại TPHCM, Hà Nội và một số địa phương khác.
Mới đây, theo chỉ đạo của UBND TPHCM, Sở Tư pháp đã rà soát và vừa báo cáo những kết luận bất ngờ về sự “sáng tạo” của Sở Xây dựng TPHCM trong cấp phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình trên địa bàn TP.
Nhọc nhằn thủ tục đầu tư xây dựng
Khi triển khai dự án đầu tư xây dựng công trình Khu căn hộ The Manor giai đoạn 2, chủ đầu cũng không ngờ mình phải trải qua một loạt các thủ tục nhiêu khê đến như vậy: đầu tiên là bổ sung các tài liệu, văn bản thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy, kế đến là giấy chứng nhận đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường, rồi đến văn bản đấu nối hạ tầng kỹ thuật.
Để hoàn thành hết các công đoạn này cũng là cả một chặng đường! Chính quy định này của Sở Xây dựng TP đã khiến nhiều chủ đầu tư dự án “dở khóc dở cười” cả một thời gian dài. Sau nhiều kiến nghị, cuối cùng ngày 18 - 9, sở mới đồng ý và ra thông báo bãi bỏ những yêu cầu này!
Vẫn còn những thủ tục bất hợp lý nhưng đến nay Sở Xây dựng TPHCM vẫn chưa bãi bỏ. Ví dụ theo thống kê của Sở Tư pháp, trong Hướng dẫn 7229 của Sở Xây dựng, chủ đầu tư ngoài việc nộp hồ sơ cấp phép xây dựng còn phải nộp thêm hàng loạt giấy tờ khác như đối với công trình trụ sở đại sứ quán nước ngoài thì cần phải có văn bản đồng ý của Sở Ngoại vụ TP về chủ trương, địa điểm xây dựng.
Đối với các công trình quảng cáo gắn vào tòa nhà hiện hữu thì hồ sơ xin phép xây dựng cần phải có tài liệu kiểm định hiện trạng về khả năng chịu lực của tòa nhà... Hoặc đưa ra các nội dung mang tính chất chung chung, như: nhà ở riêng lẻ tại vùng đô thị, điểm dân cư nông thôn chưa có quy hoạch xây dựng được duyệt thì chỉ được xây dựng tối đa hai tầng (trệt, 1 lầu), với tổng diện tích sàn xây dựng không quá 200 m2.
Riêng việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình, mặc dù Nghị định 95 của chính phủ đã có quy định cụ thể các loại giấy tờ chủ đầu tư cần nộp, nhưng Sở Xây dựng TP đã có bước “đột phá” khi quyết định yêu cầu chủ đầu tư… nộp thêm một số thủ tục khác, như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quyết định xử lý vi phạm hành chính và chứng từ chứng minh chủ sở hữu công trình đã thực hiện xong quyết định xử phạt; báo cáo kiểm định chất lượng công trình; giấy chứng nhận chất lượng xây dựng công trình…
Một chủ đầu tư vốn từng là luật sư, rất am hiểu các quy định của Việt Nam về lĩnh vực xây dựng, sau khi hoàn tất tất cả các thủ tục theo yêu cầu, chỉ buông một câu cảm thán: “Đúng là phép vua thua lệ làng!”.
Vượt quyền?
Sau khi rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật do Sở Xây dựng TPHCM ban hành, bãi bỏ, chính Sở Tư pháp TP cũng không giấu được ngạc nhiên. Kết quả, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Ngô Minh Hồng đã phải kiến nghị UBND TP đình chỉ và bãi bỏ các văn bản ban hành trái luật của Sở Xây dựng vì trái thẩm quyền (Hướng dẫn số 7229, số 8531, Thông báo 8933, Thông báo 7845 về thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng).
Đồng thời Sở Tư pháp cũng kiến nghị UBND TP xem xét quyết định ban hành quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình, chỉ đạo cơ quan trình dự thảo lấy ý kiến các cơ quan có liên quan, giải trình về sự cần thiết quy định thêm thành phần hồ sơ về cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình so với quy định của Trung ương để TP trình Chính phủ trước khi ban hành quy định này.
Trong báo cáo kết quả kiểm tra gửi Chính phủ, Bộ Xây dựng cũng đã đề xuất một số giải pháp quan trọng để gỡ vấn đề này, đồng thời yêu cầu các địa phương bị kiểm tra (Hà Nội, TPHCM…) phải chủ động rà soát các văn bản quy phạm pháp luật của mình để kịp thời loại bỏ các thủ tục tự đặt ra trái pháp luật, không phù hợp thực tế, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Xử lý nghiêm minh đối với những cán bộ, công chức tự đặt ra các yêu cầu sai quy định… Yêu cầu là thế, nhưng đến nay những “sáng tạo” của Sở Xây dựng trong cấp phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình vẫn chưa được UBND TP xem xét, xử lý.
Theo Sài Gòn Giải Phóng
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: