Khởi tố hay không vẫn còn chờ kết quả giám định của cơ quan điều tra.
Sở Xây dựng TP.HCM vừa có dự thảo báo cáo UBND TP về kết quả kiểm tra việc thi công công trình cao ốc Pacific làm sập nhà của Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ vào tháng 10 - 2007. Có tám đơn vị tham gia xây dựng công trình này bị kiến nghị phạt hành chính.
Luật không đủ sức răn đe
Đoàn kiểm tra (do giám đốc Sở Xây dựng làm trưởng đoàn) nhận định chủ đầu tư cao ốc Pacific có bốn hành vi sai phạm: xây dựng sai phép (xin ba tầng hầm, xây sáu tầng hầm); vi phạm quy định về nghiệm thu; quản lý dự án không đủ năng lực; chọn nhà thầu thi công không đủ năng lực.
Tổng mức phạt cho các hành vi này là 32,5 triệu đồng. Trong đó riêng hành vi xây lố ba tầng hầm chỉ bị phạt 200.000 đồng (!). Ngoài ra, chủ đầu tư còn phải thực hiện các yêu cầu khác để đảm bảo an toàn cho công trình và xung quanh trong khi thi công, chịu mọi chi phí liên quan trong việc khắc phục sự cố cũng như các hư hỏng của những công trình khác (Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ, Sở Ngoại vụ), bồi thường thiệt hại...
Riêng số tiền phạt nêu trên thoạt nhìn thì cảm giác quá nhẹ so với tính chất vụ việc vi phạm. Thực ra Sở Xây dựng đã chọn mức phạt tiền cao nhất dựa theo mức phạt của Nghị định 126 về xử lý vi phạm trong xây dựng. “Luật quy định phạt quá nhẹ và đánh đồng, không đủ sức răn đe” - một vị lãnh đạo Sở Xây dựng khẳng định.
Phạt xong vẫn có thể bị khởi tố
Các hành vi vi phạm của chủ đầu tư cao ốc Pacific đã đủ để khởi tố hình sự hay chưa, đến nay vẫn chưa thể kết luận. Thông tư liên tịch 04 của Bộ Xây dựng và Bộ Công an ngày 7.7.2007 hướng dẫn xử lý vi phạm trong lĩnh vực xây dựng quy định tùy tính chất, mức độ của hành vi mà kỷ luật, phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người vi phạm.
Theo thông tư này, việc “xây dựng không có giấy phép, không đúng giấy phép, đã bị xử phạt vi phạm hành chính, đình chỉ xây dựng nhưng vẫn tiếp tục công trình” phải có sự phối hợp xử lý giữa thanh tra và cơ quan điều tra. Nếu thanh tra kết luận không có dấu hiệu tội phạm nhưng cơ quan điều tra phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì cần trao đổi với thanh tra trước khi ra quyết định khởi tố.
Như vậy, việc phạt hành chính không có ý nghĩa miễn trừ trách nhiệm hình sự của người vi phạm nếu sau đó cơ quan điều tra xác định có căn cứ để khởi tố. Điều 62 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính cũng quy định trường hợp đã bị phạt hành chính nhưng sau đó phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm mà chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì người ra quyết định phạt phải hủy quyết định đó trong ba ngày và chuyển hồ sơ cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền.
Cần lưu ý là theo Thông tư 04, nếu chủ đầu tư kịp thời, tự nguyện khắc phục hậu quả thì được xem xét giảm nhẹ hoặc miễn truy cứu trách nhiệm hình sự (với điều kiện không dùng tiền của nhà nước để khắc phục hậu quả trái pháp luật) và người bị thiệt hại đồng ý.
Nguyên tắc khi xử lý là phải phân biệt rõ tính chất vụ việc là dân sự, hình sự, kinh tế hay hành chính để tránh phiền hà cho người dân. Trước mắt, cơ quan quản lý ra quyết định phạt hành chính đối với những đơn vị liên quan trong vụ cao ốc Pacific là phù hợp.
Lấp ba tầng hầm: Khó xử?
Một vấn đề nữa là tại sao ba tầng hầm sai phép của Pacific không bị xử lý dứt khoát, buộc phải lấp? Trong khi Hà Nội kiên quyết “cắt ngọn” hàng loạt công trình xây lố tầng cao thì TP.HCM lại có vẻ ngập ngừng khi xử lý các tầng hầm của cao ốc Pacific.
Không có căn cứ pháp luật nào bảo vệ cho việc tồn tại phần sai phép này. Có quan điểm nhận định nếu công trình đã đáp ứng điều kiện an toàn, quy hoạch, giao thông... thì cũng nên cân nhắc lại để hài hòa lợi ích của chủ đầu tư và xã hội nói chung. Dĩ nhiên kèm theo điều kiện chủ đầu tư phải cam kết, thực hiện đầy đủ những biện pháp bảo đảm an toàn công trình.
Tuy nhiên, nếu “tha” cho phần sai phép của cao ốc Pacific thì TP.HCM sẽ tiếp tục “khó xử” với những sai phạm tương tự đang và sẽ xảy ra.
Theo Pháp Luật TP.HCM
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: