Top

Rút bớt tiền lưu thông để trị lạm phát: Chứng khoán sẽ “tươi” hơn địa ốc

Cập nhật 24/02/2008 14:00

Vẫn chưa rõ ràng việc dòng vốn “tháo chạy” khỏi bất động sản.

Ngay sau khi Ngân hàng nhà nước Việt Nam quyết định sẽ hút hơn 20.000 tỷ đồng tiền mặt ra khỏi lưu thông, hàng loạt lĩnh vực như ngân hàng, chứng khoán, địa ốc... ngay lập tức đã chịu những phản ứng dây chuyền. Địa ốc và chứng khoán những ngày tới sẽ ra sao? Pháp Luật TP.HCM đi tìm câu trả lời từ những chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực này.

Ông Cao Sĩ Kiêm, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia:

Cần chấm dứt những dự án đất có tính đầu cơ

Chúng ta đã bắt đúng bệnh là lạm phát, thuốc chúng ta đã kê là kiểm soát tiền tệ. Thế nhưng chỉ có điều là uống thuốc không đúng chỉ định (liều lượng chưa đúng, chưa đủ, thời gian uống cũng không đúng...). Rõ ràng các giải pháp kể cả các giải pháp của ngân hàng như tăng lãi suất, dự trữ bắt buộc tăng lên và mua trái phiếu ngân hàng nhà nước cũng nhằm giảm lạm phát nhưng chưa thực sự hiệu quả. Thế nên phương pháp, sự phối hợp các bộ ngành như thế nào là phải tính toán lại.

  Liên quan đến việc hiện nay thị trường đang thiếu tiền đồng trầm trọng, theo ông thì việc kiểm soát tiền tệ này có ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường bất động sản?

Riêng về thị trường bất động sản thì thời gian trước đây đã cho vay quá lỗ nhưng sau này lượng tiền vay tăng lên rất nhanh vì nó quá lợi. Chính vì có một lượng tiền đổ xô vào bất động sản đã làm giá cao ngất ngưởng. Thế nên cần thiết phải sắp xếp lại việc cho vay đầu tư bất động sản chứ không nó sẽ căng quá mà vỡ một cách nhanh chóng.

Tuy nhiên, chúng ta cũng nên tiếp tục đầu tư vào những dự án như xây nhà cho công nhân khu công nghiệp. Còn những dự án nào có tính chất đầu cơ, đổ tiền vào mà phá hoại thị trường thì cần phải chấm dứt ngay. Khi đó chắc chắn thị trường sẽ được cân đối, phát triển đúng khả năng của nó. Được biết là cách đây vài ngày, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng có chỉ đạo trực tiếp việc xây dựng một văn bản rất cụ thể đều nhằm điều chỉnh lại thị trường bất động sản. Tinh thần là chỉ trong một thời gian ngắn sẽ có một chính sách mạnh về bất động sản.

Đến bây giờ lạm phát đang áp trực tiếp vào đời sống của mỗi người dân, vào sản xuất của doanh nghiệp, ngân hàng thương mại bắt đầu khó khăn khi huy động vốn, thị trường chứng khoán thì ảm đạm... Tất cả những ảnh hưởng này làm cho kế hoạch thực hiện mục tiêu phát triển của năm nay đạt được ở mức khó khăn. Khi mà phí cao thì giá sẽ cao, lạm phát cao sẽ ảnh hưởng đến thực tế của người tiêu dùng, cụ thể là người nông dân, người làm công ăn lương sẽ bị thiệt thòi nhất.

Mới đây việc Ngân hàng nhà nước vừa bơm thêm 10.000 tỷ đồng ra thị trường, rồi lại hút 20.300 tỷ đồng để kiềm chế lạm phát thông qua tín phiếu bắt buộc. Phải chăng việc này thể hiện sự lúng túng của chính sách tiền tệ?

Việc bơm thì vẫn cần bơm, bơm những chỗ thiếu nước như phục vụ vốn cho sản xuất, kinh doanh là điều phải làm. Còn những chỗ mua ngoại tệ nằm rải rác trên thị trường cũng cần thiết phải được hút về. Đây là hai việc hoàn toàn khác nhau chứ không phải hút vào rồi bơm ra, làm động tác thừa. Các thao tác này là việc phải làm thường xuyên của Ngân hàng nhà nước.

Ông Vương Quân Hoàng, chuyên gia về tài chính của Đại học Tổng hợp Bruxelles (Bỉ):

Thị trường chứng khoán sẽ đi lên

  Liệu khi thị trường bất động sản đang khó khăn nguồn vốn như hiện nay thì các nhà đầu tư có chạy sang chứng khoán không, thưa ông?

  Thực ra câu trả lời nằm ở hai góc độ khác nhau. Thứ nhất, lượng tiền bổ sung được tái tạo từ hoạt động kinh doanh sẽ được phân bổ vào đâu trong rổ tài sản xã hội. Thứ hai, lượng tiền khác từ bên ngoài nền kinh tế như kiều hối, đầu tư gián tiếp... sẽ lựa chọn lợi suất để chảy vào. Việc liên thông giữa thị trường tín dụng, bất động sản và chứng khoán bắt đầu hình thành từ năm 2005 và đột ngột mạnh lên từ quý I-2007. Như vậy, việc “tháo chạy” khỏi bất động sản là điều chưa chắc chắn vì giá bất động sản không giảm, mặc dù tính thanh khoản có thể giảm.

Chắc chắn là vốn từ bất động sản có chạy qua thị trường chứng khoán, vì tính liên thông ngày càng rõ. Tuy nhiên, chúng ta cũng đừng quên một điều rằng ngay trong “đám” chứng khoán có thể mua bán hiện nay, có rất nhiều liên quan tới bất động sản.

Nhà đầu tư trong nước thì bán tháo cổ phiếu, trong khi nhà đầu tư nước ngoài lại ồ ạt mua vào, việc đó ảnh hưởng như thế nào đến thị trường chứng khoán Việt Nam?

Ảnh hưởng rất xấu, có tốt chăng thì là điều chỉnh linh hoạt hơn mà thôi. Bản thân thị trường chứng khoán có chức năng số một là tạo ra tính thanh khoản cho hàng hóa là tài sản tài chính. Mỗi khi các biến động tạo ra cung cầu chênh lệch lớn quá thì tự nó sinh ra một hiệu ứng là làm mất tính thanh khoản.

Ông có cho rằng thị trường chứng khoán sẽ đi lên chứ không lao xuống mức cạn đáy như hiện nay?

  Tôi tin là thị trường chứng khoán sẽ đi lên nhưng không phải do chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, đừng ai hy vọng nó tăng cỡ vài chục % mỗi tháng. Chính việc nhà đầu tư trong nước bán ra và nhà đầu tư nước ngoài mua vào thể hiện rõ sự khác biệt về kỳ vọng và thị trường chứng khoán vẫn duy trì được mức độ thanh khoản nào đó.

Ông Phan Hồ Trung Phong, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư liên minh Tây Thái Bình Dương:

Đến hết tháng 4, chứng khoán xanh lại

Theo tôi, với tình hình chứng khoán giảm như hiện nay, cộng thêm thị trường có rất ít thông tin tốt hỗ trợ thì chứng khoán sẽ dao động trong ngưỡng 670 điểm và đây cũng là đáy. Còn thời điểm cụ thể để chứng khoán bật trở lại phải đến hết tháng 4. Tuy nhiên, có thể chứng khoán sẽ bật dậy sớm khi mà nhiều người đầu tư nhà, đất đang cố bán tháo ra lấy tiền mặt bảo toàn vốn. Mặt khác, đến tháng 3 là các quỹ đầu tư nước ngoài sẽ kết sổ hoàn tất và dĩ nhiên sau đó họ sẽ đẩy mạnh việc mua thêm cổ phiếu vào.

Ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh, chuyên gia chứng khoán:

Chứng khoán sẽ rớt xuống 650 điểm

Với động thái mới của chính sách, khi nhà nước cho nhà đầu tư ngoại được phép mua cổ phần bằng ngoại tệ ở các doanh nghiệp thì rõ ràng chứng khoán vẫn là một kênh quan trọng. Việc hiện nay các nhà đầu tư cá nhân thi nhau bán cổ phiếu ra cũng xuất phát từ tâm lý chán nản, không tin tưởng vào chính sách điều hành thị trường của các cơ quan quản lý thời gian qua. Tâm lý chán chường đang lan tỏa, do vậy thời điểm này có thể chứng khoán sẽ rớt mạnh nhiều phiên nữa và đáy của nó sẽ ở ngưỡng 650 điểm. Đây cũng là dự báo mức rớt hết cỡ của chứng khoán khi thị trường tiếp tục hứng chịu thêm những tình huống xấu.



Theo Pháp Luật TP HCM